Mỗi khi lũ tràn về sông La Ngà, cả xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bỗng chốc thành “ốc đảo”. Muốn ra khỏi xã, người dân phải qua sông trên những chuyến đò mà tai nạn luôn chực chờ. Chuyện làm ăn phát triển kinh tế của người lớn vô cùng khó khăn, chuyện học hành của con trẻ cũng gian nan không kém…
Qua lần nào, biết lần đó
Một ngày giữa tháng 11, trời chạng vạng tối, dòng sông La Ngà đục ngầu, nước từ thượng nguồn liên tục đổ về. Bến phà Sáu Trinh (ấp 1, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bị sóng đập mạnh liên hồi. Chiếc phà chỉ khoảng 10m2 chở đầy người và xe 2 bánh xuất bến nhưng vẫn còn tiếng kêu của khách đến muộn. Nhìn nước sông chảy mạnh, chị Hà Thị Mẫn lo âu: “Qua sông lúc nước lớn thế này “ớn” lắm nhưng vẫn phải đi vì không còn đường nào khác, chỉ mong phà qua sông suôn sẻ”. Cùng đi trên phà, anh Trần Hùng Dương - công nhân Lâm trường 3, một lần thoát chết trên khúc sông này, kể lại: Tối 23-12-2008, anh từ Lâm trường 3 về đến bến phà, nước sông dâng cao nên phà không hoạt động. Anh nghỉ lại nhà người quen thì vợ điện báo tin con ốm nặng, vậy là anh liều mượn đò chèo qua sông. Qua đến gần bờ, nước chảy xiết, đò lật, may chỉ cách bờ 10m nên anh cố bơi vào được. Dường như ai ở đây cũng cùng tâm trạng: “Qua lần nào, biết lần đó!”.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch xã Thanh Sơn cho biết, trước đây để hạn chế nguy hiểm cho khách, ban đêm xã cấm các phương tiện qua sông. Tuy nhiên, gần đây khách đi lại đông, nhiều trường hợp phải cấp cứu nên dù đêm hôm xã vẫn phải chấp thuận cho phà qua sông. Ngoài ra, trong những đợt lũ lớn, dài ngày, để người dân không thiếu lương thực, xã vẫn cho phà hoạt động 2-3 chuyến/ngày dẫu nỗi lo về sự cố luôn thường trực, bởi chẳng còn cách nào khác. Những năm gần đây, lũ thượng nguồn đổ về mạnh, hai bờ sông La Ngà bị xói lở, nhiều lạch, nước chảy xiết gây ra không ít vụ chìm phà. Năm trước, tối 30-4-2009, tại bến phà 107, chiếc phà của ông Ba Đen xuất phát từ xã Ngọc Định chở theo 20 hành khách cùng xe máy sang xã Thanh Sơn bị sóng đánh chìm. Dù phát hiện kịp thời nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ cứu được 14 người. Trước đó, trên khúc sông gần bến phà nối xã Phú Tân với Thanh Sơn, chiếc đò ngang chở khoảng 10 người và xe qua sông cũng bị lật úp do nước lũ chảy xiết, chỉ 3 người thoát nạn.
Con sông và khoảng cách
Chị Mẫn Thị Nhung ở ấp 7, xã Thanh Sơn, sinh sống bằng nghề nuôi heo. Nuôi đàn heo 20 con (mỗi con 20kg) cho đến ngày xuất chuồng bị thương lái ép giá, trừ 10% phí vận chuyển qua sông. Rốt cuộc người nuôi chẳng lãi bao nhiêu. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, không chỉ sản phẩm chăn nuôi, tất cả các nông phẩm do bà con sản xuất bán đều bị thương lái tính phí vận chuyển qua sông. Vì vậy, dù nơi đây đất đai màu mỡ, gần sông nước, khí hậu ôn hòa… thuận lợi trồng trọt, chăn nuôi nhưng bà con không thể phát huy tiềm năng sản xuất, đời sống không khá lên được. Nhiều doanh nghiệp đến đây muốn đầu tư trồng quýt lai, nuôi cá tổng hợp… nhưng thấy đường sá cách trở cũng rút đi. Ông Nguyễn Danh Thu, nhà gần bến phà 107 so sánh, cách nhau chỉ con sông nhưng bên xã Ngọc Định “ngon lành” gấp 3 bên này, đi lại thuận tiện nên làm ăn dễ dàng, nhà cửa khang trang, có đầy đủ đường sá, trạm y tế, trường học…
Xã Thanh Sơn hiện có khoảng 400 học sinh bậc trung học phổ thông, học ở thị trấn Định Quán, mỗi ngày mất 12.000 đồng/4 lượt đi về cho khoản tiền phà. Vậy nhưng vào mùa mưa lũ cũng phải nghỉ học. Không ít em bỏ học giữa chừng do đi lại khó khăn, tốn kém. Cách trở đò ngang cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng. Tối 4-8-2010, anh Trương Tấn Việt ở ấp 3 bị tai nạn giao thông, cần chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Tân Phú nhưng “mất gần nửa giờ phà mới đưa được qua sông, nhập viện 10 phút thì anh tắt thở. Bác sĩ cho biết anh bị chấn thương ngực, bể phổi. Cơ hội sống vẫn còn nếu nhập viện sớm hơn”, anh Võ Văn Cường, em rể anh Việt rơm rớm nước mắt kể lại.
Điệp khúc “mong... chờ…”
Năm nào lũ về cũng “nuốt” đò, mất người mất của. Sau mỗi vụ tai nạn như thế lại thấy cán bộ huyện, tỉnh về khảo sát để xây cầu, nhưng rồi chờ hoài chẳng thấy. Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, xã nhiều lần kiến nghị lên các cấp ngành của huyện, tỉnh để được đầu tư xây cầu bê tông. Tháng 4-2009, xã nhận được thông báo UBND tỉnh đã có chủ trương cho xây cầu treo nhưng đến nay chưa biết… còn “treo” đến đâu.
Tiếp xúc với PV Báo SGGP, ông Lê Sĩ Lâm, Phó Chủ tịch huyện Định Quán, cho biết dự án xây dựng cầu treo, tải trọng 2 tấn, nối xã Thanh Sơn với các xã lân cận đã được huyện trình Sở Giao thông Vận tải và đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Dự tính, tổng vốn đầu tư xây dựng cầu treo khoảng 9 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT. Hiện nay, Công ty TNHH Dung Phát (chủ đầu tư bến phà Sáu Trinh) nhận làm chủ đầu tư dự án này. Thông tin về dự án cây cầu treo một lần nữa đem đến cho người dân xã Thanh Sơn hy vọng. Niềm hy vọng đó có thành hiện thực hay không, sớm hay muộn phải… tiếp tục chờ!
“Xã Thanh Sơn rộng 4.000ha; dân số hơn 28.000 người (5.831 hộ), đất đai màu mỡ, gần sông nước, địa hình bằng phẳng… có điều kiện tốt để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt... Với tiềm năng này, nếu giao thông được thuận tiện, kinh tế xã Thanh Sơn sẽ phát triển gấp nhiều lần so với các xã lân cận trong huyện” - ông Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán khẳng định. |
Tuấn Vũ