“Thập diện mai phục” giấy tờ giả

Sử dụng giấy tờ giả, hoặc dùng thủ đoạn lấy giấy tờ thật để thực hiện giao dịch giả mạo đang là vấn nạn khiến cơ quan chức năng lúng túng, còn tổ chức cá nhân không may trở thành nạn nhân của những vụ giao dịch này thì phải chịu thiệt hại lớn. Trong khi đó, công tác đấu tranh xử lý các đối tượng liên quan dường như chưa đủ sức răn đe. 
Tang vật Công an TPHCM thu được trong một vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh: Công an cung cấp
Tang vật Công an TPHCM thu được trong một vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh: Công an cung cấp

“Lọt cửa” công chứng

Mới đây, Phòng Công chứng số 7 (thuộc Sở Tư pháp TPHCM) tạm giữ một sổ đỏ và chuyển sang Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân để xác minh giấy tờ thật hay giả. Sổ đỏ này được một người mang đến làm thủ tục bán đất. Công chứng viên xem xét, nhận thấy các giấy tờ kèm theo đều là thật, nhưng sổ đỏ có dấu hiệu bị làm giả.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, nhận xét việc giả mạo trong hoạt động công chứng ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn mới hơn. Trước đây chỉ là tráo giấy chứng nhận giả thành thật, giả mạo người đến công chứng. Còn hiện nay, thậm chí có cả băng nhóm sử dụng giấy thật hoặc bằng cách nào đó chiếm dụng giấy thật để thực hiện giao dịch giả mạo. 

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, nêu trường hợp xảy ra ở huyện Bình Chánh, giấy tờ giả mạo đã lọt qua cửa công chứng. Cụ thể, giấy chủ quyền nhà, tờ khai trước bạ, CMND, hộ khẩu là thật, nhưng trang bổ sung cập nhật bị chèn, chỉnh sửa. Do vậy, khi dùng máy soi sẽ không phát hiện được. Ông Hạnh nhận định, tình trạng này diễn ra nhiều nhất là ở các quận ven và huyện của TPHCM.

Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1, chia sẻ, để đối phó với nạn giấy tờ giả như “thập diện mai phục” hiện nay, mỗi tổ chức hành nghề công chứng đều có những cách thức khác nhau để nhận diện. “Nhưng tôi khẳng định, không có công chứng viên nào dám khẳng định rằng giấy tờ giả không thể qua được họ”, ông Hòa thẳng thắn nói. Tại Phòng Công chứng số 1, mỗi tuần đều phát hiện 2 - 3 vụ giả mạo giấy tờ đến giao dịch. Theo ông Hòa, việc giả mạo ngày càng tinh vi phức tạp, công chứng viên đã làm hết sức nhưng cũng không thể nào phát hiện được hết. Rất nhiều trường hợp công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã bị tòa án kết tội, phải bồi thường. 

Ngăn chặn cách nào?

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công chứng, ông Nguyễn Trí Hòa kể, trước nạn giấy tờ, giao dịch giả mạo, các phòng công chứng ban đầu có lập mạng nội bộ trên các ứng dụng như Viber, Zalo để thông tin cho nhau ngay khi phát hiện sự việc. Nhưng đây không phải cách làm căn cơ, mà chỉ là anh em trong nghề tự thông tin cho nhau để “đỡ được chút nào hay chút đó”. Hiện nay, mỗi nơi đều có những cách khác nhau, như mời tập huấn, trang bị máy soi, nhưng ông Hòa cũng thừa nhận những cách này chỉ giúp được phần nào chứ không thể phát hiện hết được. 

Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, đến nay sở chưa phát hiện trường hợp công chứng viên nào cấu kết với tội phạm để lừa đảo người dân. “Vừa qua, TPHCM mới chỉ ủy quyền cho quận huyện kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trong nước, nếu thuận lợi, Sở Tư pháp TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM ủy quyền các hoạt động tư pháp khác. Tôi nghĩ với sự tham gia của nhiều hệ thống từ TP xuống đến quận huyện, phường xã và nếu phối hợp tốt thì không riêng giấy tờ giả mà các vấn nạn khác cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, hạn chế được thiệt hại cho người dân”, ông Hạnh cho biết. 

Góp ý thêm, ông Nguyễn Trí Hòa cho rằng để đấu tranh với tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, cần xem xét đến việc xử lý hình sự việc giả người, giả giấy tờ. Trong thực tế, việc xử lý hình sự người yêu cầu công chứng vi phạm rất ít. Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng phải bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Tuy nhiên, theo ông Hòa, chỉ cần có hành vi giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản đã là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe. Bởi nếu hành vi này không được phát hiện kịp thời thì sẽ gây thiệt hại lớn.

Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo

Tại TPHCM từng có trường hợp bị đánh tráo giấy chủ quyền giả lấy giấy thật. Cụ thể, sau khi rao bán nhà thì có người đến hỏi mua rồi mượn bản photocopy sổ đỏ và các giấy tờ liên quan khác của chủ nhà, với lý do chuyển cho công chứng để soạn thảo trước hợp đồng hoặc đi kiểm tra tính pháp lý và hẹn ngày đặt tiền cọc. Đến ngày hẹn, đối tượng yêu cầu xem bản gốc sổ đỏ trước khi giao tiền. Nhân lúc chủ nhà không để ý, đối tượng sẽ đánh tráo lấy sổ đỏ thật. Sau đó, những người này đóng giả làm chủ nhà, công khai thực hiện giao dịch. 

Tháng 10-2018, TAND TPHCM xét xử vụ án xảy ra ở quận Gò Vấp. Sau khi đã bán nhà, sang tên cho chủ mới thì người chủ cũ thuê lại để ở trong 1 năm. Trong thời gian này, người chủ cũ thuê người làm giả giấy chủ quyền rồi đem bán nhà với giá 1,8 tỷ đồng, trong đó đã nhận 650 triệu đồng tiền cọc. Kết quả, người chủ cũ bị xử phạt 10 năm tù cho 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong giao dịch nhà đất, người mua cần lưu ý một số chi tiết như độ mới cũ của sổ, chẳng hạn sổ được cấp đã lâu nhưng nét mực in còn mới, chú ý kiểm tra kỹ những sổ có ép plastic, tìm hiểu kỹ về đối tượng giao dịch, kiểm tra lại sổ tại phòng TN-MT, văn phòng đăng ký đất đai địa phương, văn phòng công chứng…

Tin cùng chuyên mục