Kiến nghị cơ chế đặc thù
Trong tháng 4-2019, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trong cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND TP.
Theo đó, TP kiến nghị chấp thuận cho TP chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận; cũng như ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch; hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên cả nước và hướng dẫn xử lý đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được duyệt trước khi có Luật Đầu tư công. UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền UBND TP phê duyệt khung chính sách cho các trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức nước ngoài (ODA) thực hiện thu hồi đất trên địa bàn TP; hướng dẫn thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với tài sản công.
Dự kiến cơ chế, quy trình “đặc thù” rút ngắn thời gian thực hiện dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP được xác định trong 3 khung thời gian: Tối đa là 240 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành việc ban hành 5 loại quyết định trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tối đa 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tối đa hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án nếu 100% người dân đồng thuận chấp hành bàn giao mặt bằng thì sớm nhất là 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất; nếu có dưới 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 60 ngày và chậm nhất là 120 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước; nếu có trên 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 120 ngày và chậm nhất 180 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Nghiên cứu tách tiểu dự án
Không chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở TN-MT TP hướng dẫn tạm thời về nội dung, trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn TPHCM. Hiện dự thảo hướng dẫn tạm thời đã được gửi xin ý kiến của Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT. Tuy nhiên đến nay, TP chưa nhận được ý kiến của các cơ quan trên.
Trong khi chờ ý kiến hướng dẫn của các bộ, TP đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và UBND các quận huyện nghiên cứu, rà soát để đề xuất, tham mưu UBND TP về tiêu chí để làm căn cứ quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập.
Về hướng xử lý các dự án bồi thường đang vướng mắc, TP yêu cầu UBND các quận huyện rà soát, thống kê, phân loại các dự án bồi thường trên địa bàn, chuyển Sở TN-MT tổng hợp, phân loại theo từng trường hợp. Cụ thể, đối với dự án đã có nghị quyết của HĐND TPHCM về quyết định chủ trương đầu tư công dự án tổng thể và đã nằm trong nghị quyết về bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thì Sở TN-MT tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc trình UBND TP phê duyệt theo quy định tại Quyết định 18/2018 của UBND TP về ban hành quy định về quản lý, thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP.
Với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP, quyết định phê duyệt dự án trước đây của cơ quan có thẩm quyền, nay có điều chỉnh về thời gian, tổng mức đầu tư thì giao cho Sở TN-MT rà soát, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh hoặc trình TP quyết định phê duyệt điều chỉnh theo quy định. Giao Sở KH-ĐT thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án điều chỉnh; cập nhật, tổng hợp báo cáo HĐND TP theo quy định. Còn đối với các dự án đã hoàn tất hồ sơ nhưng chưa có nghị quyết của HĐND TP, giao Sở TN-MT rà soát về sự cần thiết tách, chọn lọc các dự án, hoàn tất hồ sơ trình HĐND TP trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn, TP cũng yêu cầu Sở KH-ĐT thống kê tất cả các dự án đầu tư công (cả phần xây lắp và bồi thường), phân loại dự án theo các trường hợp đã có nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể; dự án chỉ có nghị quyết chủ trương đầu tư phần bồi thường (chưa có chủ trương đầu tư dự án tổng thể). Báo cáo, tham mưu đề xuất UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành.