Thăm đồng bào vùng lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tìm mọi biện pháp giúp dân ổn định cuộc sống

°TPHCM hỗ trợ đồng bào Quảng Bình 2 tỷ đồng khắc phục thiệt hại
Thăm đồng bào vùng lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tìm mọi biện pháp giúp dân ổn định cuộc sống

°TPHCM hỗ trợ đồng bào Quảng Bình 2 tỷ đồng khắc phục thiệt hại

Ngày 9-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến Quảng Bình kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong các tỉnh miền Trung với 42 người chết, 17 người mất tích, 45 người bị thương..., ước tổng thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng.

Đường sắt Bắc - Nam đã thông
Lúc 1 giờ sáng 9-10, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được thông tuyến sau 5 ngày bị ách tắc do nước lũ cuốn trôi. Ba đoàn tàu SE1, SE2, SE6 vận chuyển gần 1.500 hành khách rời ga Đồng Hới. Trước đó, hơn 1.000 cán bộ - công nhân viên của ngành đường sắt tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã ngày đêm túc trực, sửa chữa những điểm bị sạt lở và cuốn trôi đường tàu kể trên để được thông tuyến.

Từ ngày 5 đến 8-10 hơn 6.000 hành khách trên các chuyến tàu SE2, SE4, SE8, TN2... bị mắc kẹt tại ga Đồng Hới đã phải trả vé để chuyển sang đi đường bộ.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về thăm đồng bào xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn mưa lũ lịch sử vừa qua.

Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân địa phương, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia buồn, thăm hỏi ân cần đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng và các gia đình trong vùng lũ đang ngày đêm vất vả vượt qua những khó khăn, gian khổ để dần ổn định sản xuất, đời sống. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn hướng về nhân dân, tìm mọi biện pháp để giúp người dân mau chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Đánh giá cao sự đoàn kết của đồng bào, đồng chí trong vùng bị thiên tai đã chung sức, chung lòng vượt qua mưa lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đảng bộ và chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ những gia đình có người thân bị mất, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do lũ lụt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tập trung chỉ đạo tìm kiếm 17 người mất tích, hỗ trợ đối với những gia đình có người bị mất và bị thương; huy động mọi lực lượng giúp đồng bào sửa chữa nhà cửa, nắm sát tình hình để hỗ trợ, không để dân bị đói. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Bình huy động các lực lượng, trong đó ngành y tế là nòng cốt, tập trung vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát, đặc biệt bệnh đường ruột và đường hô hấp. Khẩn trương khôi phục các công trình phúc lợi bị hư hỏng, nhất là trường học, trạm xá để học sinh sớm trở lại lớp học và phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tập trung chỉ đạo chuẩn bị đủ giống cây, con, phân bón phục vụ sản xuất vụ thu - đông và đông - xuân sắp tới.

Qua sự việc này, Thủ tướng lưu ý Quảng Bình cũng như các địa phương trong cả nước ứng phó trước biến đổi khí hậu cần xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đây là bài học xương máu cần rút kinh nghiệm.

Ngày 9-10, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã dẫn đầu đoàn công tác của TP đến thăm bà con vùng lũ Quảng Bình. Chia sẻ sâu sắc những thiệt hại do lũ gây ra, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà ân cần thăm hỏi, động viên bà con cùng Đảng bộ và chính quyền đoàn kết sớm vượt qua hoạn nạn.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tặng quà người dân bị thiệt hại do lũ ở xã An Thủy. Ảnh: MINH PHONG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà tặng quà người dân bị thiệt hại do lũ ở xã An Thủy. Ảnh: MINH PHONG

Để giúp bà con Quảng Bình gặp thiên tai sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, Phó Bí thư Thành ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trao 2 tỷ đồng hỗ trợ. Ông Trần Công Thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP và hứa sẽ chuyển số tiền hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Cùng ngày, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Đoàn kiều bào tiêu biểu về nước dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quyên góp được hơn 400 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đang chịu nhiều tổn thất do lũ lụt

Còn hàng ngàn người đói, rét

Xã Tân Hóa huyện Minh Hóa, Quảng Bình đến hôm qua (9-10) lũ còn ngập khắp nơi, hàng ngàn người vẫn lấy hang đá làm nơi trú thân. Ít nhất 12 hộ dân đồng bào Roọc dựng tạm lán nhỏ tá túc chờ lũ rút, những người già, phụ nữ, trẻ em nhiều ngày thiếu tinh bột đã bị phù thũng. Những gương mặt phờ phạc, mừng rỡ nhìn những bao gạo cứu trợ đầu tiên. Tuy nhiên cơ cực hơn là hàng ngàn người không còn áo quần khô để mặc, nhiều người lớn ở trần với độc cái quần đùi ướt đẫm. Ông Cao Sơn (54 tuổi) run run nói: “Đói thế này lại bị ướt, bị trôi mất áo quần không có đồ thay lạnh lắm!”.

Cháu Cao Sĩ, 10 tuổi, chống chọi với trận lũ này đã 7 ngày không có áo quần, vừa nói hai hàm răng của Sĩ va vào nhau lập cập. Em đã mất sạch không còn gì, đang đi học thì bị lũ cuốn mất sách vở, nhà nghèo, bố mẹ may được hai bộ áo quần cũng bị lũ cuốn.

Nhiều ngày qua không ít cán bộ huyện Minh Hóa đã tặng ngay quần, áo đang mặc cho người dân vùng rốn lũ Tân Hóa. Đó là Phó trưởng Công an huyện Phan Thanh Phương, vào tìm dân thấy nhiều người không còn áo quần, sống trong giá rét đã không đắn đo tặng ngay áo quần của mình giúp dân chống rét.

Tại Hà Tĩnh ngày 9-10, nước lũ đã rút. Tại 2 huyện miền núi vùng rốn lũ là Hương Khê và Vũ Quang không còn bị chia cắt; điện, thông tin liên lạc đã phục hồi đến tận xã. Trong ngày, gần 150 đoàn viên, thanh niên các cơ quan cấp tỉnh Hà Tĩnh ra quân về vùng rốn lũ huyện Hương Khê giúp nhân dân khắc phục hậu quả, dọn sạch đất bùn, rác tại các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, bệnh viện, nhà văn hóa... Huyện đoàn Hương Khê huy động 1.500 đoàn viên, thanh niên có mặt tại 22 xã trên địa bàn; 150 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh; 750 cán bộ, chiến sĩ thuộc BCH quân sự tỉnh, 1.500 dân quân tự vệ, 9 xe tải, 11 tàu xuồng các loại… có mặt tại huyện Hương Khê, Vũ Quang để giúp nhân dân sửa sang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau lũ.

Đến thời điểm này, các tổ chức, cá nhân đã gửi cứu trợ vùng lũ Hà Tĩnh gần 13 tỷ đồng, 30 tấn mì tôm, 22 tấn gạo, hàng ngàn thùng nước uống, lương khô, thịt hộp, vật dụng gia đình, quần áo, chăn màn… Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, nếu địa phương nào để xảy ra sai phạm trong việc phân phối, sử dụng các nguồn tiền và hàng cứu trợ hoặc để tình trạng dân bị đói, khát thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục