Trong 2 ngày 17 và 18-11, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn và nghe giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số bộ trưởng. Qua theo dõi thông tin về các nội dung nghị sự, bạn đọc Báo SGGP đã nêu một số ý kiến nhận xét, góp ý cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) chất vấn tại hội trường. Ảnh: LÃ ANH
* NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM): Điệp khúc “chưa có cơ sở kết luận”
Theo dõi trả lời chất vấn về thông tin có tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã cho hay: “Chưa có kết quả thanh tra gian lận trong thi tuyển công chức của Bộ Công thương”. Đây là câu trả lời chưa đầy đủ và còn né tránh trách nhiệm. Sau khi có thông tin tố giác gian lận kết quả trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, báo chí đã vào cuộc, dư luận lên tiếng. Thế nhưng đến nay, nhiều tháng trôi qua vẫn chưa có kết quả thanh tra về vụ việc này. Như vậy trách nhiệm thanh tra của Bộ Công thương và Bộ Nội vụ trong sự việc này đã được thực thi như thế nào? Dư luận trong cả nước quan tâm đến vấn đề minh bạch trong tuyển dụng và đảm bảo chất lượng công chức, do vậy không thể thờ ơ được.
Trả lời về việc làm rõ vấn đề ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, có sai phạm hay không trong nguồn gốc tài sản và việc bổ nhiệm cán bộ, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng vụ việc này thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Ban Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra quy trình, dấu hiệu vi phạm. Đến nay chưa có kết luận nên chưa báo cáo cho đại biểu Quốc hội. Có thể thấy đây là vụ việc “nóng”, cử tri rất bức xúc, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, nhưng đến nay, đã nhiều tháng trôi qua vẫn chưa có kết luận đúng sai để cử tri yên tâm? Vai trò của Tổng thanh tra Chính phủ ở đâu trong vụ việc này khi những sai phạm xảy ra ngay tại Thanh tra Chính phủ lúc ông Truyền đương nhiệm? Việc trả lời “chưa có kết luận” đối với vụ việc này và chưa thể báo cáo cho Quốc hội cũng như cử tri biết, là Tổng Thanh tra Chính phủ chưa làm hết trách nhiệm, khiến cử tri quan tâm theo dõi vụ việc không thể chấp nhận.
Hàng triệu cử tri trong cả nước đã và đang theo dõi kỳ họp lần này của Quốc hội. Rất mong các đại biểu Quốc hội hãy chất vấn, thẳng thắn truy đến tận cùng sự việc, vấn đề, làm sáng tỏ bản chất, đúng - sai, không thể để cử tri phải nghe mãi điệp khúc đã lặp đi lặp lại nhiều lần là “chưa có cơ sở kết luận dấu hiệu sai phạm”, “còn đang chờ kết quả kiểm tra, thanh tra”…
* NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (quận Tân Bình, TPHCM): Nghiêm túc ngăn ngừa tai nạn lao động
Theo số liệu báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền tại kỳ họp Quốc hội, từ năm 2006 đến 2013, có trên 5.300 người lao động (NLĐ) chết vì tai nạn lao động (TNLĐ), bình quân mỗi năm có gần 700 NLĐ chết vì TNLĐ. Hiện có đến 37.000 người bị thương tật vì TNLĐ từ 5% trở lên. Đó là những con số thật đau lòng. Là một cán bộ công tác trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, tôi cho rằng đó chỉ mới là một con số mang tính tương đối thống kê được, thực tế số vụ, số NLĐ chết và bị thương tật do TNLĐ còn cao hơn rất nhiều. Bởi lẽ, khi để xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thường cố che giấu, không thống kê hoặc báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước về lao động có thẩm quyền theo quy định của pháp luật lao động, mà thường thỏa thuận với NLĐ hoặc thân nhân của NLĐ, chi một khoản tiền gọi là bồi thường hoặc hỗ trợ để không phải khai báo TNLĐ. Điều này gây thiệt hại quyền lợi của NLĐ bị TNLĐ.
Việc ban hành Luật An toàn - Vệ sinh lao động trong thời điểm này là rất cần thiết, là một bước tiến rất quan trọng và cấp thiết để làm cơ sở pháp lý nâng cao hơn nữa ý thức cũng như trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và NLĐ trong mối quan hệ lao động, từ đó cải thiện điều kiện lao động cũng như ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của các vụ TNLĐ thương tâm, đau lòng xảy ra do lỗi chủ quan. Cũng cần nói thêm rằng, việc ban hành Luật An toàn - Vệ sinh lao động là yếu tố cần nhưng chưa đủ để tiến đến ngăn ngừa, hạn chế và giảm thiểu hậu quả của những vụ TNLĐ thương tâm. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tự giác, nâng cao ý thức, chấp hành tốt, đầy đủ luật pháp để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của những vụ TNLĐ do lỗi chủ quan. Cần phải quy định cụ thể thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan thanh tra lao động chuyên ngành. Việc đi kiểm tra, thanh tra an toàn - vệ sinh lao động hiện nay vẫn còn mang nặng tính hình thức, cứ định kỳ vài ba năm mới “ghé thăm” doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một hai lần thì việc doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật pháp lao động cũng như trong công tác an toàn - vệ sinh lao động cũng là điều dễ hiểu. Cần phải nghiêm túc xử lý hình sự đối với người đứng đầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nếu để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng chết người do lỗi chủ quan.