Thắng lợi của sự kiên định

Ngày 26-9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua bản dự thảo nghị quyết về Syria, quy định các biện pháp ràng buộc pháp lý đối với việc Damascus  phải tiêu hủy vũ khí hóa học nhưng không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực. Dự thảo này được xem là một thắng lợi tiếp nối của Nga khi luôn giữ quan điểm không mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria nếu không có sự thống nhất của HĐBA LHQ.

Ngày 26-9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua bản dự thảo nghị quyết về Syria, quy định các biện pháp ràng buộc pháp lý đối với việc Damascus  phải tiêu hủy vũ khí hóa học nhưng không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực. Dự thảo này được xem là một thắng lợi tiếp nối của Nga khi luôn giữ quan điểm không mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria nếu không có sự thống nhất của HĐBA LHQ.

Lịch sử đương đại vốn có nhiều ví dụ về cách diễn giải khác nhau của cường quốc hàng đầu thế giới về các nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, sự diễn giải này thường mang màu sắc chính trị, đầy rẫy định kiến. Trước đây, nếu mọi sự không được như ý, Mỹ và phương Tây sẵn sàng áp đặt quan điểm của mình, bỏ qua LHQ, và điều này hiện nay đã không thể thực hiện được nữa.

Ban đầu, 3 quốc gia là Mỹ, Anh và Pháp muốn dự thảo áp dụng Chương 7 Hiến chương LHQ, vốn cho phép các hành động quân sự và phi quân sự nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, Nga đã phản đối quan điểm này và buộc Mỹ cùng các nước phương Tây phải từ bỏ một số đòi hỏi ban đầu. Theo đó, dự thảo chỉ ghi, nếu Syria không tuân thủ nghị quyết thì cần có biện pháp trừng phạt bổ sung do HĐBA LHQ đề nghị chứ không phải là bắt buộc phải có ngay hành động quân sự chống lại Damascus.

Tuy nhiên, theo New York Times, dự thảo nghị quyết này mới chỉ là thành công bước đầu từ phía Nga và Syria. Muốn tránh một cuộc tấn công quân sự trong tương lai phải phụ thuộc rất nhiều thái độ hợp tác của Damascus. Syria cần phải thực hiện theo đúng lộ trình giải giáp vũ khí hóa học đã thông qua từ trước đó.

Theo các nhà phân tích, dự thảo nghị quyết này cũng cho thấy Mỹ và châu Âu đã “lực bất tòng tâm” khi không thể áp đặt một cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt Syria. Nó xuất phát từ việc Nga đã trở nên mạnh hơn khi chứng tỏ sức nặng về mặt ngoại giao và kinh tế trong khi châu Âu vẫn còn lo giải quyết hậu quả khủng hoảng và Mỹ xem ra không còn đủ sức để phiêu lưu mạo hiểm như ở Iraq, Afghanistan.

Đầu những năm 1990, cường quốc hàng đầu thế giới tin rằng các cuộc xung đột địa phương có thể được giải quyết bằng cách can thiệp, hậu thuẫn phe có lợi thay vì thỏa thuận hay thương lượng. Nhưng nay, can thiệp quân sự đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mỹ và châu Âu đều cảm thấy mệt mỏi sau làn sóng Mùa xuân Ảrập, Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục rơi vào những cuộc khủng hoảng và các quốc gia này trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi trước đây lên tiếng hoặc ủng hộ quân sự nhằm lật đổ các chính phủ cũ nhằm mang đến cái mà họ gọi là tự do dân chủ theo kiểu phương Tây.

Bên cạnh đó, sau những cuộc chiến bị sa lầy, Mỹ đã nhận ra rằng nước này không thể “một mình thống trị thế giới” như trước đây. Hơn nữa, vốn đã quá chán nản với vai trò lãnh đạo toàn cầu và đang phải chật vật để phục hồi, người Mỹ không còn “nhiệt tình” bành trướng ảnh hưởng ra nước ngoài như trước. Những gì diễn ra tại Syria cho thấy, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của mình đối với toàn thế giới vì thiếu đòn bẩy thật sự. Bằng chứng rõ nét nhất là Tổng thống Mỹ Obama gần như bị cô lập khi kêu gọi mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria từ đầu tháng 9. Chỉ trừ có nước Pháp, cả phương Tây gần như quay lưng lại lời kêu gọi của ông Obama.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục