Thành phố mang tên Bác luôn đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Chương trình nghệ thuật Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh
Thành phố mang tên Bác luôn đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2016) và 40 năm Thành phố mang tên Bác (1976 - 2016), tại TPHCM, Thành ủy TPHCM phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”, với sự tham dự đông đảo các đồng chí lãnh đạo và các nhà nghiên cứu. Hội thảo góp phần để chúng ta nhận thức đầy đủ hơn nữa những giá trị sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cách đây 105 năm, cũng như tầm nhìn thời đại của Người đối với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Những giá trị của sự kiện ấy, tầm nhìn ấy đã và đang được phát huy trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự phát triển của TPHCM nói riêng. Tham dự hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đã có bài tham luận nêu rõ: “Theo con đường của Bác, theo tư tưởng của Bác, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đoàn kết, năng động, sáng tạo; thấm nhuần sâu sắc quan điểm “vì cả nước, cùng cả nước”, luôn phấn đấu vượt khó thực hiện nhiệm vụ để lo cho dân ngày càng tốt hơn, đồng thời đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều hơn”. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Thanh Hải.

Với tấm lòng thương dân, yêu nước nồng nàn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành “thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ” (1), đã đến Sài Gòn để khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bốn tháng dừng chân tại Sài Gòn, thủ phủ của bộ máy cai trị thuộc địa Đông Dương, nơi mà “Các vách tường nhà thờ Sài Gòn nóng bỏng lên như những mảng tường của địa ngục. Cột thu lôi ánh lên như một lưỡi lê vấy máu và sẵn sàng xuyên thủng da trời bị nấu chín theo đúng nghĩa đen của từ” (2). Cảnh cuộc sống xa hoa của bọn thực dân và sự cơ cực, cùng khổ của người dân mất nước ở thành phố này càng thôi thúc thêm ý chí đi để tìm, để nhận ra chân nguồn cội của “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” sinh ra từ chính quốc. Sài Gòn là nơi có điều kiện để xuất dương, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc thân yêu ra đi, không phải để cầu viện, mà với mục đích “xem các nước trên thế giới làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào” (3). Dù Người chỉ dừng lại trong thời gian rất ngắn, nhưng chính Sài Gòn đã hun đúc, nơi tạo độ chín về nhận thức và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người.

Đến phương Tây, Người trải qua một hành trình khảo nghiệm tại nhiều nước tư bản và thuộc địa; đặc biệt ở các nước đã làm cách mạng. Từ đó, đúc kết rằng, cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp là cách mạng chưa đến nơi; Người viết: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?” (4). Quá trình tìm tòi đưa Người đến với ánh sáng của thời đại như một tất yếu, đó là Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại với chủ nghĩa Mác - Lênin; và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trở thành con đường cứu nước đúng đắn, duy nhất của nước ta bởi tầm nhìn thời đại và quá trình vận động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo Khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”

Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941). Tại hội nghị này, Người đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Đón bắt kịp thời thời cơ, Người và Đảng ta quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Tư tưởng của Người đã tiếp tục dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành chiến thắng vẻ vang trong các cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc; cũng như đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ thành phố này, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước, theo con đường mà Bác đã chọn, theo tư tưởng của Người, cùng cả nước, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn -  Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh đã chiến đấu anh dũng ngay tại trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù, đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành thắng lợi vẻ vang. Trong suốt chặng đường gian lao mà hào hùng đó, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thành phố này luôn vững tin theo con đường Bác chọn, luôn thực hiện theo những lời dạy của Người. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập những kỳ tích, chiến công vang dội của một địa bàn chiến lược trọng điểm, nơi đầu sóng, ngọn gió, “đi trước, về sau”, lập nên truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tạo nên một mối liên kết chặt chẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, xây nên một khối thống nhất, một “căn cứ” vững chắc cho cách mạng: “căn cứ lòng dân”. Thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng bộ không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hy sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng cán bộ, đảng viên để tồn tại, bám trụ, gầy dựng phong trào, phát động và tổ chức Nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Những thắng lợi giành được trong suốt chặng đường gian khổ đó, là một minh chứng hùng hồn về lòng trung thành tuyệt đối của Đảng bộ và Nhân dân thành phố đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chính Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn -  Gia Định đã đề nghị và tự xem mình được vinh dự mang tên “thành phố Hồ Chí Minh” từ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công; các đại biểu Quốc hội khóa I từ Nam Bộ, đã kiến nghị tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội về nguyện vọng thiết tha này (5).

Bốn mươi năm qua, trong đó có 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới; Đảng bộ và Nhân dân thành phố hết sức tự hào khi thành phố được chính thức mang tên Hồ Chí Minh. Theo con đường Bác chọn, theo tư tưởng của Người, Đảng bộ thành phố luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn xác định mọi chủ trương, chính sách đều phải vì Nhân dân, xuất phát từ quyền, lợi ích của Nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của Nhân dân, giảm khoảng cách nghèo, giàu trong các tầng lớp dân cư. Luôn thấm nhuần quan điểm tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, chăm lo cho cơ sở, phát huy sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống của Nhân dân theo lời Bác dạy: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (6).

Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ năm 1992 thành phố khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo; theo tiêu chí của thành phố, đến năm 2015 hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn 0,9%, hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,4%, trong điều kiện dân số thành phố tăng gấp hơn 2 lần; và không chỉ tạo điều kiện về thu nhập mà cả việc làm, việc học, chỗ ở, chữa bệnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần,… cho các tầng lớp Nhân dân. GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 5.538 USD/người, tăng trên 73% so với năm 2010. Đặc biệt, thành phố đã kéo giảm chênh lệch mức sống các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014; giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014. Từ năm 1995, thành phố tiến hành di dời các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch bị ô nhiễm nặng; đến nay, trên 36.000 hộ dân được tổ chức lại cuộc sống mới, tạo lại màu xanh trên các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé. Thành phố luôn quán triệt sâu sắc quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng, phát triển con người. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, phát huy tác dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí lành mạnh của Nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, thường xuyên tập trung đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế; hệ thống khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện (7). Ngân sách đầu tư vào giáo dục - đào tạo tăng hàng năm, phát triển cơ sở vật chất theo quy hoạch, khang trang, từng bước hiện đại; chất lượng dạy và học được nâng cao, là cơ sở để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo thành phố.

Thành phố rất chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân với sự nêu gương của người đứng đầu, tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài (8); phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền công dân, quyền con người, thực thi dân chủ, trong giải quyết những bức xúc, khiếu nại của công dân.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm liền kinh tế thành phố tăng trưởng gấp 1,5 lần so với cả nước; trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,66 lần mức tăng bình quân của cả nước. Hiện tại, thành phố đóng góp trên 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

Theo con đường của Bác, theo tư tưởng của Bác, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đoàn kết, năng động, sáng tạo; thấm nhuần sâu sắc quan điểm “vì cả nước, cùng cả nước”, luôn phấn đấu vượt khó thực hiện nhiệm vụ để lo cho dân ngày càng tốt hơn, đồng thời đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Đóng góp của thành phố không chỉ về điều kiện vật chất, mà quan trọng hơn, chính là từ thực tiễn thành phố đã góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng; và từ thực tiễn thành phố thực hiện đường lối đổi mới đã góp phần để Trung ương nghiên cứu hoàn thiện đường lối đổi mới, đặc biệt trên hai vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Học tập và làm theo Bác, Thành ủy các nhiệm kỳ luôn luôn đau đáu với các vấn đề bức xúc trong cuộc sống của Nhân dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, tập trung mọi nỗ lực giải quyết giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tải các bệnh viện, chăm lo tốt hơn sức khỏe Nhân dân, kéo giảm tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, cải cách hành chính, tái cấu trúc kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, làm ăn phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố, chỉnh trang và phát triển đô thị, tập trung đấu tranh có hiệu quả đối với tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Đảng bộ, hệ thống chính trị thành phố, hiện đang tập trung nhằm tạo những đột phá trong giải quyết các vấn đề bức xúc, kết quả thực hiện là thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên; đồng thời ra sức khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình, tiếp thu phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đó là sự xác lập bằng cả quá trình đấu tranh cách mạng và nỗ lực xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố. Phát huy ngày càng tốt hơn vai trò ấy, càng phải kiên trì thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, vì vậy, trong thời gian sắp tới, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; giữ vững ổn định chính trị; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường; xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Mục tiêu lớn, khó khăn thách thức càng nhiều, càng phải thấm nhuần quan điểm “phát huy sức dân, chăm lo cho dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố. Mọi chủ trương, chính sách và giải pháp trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đều phải đem lại ấm no hơn, hạnh phúc nhiều hơn cho Nhân dân. Chính điều căn cốt đó là sự kế tục và tiếp tục thực hiện con đường của Bác Hồ kính yêu đã khẳng định và trở thành chân lý.

Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và kỷ niệm 40 năm thành phố chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; Đảng bộ thành phố càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng bộ thật trong sạch, vững mạnh; gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào Dân để xây dựng Đảng bộ và chính quyền thành phố, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Đảng bộ và Nhân dân thành phố nguyện đi theo Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội; mãi xứng đáng với vinh dự thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố Anh hùng.

--------------------
(1),(3) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1981, Tập 1, tr.49.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 72.
(4) TS. Phạm Ngọc Trâm: Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, NXB Tổng Hợp TPHCM, TPHCM, 2011, tr.70.
(5) Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, NXB Chính trị quốc gia - Sự Thật, 2015, tr.359.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.175.
(7) Số giường bệnh tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2014 là 3.530 giường; số bác sĩ tăng thêm giai đoạn 2011 - 2014 là 1.531 bác sĩ, nâng tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân năm 2014 đạt 14,5 bác sĩ so năm 2011 là 13,28 bác sĩ.
(8) Đã giải quyết dứt điểm 78/84 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài theo Kế hoạch 1130 ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ; trong 4 năm (2011 - 2014) và 9 tháng đầu năm 2015, đã tiếp 186.843 lượt công dân, tiếp nhận 40.143 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 19.388/21.087 vụ việc (92%).

LÊ THANH HẢI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh


Chương trình nghệ thuật Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh

(SGGP).- Tối 5-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Chương trình do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP tổ chức. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP, cùng đại diện các ban ngành trung ương và địa phương, đông đảo các nhân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội đóng trên địa bàn TP.

Được xây dựng theo dạng sân khấu hóa, chương trình tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi còn là chàng trai Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba bước lên con tàu Amiral Latouche - Tréville rời Cảng Sài Gòn bắt đầu một hành trình lịch sử đi tìm con đường độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam… Các tiết mục được biểu diễn trên nền những ca khúc về Bác, nhất là những ca khúc gắn với hành trình đi tìm đường cứu nước như: Người đi tìm hình của nước, Dấu chân phía trước, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Miền Trung nhớ Bác, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người…

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục