Các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và sẽ ký với nhiều nước trên thế giới sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước. Tuy nhiên, ngược lại điều kiện để sản phẩm của doanh nghiệp Việt được nhận ưu đãi về thuế suất là phải thỏa mãn quy tắc về xuất xứ hàng hóa.
Linh hoạt chứng nhận quy tắc xuất xứ hàng hóa
Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, mục đích của chứng nhận xuất xứ hàng hóa là để xác định hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế quan hay không. Đồng thời, đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa thuận lợi hóa thương mại và chống gian lận thương mại. Và quan trọng hơn là quy tắc này giúp đo được mức độ thụ hưởng, tận dụng ưu đãi tại các bên là thành viên của hiệp định thương mại. Trong bối cảnh sản xuất quốc tế đang tìm cách giảm chi phí giao dịch thương mại và nâng cao tính nhất quán giữa các hiệp định khác nhau, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ áp dụng biện pháp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa song song với hệ thống chứng nhận quy tắc xuất xứ hiện tại.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại TPHCM
Theo đó, khác với hình thức doanh nghiệp phải tự xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho từng chuyến hàng tại cơ quan hải quan; cơ quan hải quan xem xét các điều kiện và quyết định về việc hàng hóa có đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hay không rồi mới cấp chứng nhận xuất xứ. Doanh nghiệp chỉ phải xin giấy phép trong một khoảng thời gian nhất định được tự chứng nhận xuất xứ. Sau đó, doanh nghiệp sẽ chủ động xác định xuất xứ và phát hành chứng nhận xuất xứ cho chính hàng hóa của mình. Cách làm này giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí giao dịch, giảm thời gian hoàn thành thủ tục hải quan, nhất là đẩy mạnh việc áp dụng các ưu đãi trong hiệp định thương mại. Bởi doanh nghiệp được xem là người hiểu rõ về xuất xứ sản phẩm của mình.
Chú ý hành vi gian lận thương mại
Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cách làm này sẽ chuyển dịch trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền từ vai trò người cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho từng chuyến hàng sang vai trò quản lý việc cấp phép và quá trình tuân thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích tạo sự thuận lợi, nhanh chóng trong hoạt động giao thương hàng hóa của doanh nghiệp, sẽ có không ít những doanh nghiệp làm ăn gian dối tranh thủ cơ hội để thực hiện hành vi gian lận thương mại, khai không đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan. Trong trường hợp hành vi này bị các nước nhập khẩu hàng hóa phát hiện thì mức độ ảnh hưởng không chỉ tác động đến doanh nghiệp vi phạm mà còn ảnh hưởng chung cho các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực sản xuất. Không chỉ vậy, nếu công tác quản lý của nước ta không chặt chẽ thì sẽ khiến cho doanh nghiệp nội đối mặt với nguy mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà bởi hành vi gian lận thương mại về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên hiệp định thương mại.
Bà Trần Xuân Thảo, Phó phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TPHCM, cho biết, trên thực tế, đã có rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị các nước nhập khẩu từ chối vì không đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ. Cụ thể như mô tả hàng hóa không thể hiện đầy đủ, chi tiết mặt hàng như hóa đơn thương mại nộp cho hải quan nước nhập khẩu; tiêu chí xuất xứ không thực hiện đầy đủ, tương ứng cho từng mặt hàng; tiêu chí xuất xứ thể hiện không phù hợp theo quy định; không khai báo hóa đơn nước thứ ba trên chứng nhận xuất xứ hàng hóa… Ông Brian Staples, chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu, nhấn mạnh thêm, kinh nghiệm từ việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, hành vi gian lận thương mại sẽ tăng lên. Đồng thời, sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống quản lý. Đại diện Công ty Tôn Phương Nam cho rằng, để áp dụng quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp cần phải có biện pháp chế tài thật nghiêm khắc đi kèm. Biện pháp chế tài này ngoài việc bị xử phạt hành chính phải có các chế tài bằng biện pháp kinh tế như thu hồi giấy phép cho phép tự chứng nhận xuất xứ; đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí tùy theo mức độ tác hại của hành vi gian lận thương mại mà doanh nghiệp gây ra, có thể cấm xuất khẩu hàng hóa trong một thời gian nhất định…
Bộ Công thương cho biết, trước mắt trong thời gian tới, bộ sẽ ban hành tiêu chí để doanh nghiệp trở thành nhà nhập khẩu, xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Kế đến, tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan hải quan lựa có những doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, song song với việc cấp phép này, doanh nghiệp cũng sẽ bị áp dụng quy chế kiểm tra rất nghiêm ngặt và sẽ bị chế tài mạnh tay nếu cố tình có hành vi gian lận thương mại. Có như vậy mới đảm bảo công bằng và giảm thiểu tối đa những tổn thất kinh tế nếu có do hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gây ra.
ÁI VÂN