Tháng Giêng đi lễ chùa

Đầu xuân lễ chùa cầu mong một năm mới an lành, may mắn là phong tục và văn hóa của người Việt. Tháng Giêng - tháng của mùa hành hương.
Dâng lễ tại chùa Hương dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: VIẾT CHUNG
Dâng lễ tại chùa Hương dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nô nức hành hương

Vừa qua thời khắc giao thừa, chị Nguyễn Thị Điệp (ngụ phường 11, quận Phú Nhuận, TPHCM) cùng chồng và cô con gái út xuất hành đến chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) lễ Phật. Sau đó, gia đình chị Điệp đến chùa Pháp Hoa (đường Trường Sa, quận 3) lễ Phật và thắp hương ông bà, cha mẹ, người thân quá cố đang gửi tro cốt tại đây…

Như đã thành lệ, chị Lý Thanh Hằng, chủ doanh nghiệp Mẹ & Bé - Lý Thiên Thanh (phường 2, quận 6, TPHCM) cứ vào dịp tết cổ truyền là xuất hành vãn cảnh, lễ Phật khắp các ngôi chùa tại TPHCM và các tỉnh xa. Chị Hằng tâm niệm: “Đầu năm đi lễ chùa cảm nhận được thân - tâm an lạc và cầu mong quốc thái dân an, mọi người được hạnh phúc, an lạc, hy vọng một năm bình an, mạnh khỏe”.

Ngược về ĐBSCL, nhiều chùa chiền, thánh thất cũng chật kín du khách hành hương đầu năm. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) không chỉ được du khách từ các tỉnh thành tìm đến, mà đây cũng là điểm tham quan được các công ty lữ hành đưa vào tour về miền sông nước ĐBSCL. Người dân hành hương đều được thiền viện bố trí các sư thầy, cư sĩ tiếp đón, cho mượn áo lam, gõ chuông khi có người lạy Phật, mang đến cảm giác thư giãn, bình yên.

Tại Kiên Giang, các ngôi chùa nổi tiếng như Tam Bảo, Phật Quang, Phổ Minh (TP Rạch Giá); chùa Tiêu (còn gọi là chùa Phù Dung, Hà Tiên); chùa Sư Muôn, chùa Hộ Quốc (Phú Quốc)… cũng chật kín du khách. Đáng chú ý, tại miếu Bà Chúa xứ núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang), càng gần rằm tháng Giêng, dòng người đổ về chiêm bái càng tấp nập. Ông Nguyễn Phúc Hoan, Giám đốc Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam, cho biết, riêng mấy ngày tết vừa qua đã có trên 200.000 khách thập phương đến viếng Bà Chúa xứ. Ban quản trị đã tăng cường 90 lao động thời vụ mới kịp phục vụ.

Ghi nhận tại chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), trong các ngày 30, 31-1 và 1-2-2023 (mùng 9 đến 11 tháng Giêng), lượng người đến thăm viếng đông, nhưng các tuyến đường dẫn vào chùa được phân luồng thông thoáng, lực lượng chức năng sẵn sàng hỗ trợ du khách. Theo ông Trần Vĩnh An, Phó Thường trực Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu, dù chưa đến ngày lễ chính (rằm tháng Giêng), nhưng lượng người từ khắp nơi kéo về chiêm bái rất đông đúc, từ ngày mùng 1 đến mùng 10 Tết, lượng khách đạt trên 100.000 lượt, tăng khoảng 60% so với dịp tết 2022 và gần bằng lượng khách năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Còn tại Khu du lịch Núi Bà Đen (Tây Ninh), lượng khách thăm viếng từ ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão 2023 được thống kê đạt gần 1 triệu lượt người, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 131% so với cùng kỳ năm 2021. Chị Nguyễn Thị Hương Nhi (du khách tại TPHCM) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đi viếng chùa Bà Đen và năm nay khởi hành vào ngày mùng 4 Tết, chứng kiến lượng người đông khủng khiếp, ngay từ khu vực cổng ra vào, đến khu vực phân luồng du khách, cả ngàn người xếp hàng kín để chờ lên đỉnh núi và lên chùa”.

Chị HOÀNG THỊ THANH HÀ (38 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng): Hàng năm gia đình tôi đều về chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương để cầu may mắn, tài lộc. Năm nay đi lễ sớm trước 1 ngày để tham gia lễ rước cộ ở trung tâm thành phố mới. Mọi năm đi lễ thấy nhiều người đốt vàng mã, năm nay thì rất ít. Tôi thấy như vậy đỡ tốn kém và tránh nguy cơ hỏa hoạn.

Tránh biến tướng

Tại miếu Bà Chúa xứ Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè, TPHCM) những ngày qua, khách thập phương đến lễ bái đông nghẹt. Từ đường Huỳnh Tấn Phát rẽ hẻm 908 vào miếu Bà, hai bên đường có hàng chục bãi giữ xe, quán ăn uống, tiệm bán đồ cúng và cá phóng sinh, hàng quà lưu niệm, các sạp vé số cầu may... nối tiếp nhau. Dọc đường vào miếu còn có hàng chục người ăn xin ngồi la liệt. Bên trong miếu Bà Chúa xứ Châu Đốc 2, khói hương luôn nghi ngút, người người chen chân, không gian miếu ngợp hương khói. Khu vực thả cá phóng sinh cũng tấp nập người chọn mua cá, khấn vái và thả cá xuống sông. Đặc biệt, khu vực xin xăm luôn đông nghẹt người xếp hàng chờ đến lượt.

Chị T.H.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nói: “Sau nhiều năm xin xăm ở các chùa mỗi dịp tết, tôi nghiệm ra rằng, mình không nên đặt niềm tin vào những điều không thực. Hầu như chưa bao giờ tôi bốc được quẻ xăm tốt và nó khiến cho tôi bất an, lo lắng suốt năm. Một số bạn bè tôi còn mê tín tới độ cầm lá xăm đi thuê người giải, khá tốn tiền...”.

Du khách xếp hàng mua vé cáp treo lên núi Bà Đen, Tây Ninh

Du khách xếp hàng mua vé cáp treo lên núi Bà Đen, Tây Ninh

Tại chùa Xá Lợi (quận 3, TPHCM), những ngày đầu năm cũng đón nhiều khách thập phương đến lễ bái. Khuôn viên chùa rộng, thoáng, sạch đẹp, tuy nhiên ở khu vực thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngay góc ngã ba Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu luôn có cả chục người già, người tàn tật nằm, ngồi chờ bố thí, khiến không gian tín ngưỡng mất đi vẻ mỹ quan. Đoạn đường phía trước chùa Ôn Lăng (quận 5, TPHCM) thì bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán đồ cúng, vé số, giữ xe lấn hết lề đường, lòng đường...

Tại khu vực phía Bắc, các đền, chùa, phủ rộn ràng không khí người dân hành hương. Bên cạnh lễ chùa như một nét văn hóa tâm linh, thì không ít người mê tín dị đoan làm lễ to, cúng lớn để “cầu gì được đó”. Nhiều người đổ về các chùa Tam Chúc, Bái Đính, chùa Hương, Yên Tử, Ba Vàng… để dâng lễ với quan niệm “tốt lễ dễ kêu”, mong được Phật chứng… Và dù nhiều năm những chùa này được “cảnh báo” lượng khách đổ về quá đông, song năm nay “điểm nóng” về ùn tắc, quá tải vẫn không hề cải thiện. Dù quan niệm đi lễ chùa mỗi thời mỗi khác, có nét đẹp và cũng có những “biến tướng”, nhưng rõ ràng câu răn “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” lúc này lại càng mang nhiều ý nghĩa. Du xuân, lễ chùa là phong tục đẹp, song làm sao để có sự hài hòa, để tâm hồn thư thái, an yên cho một năm mới học tập, lao động hiệu quả.

* Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Trang nghiêm, tránh dịch vụ tâm linh

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; tăng ni các chùa, cơ sở tự viện nêu rõ, lễ nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam và đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội… Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt sẽ được hưởng sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống. Việc tổ chức thực hành các nghi lễ cũng được lưu ý phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Đồng thời, trong công tác tổ chức phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc…

* Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: An toàn, tiết kiệm mà đem lại bình an cho nhân dân

Tết Quý Mão 2023 năm nay trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, người người hồ hởi, phấn khởi, lạc quan trong không khí lễ hội. Hầu hết tại các di tích, điểm hành hương lễ hội, các chùa đều rất đông du khách, đồng bào Phật tử và nhân dân đến vãn cảnh du xuân, lễ Phật cầu bình an và may mắn đầu năm mới. Các ngôi chùa di tích, điểm hành hương trong những ngày qua đã đón hàng vạn du khách. Các chùa ở các tỉnh, thành phố đều có công tác chuẩn bị chu đáo để đón tiếp đồng bào Phật tử, du khách và nhân dân. Hầu hết đều trang trí cờ, hoa, tạo các điểm lễ bái rộng rãi, các điểm check-in cho du khách với nét văn hóa truyền thống tết xưa tạo nét vui tươi ngày xuân. Trước tết nguyên đán, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 40/HĐTS-VP1 hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện chuẩn bị đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm mà đem lại bình an cho nhân dân.

* Bà TRẦN THỊ THU HẰNG, Phó Ban Quản lý Khu du lịch Núi Bà Đen (Tây Ninh):

Với nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh, năm nay, dù lượng khách rất đông nhưng không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Các hoạt động lễ hội đã được tổ chức lại sau thời gian phải tạm ngưng vì dịch bệnh, cùng với sức hút của khu du lịch tâm linh và các hạng mục phục vụ du khách như hệ thống cáp treo hiện đại, tượng Phật bà bằng đồng cao nhất châu Á, nơi đây đã thu hút lượng khách đông kỷ lục. Điểm mới so với trước đây là chúng tôi cho sử dụng cổng sau, sẵn sàng hoạt động khi có tình trạng ùn ứ, đồng thời bố trí bãi đậu ô tô dự phòng; các lực lượng đều có kế hoạch riêng để chủ động triển khai, hạn chế được tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự khi lượng người tập trung quá đông.

Tin cùng chuyên mục