Mặc dù nhọc nhằn, vất vả và chịu nhiều áp lực, nhưng điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế hiện chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng. Đây là lý do khiến không ít điều dưỡng viên bỏ nghề.
Trăm dâu đổ đầu... điều dưỡng
Là người hơn 40 năm gắn bó với nghề, Th.S Thái Thị Kim Nga, Giám đốc điều dưỡng Bệnh viện Quốc tế City, cho biết từ khi tốt nghiệp năm 1979, bà công tác ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, được các lãnh đạo BV và Bộ Y tế đánh giá cao về năng lực quản lý, đóng góp trong công tác chăm sóc bệnh nhân.
Bắt đầu từ năm 2012, bà chọn BV Quốc tế City để làm việc và gắn bó. Bà Nga kể: “Công việc hàng ngày của chúng tôi là chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân. Người điều dưỡng phải xây dựng hình ảnh, thái độ chăm sóc tốt, niềm nở và thân thiện với người bệnh, bởi vì người bệnh hài lòng hay không hài lòng chính từ những dịch vụ do điều dưỡng thực hiện”.
Còn với chị Phan Thái Ngọc Trân, Khoa Tiết niệu và Khoa Lồng ngực Mạch máu - BV Đại học Y Dược TPHCM, sau gần 2 năm gắn bó với công việc, chị Trân không nghĩ rằng mình đã có thể bám trụ với nghề.
“Hồi đi học, tôi luôn cảm thấy mặc cảm và tự ti khi mình học điều dưỡng. Tôi không hiểu cũng như không cảm nhận được ngành điều dưỡng là gì, làm gì ở BV. Tôi cảm thấy thất vọng vô cùng, thậm chí tôi chẳng hiểu được ý nghĩa của nó. Đến khi đi thực tập ở BV, mọi suy nghĩ trong tôi đã khác. Tôi thấy vui khi giúp được những người bệnh mặc dù chỉ là những việc thật nhỏ nhoi; rồi chợt thấy khóe mắt mình cay cay khi nhìn người bệnh đau đớn. Tôi thương những bác bị bệnh trạc tuổi bố mẹ tôi, họ rất lam lũ và cực khổ”, chị Trân tâm sự.
Khó gắn bó với nghề
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành điều dưỡng là một trong 3 trụ cột của nền y tế, bao gồm điều trị, chăm sóc và dự phòng. Hiện nay, vai trò của người điều dưỡng không những được đánh giá cao trong ngành y tế mà được cả xã hội ghi nhận trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên có một số khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điều dưỡng Việt Nam là nhu cầu khám bệnh, dịch vụ y tế, dân số, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ các bệnh mãn tính... đều tăng cao, trong khi nguồn nhân lực điều dưỡng chưa thể đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, lực lượng điều dưỡng tại BV với hơn 1.600 nhân viên đã góp phần to lớn cho sự thành công của BV. Các điều dưỡng chính là nhà thực hành chăm sóc, nhà quản lý, giáo dục và nghiên cứu, lấy người bệnh là trung tâm. BV luôn tạo điều kiện để điều dưỡng được học tập, phát triển chuyên môn, kỹ năng, tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết. |
Thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ ở nước ta là 1,8; xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (Philippines là 5,1; Indonesia 8; Thái Lan 7). Còn theo Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ, nghề điều dưỡng là một trong những nghề dễ bị stress nhất. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, gần 23% điều dưỡng viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình và hơn 20% điều dưỡng có biểu hiện nhức đầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, bất thường trong giấc ngủ…
Cùng với đó, trong xã hội vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò của người điều dưỡng, cho rằng “nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, chỉ là người làm theo y lệnh, bác sĩ bảo gì làm nấy”. Đây cũng chính là trở ngại cho việc đổi mới toàn diện điều dưỡng, dẫn đến tồn tại những bất cập chưa được giải quyết và nhiều điều dưỡng viên mặc cảm bỏ nghề.