''Thánh đường'' ca nhạc đã mất

Có một thời chưa xa mấy, TPHCM được xem là “thánh đường” của thị trường ca nhạc với hàng loạt chương trình lớn, được đầu tư quy mô, hoành tráng, thu hút sự tham gia của hầu hết các ngôi sao đương thời cả Bắc lẫn Nam và nhận được sự yêu thích, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Nhiều chương trình của các nghệ sĩ quốc tế đến TPHCM cũng được “săn đón”. Những tay “phe” vé chợ đen tại các tụ điểm ca nhạc luôn sống khỏe. Dân trong nghề vẫn mặc nhiên xem TPHCM là “hàn thử biểu” khi nói về thị trường ca nhạc cả nước. Thế nhưng, giờ thì “thánh đường” ấy đã trở thành quá vãng!
''Thánh đường'' ca nhạc đã mất

Có một thời chưa xa mấy, TPHCM được xem là “thánh đường” của thị trường ca nhạc với hàng loạt chương trình lớn, được đầu tư quy mô, hoành tráng, thu hút sự tham gia của hầu hết các ngôi sao đương thời cả Bắc lẫn Nam và nhận được sự yêu thích, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Nhiều chương trình của các nghệ sĩ quốc tế đến TPHCM cũng được “săn đón”. Những tay “phe” vé chợ đen tại các tụ điểm ca nhạc luôn sống khỏe. Dân trong nghề vẫn mặc nhiên xem TPHCM là “hàn thử biểu” khi nói về thị trường ca nhạc cả nước. Thế nhưng, giờ thì “thánh đường” ấy đã trở thành quá vãng!

Giờ thì thị trường ca nhạc TPHCM eo sèo đến mức người ta có thể nhẩm đếm từng chương trình một trong năm chẳng khác nào dân vùng biển Ninh Thuận đếm từng cơn mưa. Nhẩm tính, từ đầu năm đến nay, show hoành tráng để bán vé ở TPHCM chỉ dăm cái, có thể kể đến Ô cửa màu xanh của Mỹ Tâm ở Nhà hát Hòa Bình, Cám ơn đời của Đan Trường ở SVĐ Quân khu 7 hay mới đây nhất là live show Cám ơn cuộc đời của ca sĩ hải ngoại Mạnh Quỳnh…

Thị trường ca nhạc ngày càng khó khăn khi khán giả đến với các chương trình ngày càng ít

Trong khi đó, thị trường ca nhạc Hà Nội lại nhộn nhịp hẳn với hàng loạt show đình đám, từ những ngôi sao trong nước như Ngọc Sơn, Mỹ Linh, Sơn Tùng M-TP cho đến những ngôi sao hải ngoại như Khánh Ly, Bằng Kiều, Thu Phương và cả các ngôi sao nhạc đỏ như Trọng Tấn…

Nếu ở TPHCM, các show diễn phải chật vật với việc bán vé thì tại Hà Nội, những chương trình như trên dù vé không hề rẻ nhưng vẫn được tiêu thụ rất tốt. Một hình ảnh của thị trường ca nhạc TPHCM thời hoàng kim đang lặp lại với thị trường Hà Nội hiện nay. Như live show của ông hoàng nhạc sến Ngọc Sơn chủ đề Tình xuân Bolero tại Nhà hát lớn Hà Nội vừa qua cháy vé nên dù giá vé chợ đen lên đến 10 triệu đồng/cặp nhưng vẫn có người săn mua.

Trong khi đó, chương trình Đời ca sĩ dự kiến diễn ra vào ngày 9-4 tại Nhà hát Hòa Bình mới đây đã phải hủy mà nguyên nhân chính không gì khác hơn là vì bán không được vé dù chương trình tập hợp lực lượng ca sĩ hùng hậu cả trong nước lẫn hải ngoại như ca - nhạc sĩ Đức Huy, ca sĩ Lệ Quyên, Thu Phương, Quang Lê, Thanh Hà, Lam Anh, Quang Hiếu, Nhật Trung, Hoàng Y Nhung…

Một minh chứng nữa là nếu live show đầu tiên trong sự nghiệp của gương mặt trẻ đang ăn khách nhất hiện nay là Sơn Tùng M-TP tổ chức tại TPHCM bán chưa đến phân nửa vé nhưng lại kín sân vận động khi tổ chức tại Hà Nội. Ngay chương trình kỷ niệm nhạc sĩ Thanh Tùng mới đây nhà tổ chức cũng chọn Hà Nội chứ không phải “thánh đường một thuở” TPHCM.

Không chỉ sân khấu lớn với những chương trình đầu tư, dàn dựng công phu mà phòng trà của TPHCM hiện nay cũng gần như rơi vào thế cầm cự để tồn tại! Tại những phòng trà danh tiếng hiện nay như Không Tên, Đồng Dao, MTV, trừ những đêm có những ngôi sao tên tuổi như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… mới đông khán giả tuy nhiên danh sách những ngôi sao đủ sức bảo chứng doanh thu cho các phòng trà hiện nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thị trường ca nhạc liên quan đến các ngôi sao, ban nhạc quốc tế còn thảm hại hơn khi nhiều năm nay chẳng có nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nào có ý định “dòm ngó” đến thị trường Việt Nam nói chung chứ không riêng gì TPHCM. Nói thế để thấy, thị trường ca nhạc của chúng ta hiện nay nhỏ bé đến như thế nào.

Mỹ Tâm - Trọng Tấn trong live show Ô cửa màu xanh

“Sao” mất thiêng!

Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho vấn đề này. Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, sở dĩ có sự chuyển dịch thị trường ca nhạc giữa Hà Nội và TPHCM vì người Bắc ưa những gì hoành tráng diễn ra một lần, nên việc tổ chức các chương trình như thế là phù hợp.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Vi Mỹ thì cho rằng, sở dĩ thị trường ca nhạc tại TPHCM “chết” là vì hầu hết các game show đều quay tại TPHCM. “Có thể xem TPHCM là trung tâm sản xuất game show của cả nước nên cơ hội để khán giả ở đây gặp các ngôi sao dễ như “ăn xoài lắc”. Chưa kể, một số sân khấu bình dân như Trống Đồng, 126 treo hình ảnh toàn ngôi sao nhưng giá vé quá bèo cũng khiến cho sức hút của các ngôi sao ngày càng giảm. Chưa kể số lượng phòng trà của TPHCM cũng gấp 10 lần Hà Nội nên cũng khiến thị trường bị chia nhỏ”, đạo diễn Trần Vi Mỹ cho biết.

Ở góc nhìn chuyên môn hơn, nhà báo Minh Đức, một trong những người gắn với hoạt động âm nhạc TPHCM và cả Hà Nội với nhiều vai trò từ biên tập cho đến sản xuất… phân tích: “Sân khấu ca nhạc tại TPHCM đã co nhỏ về với sân khấu phòng trà; những chương trình lớn bán vé ngày càng khan hiếm; những chương trình lớn rầm rộ chủ yếu là các sự kiện hoặc các show miễn phí mà các nhãn hàng dành tặng khách hàng của họ, chúng ta không thể tính những show kiểu này vào “thị trường ca nhạc” được, cho dù chúng đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều ca sĩ. Một thị trường đích thực là có bán - mua, người xem mua vé và nghệ sĩ đo lường độ “nóng” của mình bằng số vé và số băng đĩa bán ra. Nếu đem những tiêu chí đó áp dụng vào thị trường ca nhạc TPHCM lúc này thì đang thua xa Hà Nội. Khá nhiều chương trình ở Hà Nội cháy vé, mà giá vé khá cao, trong khi những chương trình kiểu đó nếu làm ở TPHCM thì khả năng bị lỗ rất lớn. Người ta hay nói là thị trường TPHCM đã bão hòa, tôi nghĩ không hẳn thế, bởi khán giả đi xem các chương trình ở những sân khấu tụ điểm như 126, Trống Đồng vẫn rất đông; ở đây không phải vấn đề giá vé rẻ hay đắt, vì rất nhiều người sẵn sàng đi phòng trà trả vài triệu đồng nghe các ngôi sao hát. Có thể hiểu do là khu vực giải trí lớn, tập trung ngôi sao nhiều nên sự chờ đợi cũng không lớn như trước kia. Và một phần nữa là nhiều chương trình giải trí truyền hình được ghi hình tại TPHCM, cũng toàn ngôi sao và người ta được đi xem miễn phí nhiều, nên “sao” cũng dần mất thiêng”.

Về chương trình của các ca sĩ nước ngoài, nhà báo Minh Đức cho rằng, vì Việt Nam chưa phải là thị trường có thể đem lại doanh thu cho các tên tuổi lớn nên họ không mặn mà tới đây. Hiện nay chi phí để đưa một nghệ sĩ tên tuổi tới Việt Nam thường rất cao, xấp xỉ một triệu USD trở lên, so với mặt bằng chi tiêu hiện tại ở Việt Nam thì việc bán vé là bất khả thi. Nhiều đơn vị đưa các sao K-Pop sang Việt Nam đều đã nếm quả đắng này. Cho nên nếu không có nhà tài trợ cỡ bự, thì rất khó để các sao quốc tế đến đây. Mà nhà tài trợ thì không phải lúc nào cũng có.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục