Tại Quảng Bình, một nữ sinh tử vong và một nữ sinh khác phồng rộp toàn thân sau khi uống nước ngọt không rõ nguồn gốc, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo thực phẩm không an toàn bày bán tràn lan trước các cổng trường…
Phụ huynh lơ là, con mắc vạ
Nhiều phụ huynh tại các địa phương phía Nam tỉnh Hà Tĩnh khi hỏi về việc có thấy an toàn với thực phẩm, nước uống không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường? Đa số đều trả lời không quan tâm hoặc có nghe nói nhưng không để ý.
Chị Nguyễn Hoàng Phương ở xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Tôi có hai đứa con học cấp 2 trong xã. Khi có tiền cho mỗi đứa 10.000 đồng mua quà vặt. Nhưng con ăn món gì, nói thật tôi không biết”.
Mới đây, cả xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bàng hoàng khi cháu Hồ Thị Kiều Anh (11 tuổi) phải nhập viện vì toàn thân phồng rộp, mẩn đỏ như bị phỏng, loét miệng, khó thở. Bố của cháu, ông Hồ Quang Lâm cho biết: Trước khi có triệu chứng này, cháu có mua một chai nước ngọt không rõ nguồn gốc. Dùng hết chai nước, cháu Anh bắt đầu bị kích ứng toàn thân, cũng may đưa đi cấp cứu kịp thời, chứ không thì khó bảo toàn thân mạng.
Một trường hợp khác, cháu M. học lớp 7, Trường THCS số 1 Đồng Sơn, đã tử vong sau khi uống 2 lon nước ngọt và dùng thức ăn nhanh không rõ nguồn. Các triệu chứng của cháu M. tương tự cháu Anh nhưng do dị ứng quá nặng, khiến cháu suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.
Tràn lan thực phẩm thiếu an toàn
Hàng rong tập trung khá nhiều trước cổng các trường tiểu học và THCS ở trung tâm TP Huế với các mặt hàng đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng rất bắt mắt, được đóng gói trong bao ni lông nhưng không nhãn mác, xuất xứ…
Một phụ nữ bán hàng trước cổng Trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế) cho biết lấy hàng từ chợ Đông Ba. Hỏi tên một loại thức ăn nhiều màu sắc, lắm dầu mỡ và có độ dẻo, xếp nhiều lát trong bọc ni lông không nhãn mác và hạn sử dụng, người bán hàng ậm ừ: “Đó là “thịt” nhưng nguyên liệu là bột mì, gia vị, phẩm màu...”. Gần đến giờ tan học, tấm ni lông được những người bán hàng nhanh chóng trải rộng ngay trên vỉa hè tuyến đường Ngô Quyền. Các loại đồ ăn, uống bày lên trên với giá từ 500 đồng đến 1.000 hoặc 2.000 đồng/món. Học sinh từ cổng trường ùa ra, xúm lại mua. Bên cạnh những món đồ ăn đủ màu sắc, nhiều em cũng “khoái khẩu” các loại nước uống rót vào ly nhựa mỏng, đập đầy đá. Một số em chuyền tay nhau uống chung một ly nước.
Tan trường là học sinh các trường học sà ngay vào các hàng quán bán thức ăn, nước uống đa phần không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Phong
Trong khi đó, một số quán trên đường Dương Văn An cạnh Trường TH-THCS Đồng Mỹ (Đồng Hới, Quảng Bình) bán các loại nước ngọt không rõ nguồn gốc. Trong một quán nhỏ, nước ngọt pha sẵn chứa trong chiếc can cáu bẩn, được rót ra ly và bảo là nước chanh, những học sinh như cháu N. hồn nhiên nói: “Cháu thích uống nước màu đỏ, bạn cháu thích nước màu xanh. Dì bán nước rót ra ly xong, lấy các phẩm màu trong từng lọ đổ vào, đứa mô cũng uống cả”. Tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện cũng bao vây nhiều trường học ở Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Quảng Bình, cho rằng: “Việc kiểm tra hàng rong trên phố và trước cổng trường đều do UBND các xã, phường quản lý, những cửa hàng nào có giấy phép kinh doanh, quản lý thị trường mới kiểm tra”. Còn ông Nguyễn Dương, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đồng Phú (Đồng Hới), lên tiếng: “Để hàng rong không vây trường học, nhà trường phải tuyên truyền giáo dục học sinh kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra cần đưa vào nội quy, quy định cấm học sinh mua đồ ăn trước cổng trường và có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, xử lý học sinh vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để ngăn chặn quán hàng rong, quà vặt trước cổng trường”
Minh Phong - Văn Thắng