Thánh thót tiếng đàn bầu

Không chỉ mang tiếng đàn bầu ngọt ngào, sâu lắng đến gần hơn với người dân phố núi Đà Lạt và cả du khách thập phương khi đến với TP hoa, mà nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Dương còn là một người luôn nặng lòng với tiếng đàn bầu Việt Nam
Nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương
Nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương
Hơn 40 năm tuổi nghề, 30 năm tuổi đảng…, cựu chiến binh - nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) giờ đây đã phần nào thỏa niềm đam mê và bay bổng cùng tiếng đàn bầu Việt Nam khi ông quyết định gắn bó phần còn lại của đời mình với CLB Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng.

Tôi gặp lại nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Dương (65 tuổi) sau hơn 20 năm - khoảng thời gian đủ dài để có thể sẻ chia và đồng cảm về những bước thăng trầm mà ông đã từng nếm trải. Lần gặp gỡ này, trông ông khỏe ra, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn xưa. Tiếng đàn bầu của ông vì thế nghe mùi hơn, trong veo như suối nguồn mùa xuân. Vào những thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà hàng khách sạn Phố Núi từng là nơi ban nhạc dân tộc Xuân Hương lập “đại bản doanh”, mang những làn điệu dân ca và dòng nhạc cổ truyền mượt mà, sâu lắng phục vụ công chúng yêu nhạc. Đây cũng là nơi mà “ông bầu” - nhạc trưởng Vũ Mạnh Đương, thương binh 4/4 đã từng buông những giọt đàn thánh thót, ẩn chứa bao nỗi niềm tâm sự “về đâu ban nhạc dân tộc Xuân Hương?”
Không chỉ kể cho tôi nghe về Hưng Yên - vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi ông sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm tuổi thơ; về truyền thống âm nhạc của gia đình; về bài thơ Lời ru của mẹ mà ông đã sáng tác ở trên chốt trong lúc rảnh rỗi khi làm nhiệm vụ trinh sát trên chiến trường vào những năm 70 - 71 của thế kỷ trước; về cơ duyên ông tìm đến và gắn bó với cây đàn bầu Việt Nam và câu chuyện cảm động về lớp dạy đàn bầu cấp tốc, một thầy một trò giữa ông với một cựu chiến binh Mỹ. Theo nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương, kỷ niệm sâu sắc và thiêng liêng nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của ông cho đến giờ, đó là được dạy đàn cho một người Mỹ. Ấy là khi HLu đến Đà Lạt nghỉ lại tại khách sạn của ông và tình cờ nghe tiếng đàn bầu. Sau lời thỉnh cầu của Hlu muốn được ông chỉ dạy, ông đã nhận lời. Quỹ thời gian chỉ có 7 ngày, ông phải dạy ngày, dạy đêm. Với sự đam mê và quyết tâm của HLu, cuối cùng anh cũng đã “tốt nghiệp” khóa học cấp tốc. Tác phẩm “Trống cơm” mà Hlu biểu diễn với sự chứng kiến của nhiều người. Tiếng đàn bầu Việt Nam giữa một cựu chiến binh Việt Nam với một cựu chiến binh Mỹ để xóa đi mặc cảm của chiến tranh, kéo mọi người lại gần nhau... 
Sau bao nhiêu năm suy tư, trăn trở và đi tìm một sân chơi đúng nghĩa, cuối cùng CLB Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng cũng ra đời trong niềm vui của nhiều người. Hiện nay, CLB đã có 11 CLB “vệ tinh”, nghệ sĩ đàn bầu Mạnh Đương phấn khởi nói.
“Thị sát” một số buổi luyện tập cũng như xem chương trình văn nghệ đặc biệt “Mừng Đảng, mừng xuân mới Mậu Tuất 2018” của CLB, tôi phần nào hiểu được niềm đam mê cũng như tâm huyết của ông. Anh Nguyễn Công Hoan - một thành viên nòng cốt của CLB tự hào nói về thầy của mình: “Anh Mạnh Đương được xem là cây đàn bầu số 1 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Anh là người anh cả, là “linh hồn” của CLB. Nếu không có anh sẽ không có CLB như ngày hôm nay”. 
 Không chỉ mang tiếng đàn bầu ngọt ngào, sâu lắng đến gần hơn với người dân phố núi Đà Lạt và cả du khách thập phương khi đến với TP hoa, mà nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Dương còn là một người luôn nặng lòng với tiếng đàn bầu Việt Nam, đau đáu những suy tư, trăn trở để tiếng đàn bầu mãi ngân vang, bay xa, lay động bao tâm hồn Việt yêu mến loại nhạc cụ dân tộc độc đáo này.

Tin cùng chuyên mục