Điều đáng nói, dù báo chí đã không ít lần vạch trần các thủ đoạn lừa đảo, nhưng vẫn tiếp tục có thêm nạn nhân mới.
Trao nhầm niềm tin
Báo SGGP ngày 21-7-2017 có đăng bài Khóc với kỳ nghỉ ước mơ, phản ánh chuyện vợ chồng một cán bộ về hưu ở quận 1 đã trót trao hơn 110 triệu đồng cho Công ty cổ phần Dream Holidays để mua “kỳ nghỉ ước mơ”. Tiền đã trao nhưng tour thì bị công ty này hẹn lần hẹn lữa với nhiều lý do khác nhau; đòi lại tiền không được. Mới đây, anh N.P.H. (ở quận Bình Thạnh) cũng đến Báo SGGP nhờ can thiệp về sự việc cũng tương tự. Anh H. kể: “Sau khi được mời dự hội thảo và nghe tư vấn, vợ chồng tôi quyết định ký hợp đồng với giá 16.000USD (tương đương 363 triệu đồng). Sở dĩ chúng tôi ký là vì họ cam kết tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao, được trả lại 30% tiền cọc nếu lần đầu đi nghỉ không hài lòng. Đặt cọc xong 30% (109 triệu đồng), họ hẹn 3 ngày sau mới giao hợp đồng. Nhận được hợp đồng, đọc xong tôi mới tá hỏa vì nội dung không đúng như lời tư vấn trước đây, nên yêu cầu sửa lại hợp đồng, nếu không thì phải trả cọc lại, tuy nhiên đến nay họ vẫn im lặng, không tiếp xúc và cắt đứt liên lạc dù tôi nhiều lần điện thoại”.
Gần đây, ở lĩnh vực giao dịch bất động sản cũng xuất hiện nhiều mánh khóe lừa. Chị Hồng (đang tạm trú tại quận Tân Phú) nói trong nước mắt: “Nghe Công ty Kim Phát rao bán đất nền ở Long An, giá cũng hợp lý, nên tôi ráng chạy vay đầu nọ đầu kia để đóng 400 triệu đồng tiền cọc, mong ngày nhận được nền thì không ở cũng bán lại có lời. Ai dè tiền đã nộp nhưng chờ hoài không thấy giao lô đất, hỏi ra mới biết đất nền này công ty đã bán cho nhiều người khác”. Được biết, các khách hàng khác cũng trở thành nạn nhân như chị Hồng. Tương tự, nhiều khách hàng của Công ty Việt Hưng Phát cũng đang kêu trời vì giao tiền mua đất nền ở Đồng Nai nhưng chờ mòn mỏi vẫn không có đất, vì Việt Hưng Phát chỉ là công ty môi giới, không phải là chủ đầu tư đích thực của dự án, còn dự án thì cũng “chưa đâu tới đâu”.
Nên kiểm tra kỹ các giấy tờ pháp lý
Chị T.T.C.N. (ở huyện Nhà Bè) đến Báo SGGP nhờ can thiệp chuyện mua tour bị trì hoãn mãi mà cũng chẳng đòi lại được tiền. Khi được hỏi vì sao chị chọn mua tour tại công ty “lạ hoắc” này mà không chọn những công ty thương hiệu hàng đầu, chị nói: “Lên facebook thấy công ty này quảng cáo, giá cũng rẻ nên ham, dính vô rồi mới rầu, nếu biết trước thì đã tránh từ xa, đâu phải ôm cục tức đi tới đi lui đòi tiền khổ như vầy!”. Còn ông T. (người đã đặt cọc hơn 100 triệu đồng mua “sở hữu kỳ nghỉ”) cho hay: “Thủ thuật của nhân viên tư vấn là dồn khách hàng vào giờ chót, như “bác cứ đặt cọc tiền đi, không chịu thì mai tụi cháu trả lại”, nghe bùi tai nên đóng tiền, đến lúc đòi lại thì nhân viên không chỉ ngoảnh mặt đi còn dè bỉu rằng đời có gì cho không đâu”. Anh N.P.H. (người có trình độ, am hiểu pháp luật nhưng cũng là nạn nhân như ông T.) kể: “Nghe nhân viên tư vấn hứa như đinh đóng cột, mình mới tin. Cuối giờ chiều rồi, lật đật lo về, nên bụng bảo dạ rằng thôi đặt cọc đại, mai tính, ai ngờ… Rồi sau đó thì không ai tiếp mình, nói gì đến chuyện đòi tiền”.
Liệu có thể tin nội dung chào bán… kỳ nghỉ trên mạng của một đơn vị: 500 USD/7 đêm nghỉ ở resort 5 sao trên toàn thế giới?
Để không bị trở thành nạn nhân của những chiêu lừa như thuê nhà rồi cầm cố, bán đất nền dỏm, bán tour cuội…, cần phải thận trọng khi tham gia các giao dịch, là “người tiêu dùng thông minh” hay “công dân thông minh” như lời các chuyên gia khuyến cáo. Phải hết sức tỉnh táo, không nhẹ dạ cả tin những lời có cánh, cần kiểm tra kỹ các giấy tờ pháp lý. Khi dự định mua đất nền, căn hộ hay nhà ở hình thành trong tương lai, phải yêu cầu chủ đầu tư xuất trình 2 loại giấy tờ quan trọng là chứng thư bảo lãnh của ngân hàng và văn bản của cơ quan chức năng cho phép công trình đủ điều kiện để huy động vốn; nếu đủ 2 loại giấy tờ này thì hãy nghĩ đến chuyện đóng tiền mua. Trước khi đặt cọc hay trả tiền, hãy đọc kỹ nội dung hợp đồng, nếu hợp đồng không đúng như lời tư vấn thì yêu cầu chỉnh lại; hóa đơn thu tiền phải là hóa đơn đỏ VAT.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, ngăn chặn những hành vi lừa đảo, các cơ quan chức năng phải thực thi đúng chức trách của mình. Cụ thể như: Yêu cầu chủ đầu tư công trình hay dự án phải công khai đầy đủ các giấy tờ pháp lý trước khi đưa sản phẩm ra bán; không dừng ở mức độ xử phạt mà mạnh tay rút giấy phép nếu đơn vị bán tour, bán kỳ nghỉ không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và công bố rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật…
Làm được như vậy, thì sẽ không còn đất cho những chiêu lừa!