(SGGPO).- Sáng 26-8, dự án Bộ luật hình sự sửa đổi tiếp tục được các vị ĐBQH chuyên trách thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, dự án Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã được cho ý kiến.
Đổi bao nhiêu tiền thành 1 tháng tù, 1 năm tù?
Mở đầu phiên họp, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, cần phải có sự đổi mới trong áp dụng hình phạt. ĐB đưa ra đề nghị khá mạnh dạn là nghiên cứu áp dụng hình phạt đánh roi như Singapore. Tuy nhiên, trước ông, một số ĐB cũng đã đề cập đến việc này.
Lưu ý rằng xã hội hiện đang có rất nhiều vấn đề cần được pháp luật điều chỉnh, ông Nam thẳng thắn nhận xét rằng dường như dự thảo Bộ Luật “chưa đủ độ”. “Chẳng hạn chống tham nhũng, tài sản bất minh thì giải quyết thế nào, luật phải quy định để những người kê khai không đến nơi đến chốn thì nhìn vào luật này điều chỉnh”, ông Nam nói. Theo ĐB, tử hình, dù bằng cách nào và với mục đích gì cũng không phải là văn minh. Vấn đề không phải là giết được bao nhiêu người mà là xử lý tham nhũng thế nào. ĐB ví von: “Tham nhũng cần gì phải bắn, chỉ cần làm cái lồng thật đẹp cho vào đấy để vợ nuôi là đủ, nỗi khổ sở ấy còn khủng khiếp hơn là bị bắn”.
Về tội phạm vị thành niên, ĐB Nam trăn trở: “Đúng là tình hình hiện phức tạp, nghiêm trọng; thế nhưng vấn đề không thể giải quyết tận gốc bằng việc trừng phạt nặng hơn. Nhìn từ góc độ này có thể thấy các em là nạn nhân của chính xã hội, của người lớn, cần phải tăng cường nâng đỡ, giáo dục hơn là lấy việc bắt giam, trừng phạt làm trọng”.
Tham dự phiên họp, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn bày tỏ băn khoăn: “Liên quan đến quy định chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù, nếu không nêu rõ đổi bao nhiêu tiền thành một tháng tù, một năm tù thì Tòa án không xử được. Để thẩm phán tự định lượng thì rất khó cho toà”. Vị Phó Chánh án cũng cho rằng nên xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội đã có quy định nhưng trên thực tế chưa bao giờ áp dụng, chẳng hạn như tội làm giả thuốc chữa bệnh.
Quan tâm đến nhóm tội phạm tham nhũng, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương đề nghị mở rộng tội phạm tham nhũng sang các lĩnh vực tư; mở rộng chủ thể phạm tội này sang cả các công dân nước ngoài. Ngoài ra, “tài sản tham nhũng cũng cần được hiểu rộng hơn, bao gồm cả vật chất và phi vật chất”, ĐB nêu quan điểm.
Cần tạo điều kiện cho luật sư tác nghiệp
Bàn về dự án Luật Tố tụng hình sự, Luật sư Phan Trung Hoài đã nêu ra ý kiến này. “Chính giới luật sư chúng tôi cũng đang phải im lặng, không được quyền hỏi, không được quyền nói. Thường ở phiên toà nào cũng bị phủ đầu “anh không được hỏi như vậy” – ông Hoài giãi bày. Vị Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị dự thảo Bộ luật quy định theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho luật sư tác nghiệp; mở ra cánh cửa phát triển mới cho nghề luật sư, góp phần hướng tới một nền tư pháp công bằng, dân chủ.
Trong khi đó, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) kiên trì nêu quan điểm mà ông đã phát biểu tại kỳ họp thứ 9, theo đó cần thực hiện việc ghi âm, ghi hình rõ ràng; đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động hỏi cung, vừa là bảo vệ cho bị can khỏi bị bức cung nhục hình, đồng thời cũng bảo vệ chính người hỏi cung để họ không bị vu oan, vu cáo. “Việc này cần quy định bắt buộc chứ không phải muốn thì làm, không muốn thì thôi. Kể cả khi hỏi cung tại hiện trường cũng không khó gì, chỉ một chiếc điện thoại cũng làm được”, ông nhấn mạnh.
Mặc dù đã phát biểu về dự án luật này tại phiên họp ngày 25-8, song ĐB Trần Văn Độ (An Giang) vẫn tiếp tục kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng khác. Theo ông, cần đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong trong toàn bộ quá trình điều tra vụ án, chẳng hạn khi hỏi cung thì phải có sự tranh luận, đối chất giữa các bên, sao cho bên buộc tội, gỡ tội đều có cơ hội trình bày ngang bằng, bình đẳng với nhau. Ủng hộ việc bổ sung các cơ quan (như Kiểm ngư, Chứng khoán, Thuế, Hải quan…) được quyền tiến hành điều tra, nhưng ĐB Độ không đồng ý việc các cơ quan này xây dựng kết luận điều tra để chuyển sang Viện, Toà. Các cơ quan này chỉ làm việc khởi tố, tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu chứ không thể mỗi đơn vị đều có điều tra viên được, vì không phải cơ quan điều tra chuyên trách.
Nhắc lại một câu chuyện khiến ông day dứt, ĐB Trần Văn Độ bình luận: “Xét cho cùng việc truy tố 1 con người không phải vì mục đích cuối cùng là bắt người đó đi tù vài năm mà phải quyết định trên cơ sở việc có lợi cho cộng đồng, cho xã hội hay không. Như trường hợp bà Ba Sương ở nông trường Sông Hậu thì không truy tố có lợi hơn”.
ANH PHƯƠNG