Ngày 5-8, bạn đọc TPHCM có dịp hội ngộ với hai tác giả Ngữ Yên (nhà báo Công Khanh) và nhà báo Trương Gia Hòa tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, trong buổi nói chuyện khá thú vị với chủ về đề thành phố của những người xa quê.
Với những người làm báo, Ngữ Yên và Trương Gia Hòa là những cái tên không mới bởi họ đã gắn bó với những chuyên mục đặc sắc trên một số tờ báo ở thành phố. Tác giả Ngữ Yên quê Khánh Hòa là người gai góc, đam mê ẩm thực, khảo cứu văn hóa... Còn Gia Hòa đến từ Tây Ninh là một tác giả nhiều ưu tư, trăn trở...
Điểm chung ở họ có lẽ là viết lách, là cách “bám rễ” rất lạ với thành phố này. Qua cách ăn, cách sống của mỗi người, bạn đọc thấy rõ hơn tâm tình, khát vọng của những người tha hương trên mảnh đất với họ từ lâu đã là nhà.
Xuyên suốt hành trình của tác giả bộ sách Sài Gòn chở cơm đi ăn phở; Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê! là những ngóc ngách của đời sống, ẩm thực. Không chỉ đơn thuần ăn và kể lại, Ngữ Yên đã nghiên cứu khá kỹ những món mình đã thưởng thức.
Ông bảo, khi đã ăn là phải biết gốc gác xa xưa, nơi bắt nguồn của chính món ăn, những thứ đã làm nên món ăn. Có đôi khi, chỉ cần nghe được địa chỉ nơi có được món ngon tại thành phố hay vùng lân cận, tác giả ngay lập tức tranh thủ thời gian, tìm mọi cách để đến ngay thưởng thức cho bằng được.
Câu chuyện ẩm thực của Ngữ Yên là bức tranh đậm màu văn hóa. Từ câu chuyện ẩm thực, bức tranh về đời sống thành phố trong mắt của những người dân nhập cư cũng hiện lên sống động. Thành phố không có đặc sản nhưng lại ôm vào, nâng niu đặc sản của mọi vùng miền, quốc gia. Bao dung và cởi mở trong hành trình lưu giữ văn hóa ẩm thực, theo ông, là đặc điểm của thành phố này: "Sài Gòn như cuốn kinh Mahabharata của Ấn Độ".
Với Trương Gia Hòa lại là câu chuyện khác. Chị được biết đến là một giọng thơ giàu nữ tính của văn học thành phố, là một nhà báo công tác tại một số tạp chí.
Và dù thế nào, tràn lên tập tùy bút của Gia Hòa vẫn là sự “chân quê” mộc mạc. Niềm xúc động của người tha hương vẫn ở đó, trong những trang văn của chị.
“Sống ở Sài Gòn từ năm 17 tuổi, vậy mà đến bây giờ tôi vẫn thấy mình là người nhà quê. Đến nỗi có lần ngay giữa tuần, tôi chạy về quê với gia đình rồi chui vô mùng khóc. Chỉ vì nhớ quê quá thôi, dù hồi đó đã sống ở thành phố cả chục năm”, chị tâm sự với độc giả.
Gia Hòa viết Đêm nay con có mơ không? trong điều kiện rất đặc biệt khi đang chiến đấu với tử thần: chống lại căn bệnh ung thư. Vậy mà, ngòi bút của chị vẫn trong trẻo, gần gũi… đưa người đọc vào thế giới của một người “vượt thoát” khỏi những tù túng, chật chội của đời sống đô thị.
Từng mẩu chuyện nhỏ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc có khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ yêu con; là nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình, cội rễ; là những băn khoăn trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại... Sự chậm rãi bảo bọc truyền thống nơi người già và cái vô tư, thời thượng của người trẻ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc cũng chứa đủ cả vui lẫn buồn. Chuyện chị kể, cách chị sống là câu trả lời cho rất nhiều người đang loay hoay trong việc thích ứng với những ồn ã của thành phố.
Hai câu chuyện, một về văn hóa trong chiếc áo ẩm thực, một về lối sống giúp người đọc hiểu hơn về nhịp đập của thành phố và không ngừng khám phá những giá trị tốt đẹp của thành phố này.