Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI diễn ra tại Hội trường Ba Đình từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 với 482 đại biểu tham gia đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của nước nhà lúc bấy giờ, trong đó có nghị quyết “chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.
Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI diễn ra tại Hội trường Ba Đình từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 với 482 đại biểu tham gia đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của nước nhà lúc bấy giờ, trong đó có nghị quyết “chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

Vừa rồi, chúng ta long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-7-1976 - 2-7-2016). Tuy nhiên, cụm từ thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã xuất hiện trong ý tưởng của phong trào cách mạng lên cao ở miền Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước.

Một tiết mục văn nghệ trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh” đã xuất hiện trong một số ca khúc trước ngày 2-7-1976. Cách đây 57 năm, tôi và nhạc sĩ Ngô Đông Hải (tức Nguyễn Đồng Nai) đang ở trại an dưỡng đường Á Phi Bắc Kinh thì nhận được đề nghị của Ban đồng hương Sài Gòn - Gia Định viết một bài hát để kỷ niệm 10 năm ngày Trần Văn Ơn hy sinh (năm 1950-1960). Đến tháng 11-1959, tôi sáng tác xong ca khúc Tưởng nhớ Trần Văn Ơn với lời ca như sau: Người Bến Thành, Chợ Lớn không hề quên/ Một người con đem thân dâng cho Tổ quốc/ Anh Ơn đã hy sinh rồi, qua những mùa điệp nở đỏ quê hương đô thành hùng anh/ Tiếng thét hờn căm vang dội đô thành năm xưa/ Sinh viên học sinh quyết đứng lên cùng xuống đường/ Dù họng súng cũng không ngăn được lòng ta/ Một người ngã xuống muôn người xông lên/ Đất Sài Gòn còn có biết bao nhiêu người là/ Trần Văn Ơn những người bất khuất/ Hoa đã nở thắm tươi trên Sài Gòn/ Thành phố Hồ Chí Minh của ta.

Bài hát được Ban Văn nghệ đồng hương Sài Gòn - Gia Định trình diễn và được thu tiếng, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có lẽ bị ảnh hưởng mấy câu thơ trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu:

Ai đi Nam bộ
Tiền Giang, Hậu Giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng…

Cho nên, năm 1960 tôi viết bản hợp xướng 4 chương với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng do Ban Văn nghệ đồng hương trình diễn, Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng 2 chương đầu:

Ai có qua đô thành ta mến yêu
Nhớ ghé thăm ngôi chợ Bến Thành hùng anh
Người Bàn Cờ, Khánh Hội, Cầu Bông
Tâm trí đã khắc sâu những ngày Cách mạng mùa thu…

 *
* *

Mùa hoa Bác Hồ của Nguyễn Hùng là một trong những tiết mục của Đoàn Múa hát Giải phóng R trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trích từ câu hát: Trên những con đường Sài Gòn ta đó/ Tháng năm mùa hoa rực rỡ/ Trên những con đường cây xanh bóng mát/ Bông điệp đỏ thắm như tấm lòng người thành đô/ Từng mùa hoa đưa ta về với Bác/ Noi theo gương Người chiến đấu suốt đời/ Chiến thắng quân thù đẹp giấc Bác ngàn thu/ Rực muôn hoa thành phố Hồ Chí Minh.

Mùa hoa Bác Hồ được kết bằng cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh”, đến năm 1996, đã in trong tuyển tập “50 năm miền Nam ca hát” (do NXB Văn nghệ và Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh ấn hành).

Ngày 29-4-1975, nhạc sĩ Cửu Long hào hứng viết xong ca khúc Sài Gòn ơi, Bác vẫy chào ta, với lời ca: Sài Gòn mến yêu ơi!/ Mau xuống đường đây thời cơ đã đến/ Hôm nay ta đứng lên rửa sạch hờn oán!/ Một ngày thu năm xưa phá tan xích xiềng/ Gậy tầm vong con tim sắt son đắp xây thành đồng/ Cờ chống Mỹ giương cao/ Từ ngục tối vang xa anh hùng ca/ Những đóa hướng dương rực sáng/ Vinh quang thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Bài hát này cũng kết bằng cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh”.

Có hai ca khúc có sức lan tỏa rộng khắp trong những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là Tiếng hát thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đặng Trung) và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng).
Chúng ta có thể nghe lại: Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mơ mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này, Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến thăm từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con/ Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn/ Thành phố Hồ Chí Minh!/ Ngời ngời rực sáng tương lai trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác/ Lời Bác thiết tha dìu dắt chúng ta sáng mãi tên Người/ Thành phố Hồ Chí Minh!

Ca khúc này cũng kết bằng cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh”.

Cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” xuất hiện 5 lần trong ca khúc nổi tiếng Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng. Chỉ trích vài đoạn để thấy tác giả đã khẳng định thành phố Sài Gòn - Gia Định từ lâu là thành phố mang tên Bác Hồ: Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca/ Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời/ Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/ Mùa xuân về rợp bóng cờ bay/ Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé/ Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành…

Trên đây là những ca khúc của 5 nhạc sĩ: Lư Nhất Vũ, Nguyễn Hùng, Cửu Long, Cao Việt Bách và Xuân Hồng, là sự mong ước chính đáng bấy lâu, gần như là dự báo trước sau gì thành phố Sài Gòn - Gia Định cũng sẽ mang tên Bác Hồ kính yêu.

Rồi kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa VI diễn ra tại Hội trường Ba Đình từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976 với 482 đại biểu tham gia đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của nước nhà lúc bấy giờ, trong đó có nghị quyết “chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

LƯ NHẤT VŨ

Tin cùng chuyên mục