Việc Quy hoạch điện VII lựa chọn phát triển mạnh nhiệt điện than (NĐT) như giải pháp sống còn của ngành điện đang tạo ra các luồng dư luận trái chiều với quá nhiều yếu tố tiêu cực…
Nỗi lo thiếu nguồn cung
Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương Phương Hoàng Kim, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7%/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 - 2020 - 2025 - 2030, tương ứng là 10,6%, 8,5% và 7,5%. Trong khi đó, hiện nay nguồn thủy điện về cơ bản đã khai thác hết, tổng cống suất đưa vào cân đối khoảng 20.000MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ ít tác động tới môi trường. Riêng nguồn khí, sau năm 2023 dự kiến sẽ nhập khẩu LNG để bổ sung cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch khi nguồn khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm. Các nguồn khí mỏ lô B dự kiến được khai thác vào năm 2020, nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh dự kiến khai thác năm 2023, có thể kéo dài đến 2045-2048. Tổng công suất điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn ở mức trên 12.000MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh. Riêng nguồn năng lượng tái tạo gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 27.200MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào thời điểm chạy thử nghiệm tổ máy số 1
Trước thực trạng trên và dựa vào cơ sở cân đối nhu cầu điện cũng như tiềm năng năng lượng sơ cấp trong giai đoạn này, Quy hoạch điện VII đã được chính phủ phê duyệt, dự báo nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh. Trong đó, NĐT được đưa vào quy hoạch như sự lựa chọn cuối cùng! Theo đó, đến năm 2020 tổng công suất NĐT đạt khoảng 26.000MW, chiếm 46,8%; năm 2025 đạt khoảng 47.000 MW, chiếm 55% điện sản xuất và đến năm 2030 đạt 55.300MW, chiếm 53,2% điện sản xuất. Với tỷ lệ này, NĐT chiếm áp đảo hầu hết các nguồn năng lượng trong tương lai, trong đó gấp hơn 2 lần so với thủy điện, nhiệt điện khí và hơn 10 lần so với năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, đối với nguồn than, theo quy hoạch, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45-50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000MW với sản lượng điện trên dưới 88 tỷ kWh. Nhưng từ năm 2017, dự kiến nhập than và lượng than nhập khẩu vào năm 2030 khoảng 85 triệu tấn. “Đây chính là nhược điểm, mối lo của NĐT khi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện, chiếm khoảng 60% giá thành. Bên cạnh đó, NĐT có nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường; đặc biệt là chất thải rắn, khí và chi phí về đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, bãi chứa tro xỉ cũng như nhu cầu làm mát lớn - khoảng 80m3/sec cho một NĐT với 1.200MW”, PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, phân tích.
Tìm biện pháp xử lý thỏa đáng
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), trên thực tế công nghệ NĐT đã và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. NĐT có một số ưu điểm như cùng một quy mô công suất nhưng thời gian xây dựng nhanh hơn so với thủy điện và điện hạt nhân. Công suất tổ máy phổ biến 300 ~ 1000MW, có thể tới 1300 ~ 2000MW, do đó việc xây dựng các trung tâm điện lực lớn công suất lên đến 5000 ~ 6000MW là khả thi. Số giờ vận hành công suất đặt lớn nhất trong năm thường đạt tới 6.500 giờ/năm nên cho sản lượng điện lớn. Việc vận hành không phụ thuộc vào thời tiết, đáp ứng nhu cầu điện vào mùa khô.
Tuy nhiên, NĐT có rất nhiều tác động tiêu cực. Đơn cử, vấn đề nguồn than cho NĐT tại Quy hoạch điện VII chưa lường hết được những bất cập trong việc cung cấp than cho các dự án. Để giải quyết đủ than cung cấp cho các dự án theo Quy hoạch điện VII, không có con đường nào khác là phải nhập than. Trong khi đó vào thời điểm này, việc tiếp cận nguồn cung để nhập than vẫn là vấn đề nan giải.
“Các nước mà Việt Nam đang hướng đến để nhập khẩu than là Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi. Nhưng việc nhập than từ Nam Phi hiện còn là một ẩn số, Nga vẫn đang tiếp cận. Riêng Indonesia và Australia là 2 quốc gia cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á. Việt Nam đang triển khai nhập than của 2 nước này song gặp khó khăn vì phần lớn than của họ đã có người mua và nếu mua thường phải mua của họ thông qua nước thứ ba với giá cao và không ổn định”, một chuyên gia của GreenID dẫn chứng.
Nhóm tác giả của GreenID cũng cho rằng, dù các giải pháp công nghệ và thiết bị được áp dụng và trang bị để xử lý tối ưu chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí và phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường ngày càng được cải tiến, hiện đại hóa, song không thể đạt kết quả 100%; trước mắt, chỉ thỏa mãn được quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra. Chưa kể, sự tiến triển về các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải của thế giới có tác động mạnh mẽ đến việc lựa chọn nguồn năng lượng sử dụng. Do đó, việc lựa chọn sử dụng than là nhiên liệu cho các NĐT của Quy hoạch điện VII chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt đối với Việt Nam đang bị đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí nhất thế giới. Việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng cao ngày càng tác động sâu rộng tới tất cả các quốc gia mà Việt Nam không thể không quan tâm nhằm tìm ra biện pháp xử lý thỏa đáng khi chủ trương phát triển mạnh NĐT.
Công suất đặt các loại nguồn điện và cơ cấu sản lượng điện theo Quy hoạch điện VII đến năm 2020:
Lạc Phong