Thận trọng triển khai chương trình mới lớp 2 và lớp 6

Hôm nay 5-3 là thời hạn cuối các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TPHCM báo cáo kết quả đề xuất danh mục sách giáo khoa (SGK) thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng lựa chọn SGK cấp TP quyết định danh mục SGK bắt đầu thực hiện từ năm học 2021-2022.
Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM đang dạy và học với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM đang dạy và học với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khẩn trương để kịp tiến độ

Ngày 4-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, đề xuất lựa chọn SGK của các trường là kênh tham khảo quan trọng nhưng không phải duy nhất trong việc quyết định danh mục SGK sử dụng trong tất cả đơn vị trường học, từ năm học 2021-2022. Theo đó, việc chọn sách phải đáp ứng các tiêu chí phù hợp đặc điểm kinh tế - ­xã hội của TPHCM, điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường phổ thông, phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, rèn kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh. Hiện nay đối với lớp 2, TPHCM có 9 hội đồng chọn SGK ở 8 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm. Riêng lớp 6 có 11 hội đồng chọn sách ở 10 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm. 

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, quy định toàn TP triển khai chung 1 danh mục SGK chỉ áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Riêng với lớp 1 (đã triển khai CT GDPT mới từ năm học 2020-2021), các trường tiểu học có thể tiếp tục sử dụng SGK đã chọn trong năm học trước cho năm học 2021-2022 hoặc đề xuất thay đổi các đầu sách phù hợp thực tế giảng dạy, năng lực tiếp nhận của học sinh.


Sau khi các phòng GD-ĐT quận, huyện báo cáo kết quả chọn sách về Sở GD-ĐT, các hội đồng sẽ bắt đầu làm việc. Dự kiến, cuối tháng 3-2021, danh mục SGK thực hiện CT GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 sẽ được công bố. Sau đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn SGK cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6. Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, chậm nhất cuối tháng 7, các trường sẽ được cung ứng đầy đủ SGK và kết thúc tập huấn SGK cho giáo viên để kịp triển khai trong năm học mới.

Đánh giá về quá trình thực hiện, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai CT GDPT 2018 ở bậc THCS. Trong đó, nội dung chương trình các môn học, phương pháp tiếp cận thay đổi khá nhiều, đặc biệt xuất hiện 2 môn mới là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, đòi hỏi tinh thần cầu thị và tham gia nghiêm túc của giáo viên. Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, năm học tới, trong cùng một trường THCS sẽ triển khai đồng thời 2 chương trình giáo dục gồm chương trình theo Quyết định 16 của Bộ GD-ĐT - còn gọi là chương trình giáo dục hiện hành ở các khối 7, 8, 9 và CT GDPT 2018 ở khối 6. Trong đó, giáo viên các tổ bộ môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải tham gia bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu giảng dạy cùng lúc 2 chương trình. “Đối với môn Lịch sử - Địa lý, nội dung tập huấn không phải bổ sung kiến thức môn Địa lý cho giáo viên dạy Lịch sử hay ngược lại mà tập trung bổ sung kiến thức, phương pháp giúp giáo viên Lịch sử, Địa lý đủ khả năng giảng dạy các chủ đề chung của môn học. Tương tự với môn Khoa học tự nhiên, một số chủ đề dạy học được tích hợp kiến thức của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học”, ông Lê Duy Tân nói.

Chú trọng kỹ năng giảng dạy của giáo viên

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT GDPT 2018, quá trình triển khai dạy học theo chương trình mới, ngữ liệu SGK là một trong những phương tiện chuyển tải nội dung chương trình. Nếu ngữ liệu nào thầy cô thấy chưa hay, có thể sử dụng ngữ liệu của các bộ SGK khác hoặc tự tìm ngữ liệu từ gợi ý của tổ chuyên môn. Nói cách khác, dựa vào mục tiêu giáo dục của môn học, giáo viên có thể chủ động lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp năng lực tiếp nhận của học sinh. Một điểm mới của SGK môn Tiếng Việt lớp 2 là nếu chương trình cũ triển khai theo phân môn (tập đọc, chính tả, tập làm văn…) thì SGK chương trình mới cấu trúc theo mục tiêu rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Trong đó, hệ thống các bài học được bố trí thành các chủ đề từ hẹp đến rộng: “Tôi”, “Gia đình tôi”, “Trường học tôi”, “Đất nước tôi” và “Trái đất tôi”. 

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) học môn tiếng Việt theo chương trình GDPT 2018

Với hàng loạt đổi mới của CT GDPT 2018, cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông đều cho rằng SGK không còn là pháp lệnh, giáo viên được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn, kết hợp các ngữ liệu, tích hợp các phương pháp, kỹ thuật giảng dạy nhằm phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học. Theo thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả triển khai CT GDPT 2018 là kỹ năng giảng dạy của giáo viên.

Quy trình chọn SGK bắt đầu thực hiện tại các cơ sở giáo dục từ ngày 20-2. Tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các đầu SGK thuộc chuyên môn phụ trách, bỏ phiếu kín chọn ít nhất 1 SGK/môn học, báo cáo danh mục SGK đề xuất chọn. Sau đó, trường học tổ chức họp gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, báo cáo Phòng GD-ĐT. Phòng GD-ĐT báo cáo Sở GD-ĐT TP chậm nhất ngày 8-3.

Tin cùng chuyên mục