Thái Mỹ hôm nay

Đoàn nhà văn TPHCM đi khảo sát thực tế ở Củ Chi vào ngày đầu tuần là ngày hội họp, giao ban của huyện, xã nhưng các đồng chí lãnh đạo vẫn cố gắng thu xếp thời gian tiếp các vị khách đặc biệt gồm 23 nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn TPHCM và hướng dẫn đoàn tham quan một số cơ sở.
Thái Mỹ hôm nay

Đoàn nhà văn TPHCM đi khảo sát thực tế ở Củ Chi vào ngày đầu tuần là ngày hội họp, giao ban của huyện, xã nhưng các đồng chí lãnh đạo vẫn cố gắng thu xếp thời gian tiếp các vị khách đặc biệt gồm 23 nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn TPHCM và hướng dẫn đoàn tham quan một số cơ sở.

Sản xuất hàng mây tre lá tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất hàng mây tre lá tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Thăng

Trong quãng thời gian eo hẹp, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Thị Gái giới thiệu khái quát bộ mặt Củ Chi hiện tại với những điều mới lạ, lý thú: từ đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở đến chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mô hình xây dựng nông thôn mới…

Một địa chỉ trong 5 xã điểm cho đoàn nhà văn đến tìm hiểu là Thái Mỹ. Trên đường đi, tôi nhớ ra đây là vùng đất nổi tiếng ác liệt thời chống Mỹ, nằm giáp ranh giữa Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi, là căn cứ “bàn đạp” của lực lượng ta xâm nhập xuống vùng ven và vào nội đô Sài Gòn. Đây cũng là căn cứ chuyển giao vũ khí cho Biệt động thành. Vũ khí chuyển từ vùng giải phóng về đây được các cơ sở ngụy trang chuyển ra suối sâu để lực lượng bảo đảm tiếp nhận chuyển vào Sài Gòn trong sự kiểm soát dày đặc, chặt chẽ của địch. Chuyện cha con ông Chín Ten giấu vũ khí trong các cần xé hàng bông chở xe bò tiếp tế cho Biệt động thành tấn công Đại sứ quán Mỹ trong Tết Mậu Thân 1968, đã thành một huyền thoại của cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược, giải phóng đất nước.

Xe chạy băng băng trên đường nhựa vào Thái Mỹ. Tôi không ngờ mảnh đất năm xưa dân làng và du kích phải cấy lúa ban đêm dưới tầm bom pháo của Mỹ - ngụy, chắt chiu từng hạt gạo cho cách mạng, bây giờ lại trở nên vùng nông thôn mới với những biến đổi lạ kỳ.

Chị Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ anh hùng, phác thảo một cách sinh động và chân thực bức tranh Thái Mỹ. Với 12.104 nhân khẩu, mặc dù chỉ là xã thuần nông nhưng đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa khá thành công. Con em trong xã đã đi xuất khẩu lao động trên 1.000 người, nhưng vẫn có 4.000 công nhân lao động trong các KCN Tây Bắc Củ Chi, Trảng Bàng. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hầu hết sử dụng máy móc. Phụ nữ trên 40 tuổi an tâm ở nhà làm nội trợ.

Làng nghề đan lát mây tre là nét truyền thống của Thái Mỹ nhưng nay hiện đại hơn nhiều. Các giỏ tre được sản xuất theo kỹ thuật mới với số lượng lớn, chủ yếu xuất khẩu cho lãnh thổ Đài Loan để chuyên chở trái cây, dùng xong là bỏ, nhưng có thể tái chế làm nguyên liệu giấy. Dây chuyền sản xuất đơn giản, thu hút nhân công nhàn rỗi. Các em đi học về cũng tham gia. Đến nay trong xã không có ai không có việc làm. Bình quân thu nhập mỗi người 3 - 4 triệu đồng/tháng. Lĩnh hàng về nhà làm thì được 40.000 - 50.000 đồng/ngày. Chúng tôi trực tiếp tham quan vài cơ sở đan lát xuất khẩu, thấy quả là quy mô và rất có triển vọng.

Đến Thái Mỹ bây giờ tôi có cảm tưởng như một thị tứ với nhà cửa, đường sá khang trang, có cả những ngôi biệt thự lớn. Đó là hình ảnh nông thôn hôm nay và trong tương lai còn đẹp giàu hơn nữa…

Dấu vết chiến tranh có lẽ đã chôn vùi rất lâu trong ký ức của người dân Thái Mỹ. Lịch sử đáng tự hào của vùng đất anh hùng là điểm tựa đi lên. Quá khứ đã bồi đắp rất nhiều cho sự đổi mới hôm nay. Không chỉ xã điểm Thái Mỹ xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, mà trên sống lưng của hàng trăm kilômét địa đạo năm xưa từng làm nên danh “Củ Chi đất thép” bằng sự lao động sáng tạo, ý chí và quyết tâm, các làng xã của Củ Chi đang thay đổi sắc diện đến không ngờ, ngoài sự tưởng tượng của những ai đã từng sống chết với mảnh đất này.

Lam Giang

Tin cùng chuyên mục