Ngày 9 và 10 tháng 1-2011, Báo SGGP phối hợp với Chi hội Thiện Nhân, Sở Y tế Sóc Trăng và UBMTTQ Sóc Trăng, tổ chức khám và phẫu thuật cho 200 bệnh nhân mù nghèo tại tỉnh Sóc Trăng, do đoàn bác sĩ mổ mắt Nhân Ái (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) thực hiện. Sau mổ, bác sĩ Nguyễn Minh Khải, Trưởng đoàn bác sĩ Nhân Ái, đã thông báo với các bệnh nhân phải đến ngay y tế địa phương, nếu mắt có vấn đề gì xảy ra.
Đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, vẫn không có thông tin phản hồi. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM Trần Thành Long vẫn băn khoăn: “Đôi khi do bà con ở vùng sâu vùng xa, không biết báo cho ai khi việc hậu phẫu của mình có vấn đề. Điều ông quan tâm là nguy cơ bị nhiễm trùng sau mổ là rất cao. Bởi lẽ, ngoài tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, Vĩnh Châu, thủ phủ của xứ sở củ hành tím, bà con vẫn còn thói quen sử dụng hóa chất độc hại làm phấn bảo quản củ hành, nên rất dễ gây viêm nhiễm. Để yên tâm, ông đã đề nghị Báo SGGP, đơn vị phối hợp tổ chức người xuống tận nơi để kiểm tra thực tế.
Chúng tôi được chị Huỳnh Thị Sen, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Sóc Trăng, thông báo một tin rất phấn khởi là cho đến nay, theo các huyện báo cáo về là không có bệnh nhân nào xảy ra sự cố. Ai cũng ngợi khen nức lòng là Đoàn bác sĩ Nhân Ái mổ mắt mát tay quá, có thể nói là kết quả đạt 100%. Để chúng tôi yên lòng, chị Sen đã không ngại cái nắng tháng 3 nóng như đốt, hướng dẫn chúng tôi xuống các huyện thăm lại những người vừa được sáng mắt.
Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là bà Nguyễn Thị Ngọc 70 tuổi, ngụ tại 390 đường Văn Ngọc Chính, khóm 9 P3 TP Sóc Trăng, đây là địa chỉ của một ca mổ rất khó, ai cũng quan tâm. Bác sĩ Trương Chung Tính, thành viên trong đoàn bác sĩ mổ mắt cho biết: “Trong 200 ca phẫu thuật mắt tại Sóc Trăng vừa qua, ca mổ mắt cho bà Ngọc là phức tạp nhất. Vì cườm đã quá già nên khả năng phục hồi ánh sáng rất thấp. Tuy nhiên, với tất cả tinh thần y đức, chúng tôi đã quyết tâm tiến hành phẫu thuật mang ánh sáng về cho bà. Rất có thể sau mổ, mắt bà sẽ không được sáng bằng những mắt bệnh cườm nhẹ, chúng tôi sẽ mang tiếng là tay nghề kém”. Bác sĩ Tính cười đôn hậu. “Có hề gì đâu, đã làm từ thiện thì phải làm hết mình”.
Bà Ngọc đang dự đám cưới nhà hàng xóm, nghe chúng tôi ghé thăm, bà vội vã về nhà. Bà cười móm mém: “Hồi chưa mổ mắt, tôi đâu có thấy đường đi. Nay thì tự đi đứng khỏi nhờ con cháu dẫn đường, mà còn đi đám tiệc với bà con lối xóm, vui nữa là tối nào cũng cùng gia đình quây quần xem truyền hình, thấy rõ lắm”.
Anh Tâm con trai bà Ngọc cảm kích: “Bây giờ mẹ tôi đã sáng mắt, bớt một phần gánh nặng là phải có người luôn túc trực lo cho bà, mọi người yên tâm làm lụng kiếm tiền lo cuộc sống, nhờ vậy mà kinh tế gia đình cũng có khi khá chút đỉnh”.
Còn bà Lý Thị Chiêu 69 tuổi, ngụ tại 102 Ấp Tắc Gồng xã Tham Đôn huyện Mỹ Xuyên, nói như khoe: “Khi hay tin được đi mổ mắt từ thiện, tôi mừng lắm, người có nhiệt tình và chuyên môn giỏi mới đi làm từ thiện. Thực tế là mắt tôi đã sáng sau khi mổ”.
Ông Trần Đường, một mạnh thường quân ở Sóc Trăng, người đã tham gia hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ tại địa phương, đã tình nguyện đưa chúng tôi về các huyện để thăm lại những người vừa được sáng mắt. Sau khi chứng kiến những hoàn cảnh thực tế, ông cảm kích nói: “Trường hợp chưa được mổ mắt ở xứ này nhiều lắm, bà con mong mỏi Báo SGGP cùng với Chi hội Từ thiện Thiện Nhân tổ chức thêm nhiều chuyến mổ mắt cho người mù nghèo.Việc làm đầy ấp tình người của Báo SGGP và Chi hội Từ thiện Thiện Nhân có ý nghĩ xã hội rất sâu sắc. Giúp người mù nghèo tìm lại ánh sáng, vừa mang ý nghĩa nhân đạo to lớn, vừa có ý nghĩa xây dựng sự an sinh xã hội bền vững. Người mù nghèo sau khi được sáng mắt, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội, mà họ trở thành người có ích, là niềm hạnh phúc của gia đình”.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC