Thanh toán bằng đồng Bitcoin có phạm luật?

Lâu nay, việc kinh doanh đồng tiền ảo Bitcoin (tiền kỹ thuật số - cryptocurrency) tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vấn đề. Không ít người tố cáo bị mất tiền tỷ cho trò kinh doanh tiền ảo này. Thế nhưng, mới đây, Trường Đại học FPT tuyên bố sẽ thu học phí bằng đồng Bitcoin đã tạo ra nhiều tranh cãi.

      

Có người lo lắng rằng điều đó có nghĩa thừa nhận đồng tiền ảo này tại Việt Nam. Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc thanh toán bằng đồng Bitcoin có hợp pháp và sẽ bị xử lý thế nào?
Thanh toán bằng đồng Bitcoin có phạm luật? ảnh 1   Một điểm giao dịch Bitcoin tại TPHCM        Ảnh: THÀNH TRÍ
 Thu học phí bằng Bitcoin là… công nghiệp 4.0?!

Vừa qua, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, cho biết trường chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên người nước ngoài. Lãnh đạo trường lý luận rằng, thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Đại học FPT, như sinh viên ở châu Phi gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí. Trong khi đó, Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và Đại học FPT đào tạo về công nghệ nên mới đi đầu tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ…

Tuy nhiên, quyết định đột phá này đã bị nhiều ý kiến phản đối. Ông Vũ Khanh (quận Gò Vấp) cho rằng, Bitcoin là đồng tiền ảo, nếu cho nộp học phí bằng Bitcoin có nghĩa nhà trường thừa nhận giao dịch đồng tiền ảo tại Việt Nam. Hơn nữa, điều này sẽ tác động không tốt đến sinh viên trong nước vì họ sẽ tò mò và kinh doanh đồng tiền ảo này. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Hoàng (chuyên viên công nghệ thông tin ở quận 1, TPHCM) kể rằng, lâu nay việc kinh doanh đồng tiền ảo này đã khiến không ít người “rớt đài”. Nhiều văn nghệ sĩ đã lao theo đồng tiền ảo và mất cả tỷ tiền thực. Cũng có lúc giá đồng tiền ảo tăng đột biến nên thu hút không ít người có máu cờ bạc tham gia kiếm lời. Và thực tế không ít người đã… trắng tay. “Vấn đề là hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các loại đồng tiền ảo nên thiết nghĩ Nhà nước cần có quy định rõ và tuyên truyền cho dân hiểu về đồng tiền Bitcoin ở Việt Nam, cũng như các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này”, anh Hoàng nói.

Từ năm 2018, sử dụng Bitcoin có thể bị phạt tù


Trước những thắc mắc cũng như thông tin Trường Đại học FPT cho nộp học phí bằng đồng Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin chính thức về việc sử dụng tiền ảo này. 

Về pháp lý, năm 2016, nhằm điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP trong thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, quy định về phương tiện thanh toán như sau: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch, gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vậy ngoài những phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước quy định thì bất kỳ phương tiện nào khác, dù thế giới công nhận, thời đại công nghiệp 4.0 hướng đến, vẫn là hoạt động thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam. Bởi Nghị định 101/2012/NĐ-CP cũng quy định về hành vi bị cấm, bao gồm “phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (tức không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoặc thừa nhận - PV)”. Như vậy, đồng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận nên không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán sẽ vi phạm pháp luật tại Việt Nam. 

Về chế tài, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng nhưng không có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi trên. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, đã bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Như vậy, từ đầu năm 2018, sử dụng Bitcoin để thanh toán tại Việt Nam có thể bị phạt tù.

Tin cùng chuyên mục