Tham gia TPP: Ngành dệt may lo nguồn cung nguyên liệu

Việt Nam là một trong những nước có lượng hàng dệt may xuất khẩu vào các nước thành viên TPP chiếm tỷ lệ lớn. Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được rộng mở, thuế xuất nhập khẩu tiến về 0% càng tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp giảm giá, tăng sức cạnh tranh… Thế nhưng, quy định khắt khe về nguồn nguyên liệu - điều kiện về quy tắc xuất xứ hàng hóa - chính là điểm thắt cần tháo gỡ, bởi doanh nghiệp Việt Nam lâu nay phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không phải là thành viên của TPP nên hàng hóa dùng nguồn nguyên liệu từ đây sẽ không được chấp nhận miễn thuế khi xuất vào các nước TPP.
Tham gia TPP: Ngành dệt may lo nguồn cung nguyên liệu

Việt Nam là một trong những nước có lượng hàng dệt may xuất khẩu vào các nước thành viên TPP chiếm tỷ lệ lớn. Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được rộng mở, thuế xuất nhập khẩu tiến về 0% càng tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp giảm giá, tăng sức cạnh tranh… Thế nhưng, quy định khắt khe về nguồn nguyên liệu - điều kiện về quy tắc xuất xứ hàng hóa - chính là điểm thắt cần tháo gỡ, bởi doanh nghiệp Việt Nam lâu nay phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không phải là thành viên của TPP nên hàng hóa dùng nguồn nguyên liệu từ đây sẽ không được chấp nhận miễn thuế khi xuất vào các nước TPP.

Doanh nghiệp Việt ngành dệt, kéo sợi, nhuộm còn rất thiếu và yếu Ảnh: CAO THĂNG

Cần xây dựng chuỗi cung ứng

Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp ngành dệt may (có 650 doanh nghiệp nước ngoài). Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp may chiếm đến 70%, trong khi doanh nghiệp dệt chiếm chỉ 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4% và các doanh nghiệp phụ trợ 3%. Đấy là sự thiếu tương xứng. Con số đó cho thấy Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối “cắt - may”, còn các hoạt động kéo sợi, dệt, nhuộm thì rất yếu, chưa thể đủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp dệp may trong nước. Khi TPP áp dụng quy tắc xuất xứ nguồn nguyên liệu thì nhìn hoạt động sợi trong nước chỉ chiếm 6% không thể nào đủ cung cấp cho 70% doanh nghiệp may. Do vậy, để tận dụng được lợi thế từ TPP các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.

Tham gia thị trường TPP, cái lợi của ngành dệt may, da giày đã rõ khi mức thuế xuất khẩu giảm về 0% (trước đây là 12% - 17%) thì doanh nghiệp được hưởng lợi tương ứng với phần thuế phải nộp. Rõ ràng cơ hội đã mở ra nhưng thách thức cũng đi kèm khi phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nguồn nguyên liệu trong bối cảnh như trên. Nếu không chuẩn bị nguồn nguyên liệu phù hợp về quy tắc xuất xứ và thủ tục để chứng minh quy tắc xuất xứ thì khi đó con đường đến với TPP sẽ gặp một rào cản lớn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp dệt may trong nước phải nhanh chóng hợp tác với nhau để tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ để tăng năng lực cạnh tranh của ngành dệt may. Quan trọng hơn hết, việc tạo ra chuỗi cung ứng bền vững sẽ giúp ngành dệt may phát triển bền vững lâu dài, chứ không phải vì những lợi ích trước mắt về ưu đãi thuế quan mà… ngủ quên trên chiến thắng! Bởi, một dự báo là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam tham gia vào ngành may mặc nhằm hưởng các ưu đãi về nhân công giá rẻ, thuế suất ưu đãi... Trong khi đó, những doanh nghiệp nước ngoài thường có tiềm lực kinh tế mạnh, quản trị tốt thì năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn doanh nghiệp trong nước. Do vậy, doanh nghiệp trong nước không kịp thời thay đổi, hợp tác cùng nhau tạo thành sức mạnh thì nguy cơ sẽ mất thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tận dụng các ưu đãi của TPP.

Giải quyết cả bài toán nhập siêu

Năm qua, doanh thu ngành dệt may đạt 4.061 tỷ đồng, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là 24,4 triệu USD, Mỹ là 16,5 triệu USD, Trung Quốc là 23,1 triệu USD, Hàn Quốc là 2,5 triệu USD… Chính hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, đến nay dù chưa một thống kê đầy đủ nào về kim ngạch nhập khẩu nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may nhưng chắc chắn rằng lượng nguyên liệu ngành dệt may nhập khẩu sẽ không nhỏ khi mà nguồn nguyên liệu trong nước thiếu trầm trọng như thế.

Do vậy, nếu các doanh nghiệp dệt may trong nước liên kết, tạo thành chuỗi cung ứng thì không những tránh được việc bị động nguồn hàng mà còn góp phần giảm nhập siêu cho đất nước. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy mới, mạnh dạn bắt tay để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất khép kín để tăng cạnh tranh và chấm dứt sự phụ thuộc nguồn hàng từ nước ngoài. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu nên các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành dệt may sẽ sớm đạt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 70% vào năm 2020. Ngoài ra, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng đang tận dụng các quỹ đầu tư với lãi suất ưu đãi cho các dự án đầu tư dệt nhuộm mới, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến sản xuất xanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường...

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục