Thần tượng - cần có điểm dừng

Vì sao một bộ phận người trẻ lại hiểu về EXO, Big Bang, SNSD (các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc) đến tận “chân tơ kẽ tóc”, trong khi lại thờ ơ với những giá trị truyền thống? Chúng tôi đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này.
Thần tượng - cần có điểm dừng

Vì sao một bộ phận người trẻ lại hiểu về EXO, Big Bang, SNSD (các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc) đến tận “chân tơ kẽ tóc”, trong khi lại thờ ơ với những giá trị truyền thống? Chúng tôi đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này.

Choáng với “thần tượng”

Khi nhóm nhạc nam EXO xuất hiện tại sân bay Nội Bài vào cuối tháng 3-2015, rất đông bạn trẻ tìm đến để được nhìn thấy thần tượng. Nhiều bạn nữ la hét, khóc, nhảy tưng tưng khi thoáng thấy “thần tượng”. Khi hình ảnh người hâm mộ cuồng nhiệt đến mức hôn ghế sao từng ngồi, khóc nức nở khi sờ tay vào thần tượng, túm tóc, giật đồ của thần tượng để giữ làm kỷ niệm… không còn cá biệt, nhiều người chợt hỏi: Thần tượng là ai mà người trẻ cuồng đến vậy?

Nhiều bạn trẻ vây quanh một quán cà phê tại TPHCM, nơi có “hoàng tử châu Á” Lee Kwang Soo giao lưu, ký tặng. Ảnh: T.H.

Nguyệt B. (sinh viên năm nhất ĐH Mở TPHCM) lý giải: “Thần tượng đối với tôi đơn giản vì họ… đẹp, hát hay, nhảy giỏi. Hàng ngày tôi đều mở trang báo mạng, tìm kiếm thông tin về họ để đọc và thông tin kiểu này nhiều lắm, lúc nào cũng có trên internet”. “Tôi thấy việc thể hiện tình cảm với thần tượng của mình như thế nào cũng là bình thường, giống như các bạn yêu bóng đá có thể khóc, cười vì bóng đá thôi”, Phạm Vũ Quốc M. (ngụ quận Tân Phú) cho biết.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (quận 7, TPHCM) có con gái năm nay lên lớp 12, chia sẻ: “Thấy con cứ cắm đầu mải miết vô điện thoại, máy tính, xem hết clip này sang clip khác của mấy ca sĩ Hàn Quốc tóc xanh tóc vàng, rồi xin tiền mẹ đi mua váy áo chưng diện, tôi không bằng lòng. Thuyết phục tôi, cháu lý giải: Thời của mẹ, mẹ thần tượng cô chú nào đó, thời của con, con cũng có quyền thần tượng ca sĩ hay nhóm nhạc Hàn Quốc, đâu có gì sai, sao mẹ lại ngăn cấm?”.

Rõ ràng, thần tượng của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người nổi tiếng. Thực chất người nổi tiếng có nhiều điểm đáng để ngưỡng mộ và trân trọng, họ có một số phẩm chất trở thành điểm đến cần phát huy. Tuy nhiên, khi công nghệ lăng xê và nổi tiếng “ảo” xuất hiện thì vấn đề hâm mộ thần tượng lại có nhiều điểm cần xem xét. Người ta lợi dụng tính háo thắng, thích thể hiện của giới trẻ để kích động bằng hành động khác người, bất chấp tất cả của những bạn đồng trang lứa, được một số tờ báo mạng tung hê, được mạng xã hội lan truyền và thấy nhiều người phút chốc nổi tiếng, được mọi người chú ý vì hành động đó nên người trẻ dễ hùa theo để chứng tỏ sức hút của bản thân.

Lúng túng tìm đến người trẻ

Câu chuyện một chương trình truyền hình gần đây phát một clip ngắn phỏng vấn bất chợt một số học sinh xung quanh kiến thức về Quang Trung - Nguyễn Huệ gây “bão” trong cộng đồng mạng những ngày vừa qua. Với những câu trả lời, kiểu: Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai người khác nhau; hoặc có mối quan hệ anh - em, bố - con, bạn bè cùng chiến đấu, khiến nhiều người “đau đầu”.

Khi internet, gameshow và vô số các chương trình thực tế khác tràn ngập trong cuộc sống thường nhật, cộng thêm sự xưa cũ của cách thức giáo dục truyền thống, khiến người trẻ chỉ sống một chiều. Anh Trần Minh Châu, cựu cán bộ Đoàn, đang công tác tại một đơn vị ngoài quốc doanh, cho rằng: Mọi người thường chê trách những người trẻ tại sao không yêu thích những giá trị truyền thống. Tôi suy nghĩ nhiều về chuyện này và cảm thấy buồn vì nhiều bạn trẻ lại chọn cách thần tượng những ca sĩ, nhóm nhạc, tôn sùng những trào lưu trên mạng, thay vì những giá trị truyền thống. Nhưng, tại sao không ai nghĩ đến chuyện những gì thuộc về truyền thống đó đến với người trẻ vẫn với cách xưa cũ. Nhiều năm trước, khi còn làm công tác tình nguyện, chúng tôi đã đem cải lương, hề xiếc đến với bà con vùng sâu vùng xa. Ở những xã nghèo ở tỉnh Bình Phước, bà con xem rất đông, người trẻ đến cũng nhiều. Nhưng cũng chương trình đó đem chiếu ở một xã thuộc huyện Bình Chánh (TPHCM), chỉ có người già đến coi, còn người trẻ không thấy đâu. Tôi hỏi mấy bạn trẻ thì họ bảo thích lên mạng xem ca nhạc, nhảy múa hơn hoặc trả lời “mấy cái tích đó cũ mèm, mấy năm trước coi rồi, có gì mới đâu!”.    

Rõ ràng, bản thân trào lưu văn hóa nước ngoài có sức hấp dẫn mạnh mẽ, mới lạ, nên thu hút giới trẻ. Bản thân người trẻ cũng thích tìm đến cái mới. Trong khi văn hóa truyền thống lại lúng túng tìm cách đến với trái tim người trẻ. Khi đó, người trẻ tìm đến văn hóa bên ngoài nhưng lại tiếp thu một cách ồ ạt, không có định hướng, không có chọn lọc. Cộng thêm thời của Facebook, Blog, Twitter… mọi thứ yêu - ghét đều được đưa lên mạng hàng phút, hàng giờ đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, thậm chí định hướng một lối sống “ảo” cho người trẻ. Từ đó, chuyện thần tượng ai đó và bị chi phối, ảnh hưởng bởi lối sống của thần tượng là điều khó tránh khỏi. Nói như PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: “Thần tượng một ai đó, nếu bạn trở nên tốt hơn, tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo, biết điểm đến, ứng xử văn minh… chẳng ai trách bạn cả. Vì thần tượng một người xứng đáng, bạn sẽ tỏ ra xứng đáng hơn. Ứng xử xứng đáng với thần tượng xứng đáng, bạn lại càng trở nên đẳng cấp và thực sự bản lĩnh”.


NHẬT DUY - HẢI THU

Tin cùng chuyên mục