Thắng cảnh “chết” vì thủy điện

Pongour là ngọn thác đẹp và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên, từ lâu được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”. Tuy nhiên, từ 3 năm qua, việc chặn dòng xây dựng hồ chứa nước phục vụ thủy điện Đại Ninh đã khiến ngọn thác này đứng trước nguy cơ trở thành thác “chết”.
Thắng cảnh “chết” vì thủy điện

Pongour là ngọn thác đẹp và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên, từ lâu được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”. Tuy nhiên, từ 3 năm qua, việc chặn dòng xây dựng hồ chứa nước phục vụ thủy điện Đại Ninh đã khiến ngọn thác này đứng trước nguy cơ trở thành thác “chết”.

Một thời hùng vĩ

Từ trung tâm TP Đà Lạt đi theo quốc lộ 20 khoảng 50km, đến ngã 3 Phú An (huyện Đức Trọng) rẽ phải khoảng 6km là đến thác Pongour. Thác Pongour cao khoảng 40m, gồm nhiều tầng đá bậc thang nhưng có 7 tầng chính (nên ta thường gọi là thác 7 tầng), mặt thác rộng hơn 100m.

Trong một lần đi săn ở Pongour, vua Bảo Đại đã gọi ngọn thác này là “Nam thiên đệ nhất thác”, tức là ngọn thác hùng vĩ nhất trời Nam. Hàng năm, vào rằm tháng giêng, tại đây có lễ hội thác Pongour thu hút rất đông khách thập phương.

Từ năm 1998, Công ty TNHH Du lịch Đất Nam nhận quản lý và đầu tư khai thác du lịch tại Pongour. Nhiều hạng mục như đường xuống thác, nhà ngắm cảnh, chòi nghỉ chân… được đơn vị đầu tư xây dựng nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của thác nước. Vào dịp rằm tháng giêng, ngành văn hóa thông tin địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc sống trên địa bàn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan.

Pongour đang dần trở thành thác chết.

Pongour đang dần trở thành thác chết.

Trẩy hội giữa... thác khô

Từ tháng 5-2007, sông Đa Nhim bị chặn dòng để tích nước cho hồ thủy điện Đại Ninh nên dòng nước chảy về thác yếu dần và từ năm 2008 đến nay thì nước cạn kiệt. Được biết, trước đây, để được chấp thuận đầu tư dự án thủy điện Đại Ninh, phía nhà đầu tư đã cam kết với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng là sẽ xả lượng nước 6m³/giây nhằm duy trì dòng nước cho thác Pongour. Tuy vậy, từ ngày chặn dòng, Pongour trở thành “dòng thác chết”.

Trẩy hội thác Pongour bây giờ không còn cảnh thác nước chảy ầm ào, bọt tung trắng xóa mà chỉ còn một dòng nước chảy yếu ớt giữa những tầng đá trơ trọi. Từ ngày thác cạn nước, mức đầu tư cho khu du lịch này cũng cầm chừng, chủ yếu là bảo dưỡng những hạng mục có sẵn chứ không có thêm công trình mới. Vậy nên, khách đến thác, sau khi dạo vòng quanh những mỏm đá dưới chân thác hoặc chụp hình lưu niệm chỉ còn biết tìm nơi để tránh nắng trong sự bao vây của đội quân bán hàng rong. Nhiều du khách đã từng biết đến “Nam thiên đệ nhất thác” giờ đây không khỏi tiếc nuối. với những du khách hào hứng đến tham quan thác lần đầu thì hết sức hụt hẫng.

Ông Võ Văn Xê, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Đất Nam cho biết, từ năm 2008 đến nay, lượng khách tham quan thác Pongour giảm mạnh. Trước đây, doanh thu từ tiền bán vé bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm nhưng trong 2 năm 2008 và 2009, doanh thu chỉ đạt 300 triệu đồng/năm. Riêng lượng khách đến trẩy hội rằm tháng giêng trước đây khoảng trên 10.000 lượt thì trong 3 năm qua chưa năm nào vượt con số 6.000 lượt.

Thác Pongour khô nước không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh du lịch tại đây mà còn dẫn đến nguy cơ mất một thắng cảnh cấp quốc gia (thác Pongour đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia).

Trước mắt, để “cứu” thác, tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Du lịch Đất Nam xây dựng đập điều tiết nước ở phía thượng nguồn với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Con đập này sẽ tích giữ nước vào ban đêm để ban ngày xả xuống thác tạo cảnh quan. Nếu triển khai sớm, công trình này sẽ kịp điều tiết nước phục vụ khách trẩy hội rằm tháng giêng năm tới.

Không chỉ thác Pongour mà nhiều thác nước ở Lâm Đồng đã và đang có nguy cơ thành thác “chết”. Việc chặn dòng xây dựng thủy điện Đại Ninh ngoài việc làm thác Pongour khô nước đã làm 2 ngọn thác khác là Gougah và Bảo Đại bị ngập vào mùa mưa.

Thác Liên Khương cũng đã bị xóa sổ do việc ngăn dòng xây dựng thủy điện Đa Nhim. Còn thác Cam Ly nằm ngay tại trung tâm TP Đà Lạt nhiều năm qua cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý, khai thác chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục