Nằm về phía Tây Nam của huyện Kỳ Anh, cách trung tâm TP Hà Tĩnh gần 100km, hệ thống thành lũy cổ bằng đá vừa được phát hiện tại đỉnh Đèo Bụt chạy dài hàng chục cây số (ở địa phận các xã Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Lâm... thuộc dãy núi Hoành Sơn Quan) là một công trình kiến trúc cổ giá trị, độc đáo bậc nhất Bắc Trung bộ vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Một ngày giữa tháng 4-2012, từ trung tâm TP Hà Tĩnh vượt chặng đường dài hơn 3 giờ đồng hồ dưới cái nắng gay gắt của vùng Bắc Trung bộ, chúng tôi có mặt tại khu vực thành lũy cổ bằng đá ở đỉnh Đèo Bụt, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên, thán phục trước hệ thống công trình thành lũy bằng đá dài hàng chục kilômét đã rêu phong được người xưa xây dựng hết sức công phu và đạt đến trình độ kỹ thuật bậc cao đang đứng vững chãi, sừng sững với thời gian.
Ông Lê Văn Cương (67 tuổi, nhà ở xóm Lạc Thắng, xã Kỳ Lạc) đang tham gia “đội quân” phát quang bụi rậm xung quanh thành lũy, khẳng định với chúng tôi: “Thành lũy đá cổ này được xây từ lâu lắm. Từ đời cố tôi đã thấy có rồi. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây còn là nơi hành quân, trú ẩn, chiến đấu an toàn của quân và dân ta. Nếu sắp tới được các cơ quan chức năng khám phá hết, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo lại thì hệ thống thành lũy này sẽ trở thành một thắng cảnh tuyệt đẹp của vùng Hà Tĩnh - Quảng Bình”.
Hệ thống thành lũy bằng đá này nằm về phía Bắc của dãy Hoành Sơn Quan theo trục Đông - Tây, mặt trước thành hướng về phía Nam, chiều dài ước tính hàng chục kilômét và khả năng còn kéo đến tận địa phận tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, bước đầu người dân địa phương và các nhà nghiên cứu văn hóa Hà Tĩnh mới chỉ phát hiện được một đoạn thành lũy còn khá nguyên vẹn dài khoảng 500m.
Hệ thống thành lũy này được ghép đều đặn, vuông vức theo phương thẳng đứng bằng những phiến đá tự nhiên rắn chắc, với kích thước khác nhau (cư dân bản địa thường gọi là đá son), độ cao của thành lũy hơn 3m, phía mặt trên thành khá bằng phẳng, nơi rộng nhất khoảng 2m và hẹp nhất từ 1,2 - 1,5m.
Theo chiều dài của thân thành lũy cứ cách nhau khoảng 3-4m lại được trổ hỏa hiệu kiểu dạng hình phễu, mặt trước to, mặt sau thu nhỏ lại, khả năng khi xây dựng công dụng của nó là vừa để thoát nước vừa quan sát đánh trả kẻ địch lúc công phá thành. Ở vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân lính lên xuống thành lũy thuận tiện, đồng thời có địa điểm để tập kết quân lính được đào sâu dưới chân thành về phía Bắc gọi là hộc đóng quân, có kích thước hình vuông mỗi chiều dài từ 4,5-5m...
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý Khu di tích đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), một trong những người đầu tiên phát hiện ra hệ thống thành lũy bằng đá cổ này cho biết, trước đó vào khoảng năm 1993 sau hàng chục lần lên khu vực đèo Bụt và cả vùng rừng núi Hoành Sơn Quan (Kỳ Anh) tìm kiếm đã phát hiện ra được hệ thống thành lũy đá cổ này. Đến ngày 29-9-2011, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 46 diễn ra ở TP Hà Nội thì Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh chính thức công bố phát hiện đặc biệt này.
Theo ý kiến bước đầu của một số nhà nghiên cứu văn hóa, di sản ở tỉnh Hà Tĩnh rất có khả năng hệ thống thành lũy đá cổ này là dấu tích còn lại trong hệ thống thành lũy cổ của vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Champa) với chiều dài trên 30km do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên giới... Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh thì hệ thống thành lũy đá cổ này mới tiếp tục được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, cho nên người dân địa phương vẫn còn gọi là lũy Ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).
Ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết thêm, trước đây thành lũy đá cổ này bị cây rừng, bụi rậm bao phủ nên dường như nó bị mất dấu hoàn toàn. Cho đến thời kỳ xây đập Kim Sơn (xã Kỳ Hoa), người dân trong vùng vô tình đã khai thác đá của thành lũy để làm kè bờ đập. Đặc biệt, sau này trong quá trình xây dựng đường điện cao thế Bắc - Nam, cột trụ của đường điện nằm ngay sát điểm đầu vị trí đèo Bụt càng khiến một phần thành lũy bị phá vỡ...
Đây là một hệ thống công trình thành lũy cổ bằng đá rất độc đáo, được xây dựng với kỹ thuật kiến trúc bậc cao, có giá trị văn hóa, lịch sử và có ý nghĩa rất quan trọng... Vì vậy, ngành chức năng cần phải nhanh chóng khảo cứu khoa học, lập hồ sơ công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia để nhằm bảo tồn, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, phục vụ tham quan du lịch cũng như các chương trình nghiên cứu về thành lũy cổ ở Việt Nam.
Dương Quang