Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Bài 2: Những “cánh đồng chết”

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Bài 2: Những “cánh đồng chết”

Người dân các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên bao năm nay quen sống với ruộng rẫy, đăng lưới bắt tôm cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Thế nhưng, từ ngày có những nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, họ đành phải chuyển lên vùng đất cao hơn để thuê đất trồng mì, hoặc làm thuê cho các chủ nhà máy. Hễ ở đâu có nhà máy mì mọc lên là xung quanh không có thứ cây trồng nào sống nổi, cá chết trắng trên các sông, suối và nước giếng cũng không thể dùng được. Tại lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi đã chứng kiến những “cánh đồng chết”.

“Chết lúa đền vài trăm ngàn là xong (!?)”

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Bài 2: Những “cánh đồng chết” ảnh 1

Một rẫy bắp bị chết rụi vì nước thải ô nhiễm do lò mì Sầm Nhị xả ra. Ảnh: Hoài Nam

Ông Hai Nam dẫn tôi ra sau hè - nơi có dòng suối Bà Sự chạy qua, lắc đầu ngao ngán: “Đó, nước đặc quạnh, trắng xát thế kia thì có con gì, cây gì mà sống nổi. Các lò mì phía trên đầu suối xả nước thải không theo giờ.

Mỗi lần xả là chịu hết nổi cái thứ nước hôi thối nồng nặc. Nhiều hôm, lò mì xả ban đêm là coi như cả nhà thức trắng”. Ông Hai Nam còn cho biết, người con thứ hai của ông hôm rồi phải bán đứt 2 công đất cho chủ lò mì Sầm Nhị vì trồng cây gì chết cây nấy. Từ khi lò Sầm Nhị “mở rộng sản xuất”, diện tích đất dành cho đào hầm chứa nước thải phải lấn thêm ra xung quanh.

Đầu tiên là những lỗ nhỏ rò rỉ từ các hầm chứa tràn ra ruộng làm lúa chết. Sau nước chảy thành dòng, tràn đến đâu là chết cây, cỏ đến đó. “Sao không kêu chủ lò mì đền?” – tôi lên tiếng. Ông Hai Nam bực dọc nói: “Lúa chết kêu đến 5 - 7 lần chủ lò mới chịu xuống coi. Kêu đền, ổng chỉ nói “vài trăm ngàn là xong”. Bực quá, đành bán luôn miếng đất cho ổng lấy vài triệu đi chỗ khác cho rồi”.

Tại ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, nhiều người dân sống quanh lò mì Minh Tuyền cũng kêu trời vì ô nhiễm nồng nặc từ nước thải, xác mì phơi tràn ra đường. Do lò Minh Tuyền chỉ có 2 hầm chứa nước thải và nằm trên cao nên mỗi lần mưa là nước tràn hầm. Nhiều vườn cao su nằm phía dưới lãnh đủ, cỏ chết, cao su bạc lá. Rẫy mì của ông Năm Cà chuẩn bị thu hoạch thì thối rễ vì nước mưa mang theo nước xả lò mì tràn xuống.

Cách suối Tre chừng hơn trăm mét là suối Cạn - nơi có nhà máy chế biến tinh bột khoai mì của Công ty LD Tapioca. Nước thải từ đây chảy xuôi về phía suối Bà Sự, sau đó 1 nhánh đổ ra ngã Ba Vịnh để ra sông Vàm Cỏ Đông. Trên đường đi, dòng nước ô nhiễm này còn nhập với dòng nước thải chưa qua xử lý của 1 lò cồn và 2 lò mủ cao su, khiến cho cả một vùng rộng lớn của các xã Hòa Hiệp, Tân Phong (huyện Tân Biên) và Phước Vinh (huyện Châu Thành) ô nhiễm nặng nề.

Đến ấp An Lộc, xã An Cơ (huyện Châu Thành), đi đến đâu người dân cũng kêu trời vì nước ô nhiễm của lò mì Sầm Phát và Sầm Hên xả ra mỗi ngày. “Ngặt nỗi, cả ấp này nhà nào cũng có người làm cho ông chủ Sầm Phát, Sầm Hên, kêu sao được” – một người dân bức xúc nói. Biết là khổ vì phải bám đất, bám vườn sống trong cảnh nước thải hôi thối, ô nhiễm nồng nặc, nhiều người dân ấp An Lộc không còn biết đi đâu.

Sống riết trong cảnh ô nhiễm cũng quen, chỉ cực cho người dân những vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông khi kế sinh nhai bị đe dọa vì cá sông không còn, lúa trồng vụ thất, vụ đặng bấp bênh mà không hiểu tại sao, do đâu. Nhiều khu vực phía huyện Bến Cầu, Gò Dầu người dân còn không dám múc nước sông lên sinh hoạt như trước.

Vàm Cỏ Đông - dòng sông xanh nay còn đâu

Câu hát “Ơi… ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông, nước xanh xanh biếc chẳng đổi thay dòng…” hầu như người chiến sĩ cách mạng nào trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng thuộc nằm lòng. Thế nhưng, hôm nay dòng sông ấy đã đục ngầu, tràn ngập chất độc hại từ những “tiểu Vedan” đổ ra. Trên chiếc đò máy đi ngược lên phía Lò Gò của xã Tân Bình (huyện Tân Biên), chúng tôi phát hiện nhiều đoạn sông nước đã đổi màu từ đùng đục - màu của nước sông pha lẫn phù sa sang màu đen nhờ nhờ của nước thải các nhà máy mì. Tiếng khua nước của chân vịt đuôi tôm cũng làm bọt nước sục lên trắng xóa. Người lái ghe máy tên Giàu nói với chúng tôi: “Tháng này nước lớn, nước ít trắng và ít hôi thối hơn mấy tháng nắng. Nhưng mỗi khi lò mì xả nước ra mà gặp con nước ròng là ô nhiễm chịu hết xiết”.

Xuôi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, vừa qua đoạn sông thuộc ấp Hòa Bình, phía trước chúng tôi là những cánh đồng chỉ trơ ra gốc lúa, bụi cỏ vàng úa, lụi tàn. Ghe cặp bờ, tận mắt chứng kiến “cánh đồng chết”, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá đến kinh khủng của ô nhiễm do chính con người gây ra.

Nhìn dòng nước sông Vàm Cỏ Đông nhờ nhờ trôi về phía hạ lưu, chúng tôi liên tưởng đến cuộc sống của bao người dân sẽ bị ảnh hưởng vì “dòng nước đen” kia. Tôi tự hỏi: Những ai đã biến dòng sông xanh thơ mộng ngày nào thành “dòng sông chết”? Và ai phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá môi trường kinh khủng kia?

Chính quyền xã Hòa Hiệp nói gì?

Chiều 26-9, chúng tôi đến UBND xã Hòa Hiệp để tìm câu trả lời từ phía chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì xả ra trên địa bàn. Tiếp chúng tôi, ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết, lãnh đạo xã hôm nay đều đi vắng. Câu đầu tiên tôi hỏi: “Tình trạng ô nhiễm từ các lò mì, xã có biết?”. Ông Hà nói: “Cái này họ xả ngầm dưới đất làm sao mình biết” (!?).

- Nhưng người dân đã nhiều lần viết đơn phản ánh?

- Đúng là có “đơn kêu cứu” tập thể của mấy chục hộ dân. Nhưng mình cũng chỉ bày cho dân gửi đơn tiếp lên trên mà thôi. Nghe đâu cũng có đoàn xuống xem và họ nói nước thải vượt quá hơn 70% cho phép thì phải.

- Xã mình có biện pháp gì với những lò mì gây ô nhiễm, thưa ông?

- Xuống kiểm tra lần nào, chủ lò cũng không có nhà. Có mời họ lên mà sao không thấy lên (!?).

- Nghe nói có nhà máy mì sắp “ra lò” mà hình như không có phép?

- Cái này có phép chứ. Tụi tui cũng mới nghe nói hình như lò Sầm Nhị mua đất của dân làm hầm, nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Lò sau này mới xây có cam kết với tụi tui làm đúng quy trình xử lý nước thải.

- Thưa ông, họ xử lý nước thải theo “quy trình” xả ra đường thoát nước lộ thiên, sau đó chảy trực tiếp ra sông Vàm Cỏ Đông?

- Nếu vậy thì nó vi phạm rồi.

- Thế vi phạm mình có biết không?

- (Im lặng).

Trong những ngày đi thực tế tại các xã biên giới đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông để tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì gây ra, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được thái độ bàng quan của cán bộ chính quyền cơ sở. Những người dân mà chúng tôi đã gặp, đều bức xúc nói: “Chính quyền biết nhưng không làm gì. Năm nào cũng có vài đoàn về kiểm tra xong lại đi không thấy nói gì…”. Không biết, đây có phải là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến những nhà máy chế biến khoai mì ngang nhiên ngày đêm xả hết cái thứ nước thải độc hại, “giết chết” dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa, trong xanh? 

HOÀI NAM

 Bài liên quan:

- Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan”

Tin cùng chuyên mục