TPHCM bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Đây cũng là thời điểm những bệnh nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, viêm hô hấp và nhất là dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết… bùng phát.
Bệnh nhi nhập viện tăng vọt
Thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa đột ngột là điều kiện phát triển cho nhiều virus, siêu vi gây bệnh cho trẻ nhỏ cũng như người lớn. Tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, số lượng người đến khám, điều trị bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy… tăng đều từ tháng 12-2014 đến đầu năm 2015. Cụ thể, tháng 12-2014 có 231 ca tiêu chảy cấp, đến tháng 3-2015 tăng lên thành 328 ca. Riêng bệnh sốt xuất huyết trong tháng 1-2015 có 1.105 ca và theo dự báo số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết trong thời gian tới có thể sẽ tăng cao hơn.
Trong những ngày qua, tại BV Nhi Đồng 1 và 2 TPHCM liên tục tiếp nhận các ca bệnh liên quan đường tiêu hóa, hô hấp… Tại BV Nhi Đồng 2, trong tháng 2 chỉ có khoảng 119.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị thì tháng 3, số trẻ đến khám và điều trị tăng lên hơn 159.000 lượt.
BS Huỳnh Minh Thu, Chuyên viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, cho biết: “Số lượng bệnh nhân liên quan bệnh đường hô hấp, tiêu hóa từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua tăng đột biến. Tuy nhiên, do nhập viện điều trị kịp thời nên chưa xuất hiện ca bệnh nặng nào. Ngoài ra, bệnh nhi điều trị tại Khoa Tiêu hóa cũng đang trong tình trạng quá tải, với các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp…”.
Bồng con trai gần 2 tuổi, chị Nguyễn Thanh Tâm (Q.1, TPHCM), cho biết: “Bé nhà tôi bị đau họng cấp và tiêu chảy cấp. Mới cách đây mấy ngày bé còn vui vẻ, đùa giỡn, vậy mà giờ cứ nằm sốt li bì, vừa ói, vừa tiêu chảy, không ăn uống gì được. Mới bệnh 3 ngày mà bé xuống ký rõ rệt”. Chị Tâm là một trong số nhiều phụ huynh có con bị bệnh, đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2.
Nhiều bệnh có diễn biến phức tạp
Theo các chuyên gia y tế, các loại dịch bệnh theo mùa thường không đáng sợ, nhưng nếu chủ quan, không phát hiện điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong như bệnh tay chân miệng (TCM).
Triệu chứng lâm sàng của TCM rất dễ thấy, 90% ca bệnh có biểu hiện rõ ràng, nhưng một số trường hợp đặc biệt, bệnh không có các triệu chứng như: không nổi hồng ban, không loét miệng hoặc loét ở những nơi khó thấy… Đa số phụ huynh sẽ không biết đó là bệnh TCM mà chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên không mang con đến bệnh viện để điều trị. Như trường hợp bé An (5 tuổi) bị nhiễm bệnh TCM nhưng không xuất hiện triệu chứng cụ thể, dẫn đến chuyển biến nặng mới được đưa vào bệnh viện. Bệnh TCM chủ yếu do vi khuẩn Enterovirus (E71) gây tổn thương trực tiếp vào thân não gây những bệnh khác như viêm não, viêm màng não… Đây là một trong những trường hợp nguy hiểm bởi khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, mạch không đập, dẫn đến tử vong.
Th.S-BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, cho biết: “Trong khoa Nhiễm vẫn còn trẻ bị TCM. Do phát hiện trễ nên em bị tổn thương trong thân não, đã nằm điều trị trên 2 tháng, vì những di chứng mà bệnh để lại, bé bị viêm não và không thể tự thở được, buộc phải thở máy và bơm sữa, thức ăn vào dạ dày để duy trì sự sống. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng điều trị nâng đỡ, duy trì sự sống cho bé”.
Cần nâng cao ý thức phòng tránh
“Không phải tới mùa dịch mình mới lo đi phòng, cần bắt buộc chích ngừa để phòng bệnh, dù không phải cứ chích ngừa là 100% sẽ không mắc bệnh, nhưng nếu có mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ và mau khỏi hơn. Phần khác do ý thức phòng bệnh của người dân còn chủ quan, bé có dấu hiệu sốt phụ huynh thường chỉ nghĩ đến những bệnh khác như cảm cúm, viêm họng, viêm Amidan, sốt mọc răng… chưa thấy được tầm quan trọng của việc phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Th.S-BS Đỗ Châu Việt khuyến cáo.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, lừ đừ, rối loạn thị giác, xuất hiện biểu hiện thần kinh như giật mình, chớp mắt liên tục, run chi, chới với, sốt cao trong một hai ngày đầu… thì nên cho trẻ nghỉ ở nhà và theo dõi, hoặc cho trẻ nhập viện sớm, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều bệnh có sự thay đổi về diễn biến lâm sàng dấu hiệu không điển hình, do đó gây ảnh hưởng khả năng chữa trị.
Sự xuất hiện những cơn mưa đầu mùa cũng là lúc dịch sốt xuất huyết xuất hiện, mùa khô vẫn có những ca lẻ tẻ. Bắt đầu từ thời điểm tháng 5, cao điểm vào tháng 6-7 rồi kéo dài đến cuối năm. “Điều làm cho việc chữa trị khó khăn là do một phần hệ thống miễn dịch cơ thể bé còn yếu. Hơn nữa, nhiều trẻ béo phì dù cơ thể mất nước cũng không biểu hiện rõ, nên khó phát hiện bệnh. Phụ huynh nên giăng mùng ban ngày để bảo vệ trẻ vì muỗi sốt xuất huyết chủ yếu hoạt động vào ban ngày”, bác sĩ Việt khuyến cáo.
Thủy Ngân