Thuyết phục khách hàng bằng xử lý sự cố nhanh
37 tuổi đời, 17 năm với nghề điện, anh Đỗ Tiến Trung là tấm gương tự học để cùng một thời gian lấy được 2 bằng cử nhân Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Mở TPHCM và kỹ sư điện Trường Đại học Điện lực. Anh Trung nhớ lại khi là thành viên Đội quản lý lưới điện, khối lượng công việc của tổ trực rất lớn, hàng ngày tiếp nhận hàng loạt cuộc gọi của khách hàng hỏi, từ việc sửa điện, cúp điện đến những thắc mắc khác. Bận rộn, mệt nhọc là thế, nhưng anh vẫn tự nhắc mình phải luôn bình tĩnh, lịch sự với khách hàng.
Anh nói: “Khi người dân, doanh nghiệp gặp sự cố về điện thường bức xúc phản ứng tức thì, tôi lấy việc xử lý thật nhanh để có điện trở lại cho khách hàng bằng lòng”.
Hàng ngày, sau khi sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho anh em, anh Đỗ Tiến Trung lại ngược xuôi khắp mọi ngõ ngách trên địa bàn huyện Hóc Môn để kiểm tra lưới, trạm biến áp, hành lang tuyến, nhờ vậy kịp thời phát hiện, hoán chuyển sự lệch pha, nhằm giảm sự cố và tổn thất. Khi chuyển về làm việc tại Phòng Kỹ thuật và An toàn, những suy nghĩ, tìm tòi sáng kiến luôn thôi thúc anh, từ việc sáng tạo ra những thiết bị đảm bảo an toàn cho công nhân, người dân, đến thực hành tiết kiệm điện. Sáng kiến “Lắp nắp bịt đầu ống PVC 114 để chống chạm chập cáp xuất gây sự cố lưới điện do động vật bò vào cắn phá” đem lại lợi ích thiết thực, góp phần đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Sáng kiến này của anh được Tổng công ty Điện lực TPHCM áp dụng cho 16 công ty điện lực trên toàn địa bàn TP, giúp giảm chi phí, tiết kiệm gần 1,1 tỷ đồng/năm.
Một sáng kiến khác là “Thiết kế bộ chằng tạm trong công tác trồng mới trụ, thay trụ và rúng trụ nghiêng”, đã giảm được 3 nhân công và 1 ca cẩu thực hiện khi rúng 1 trụ. Bình quân trong năm thực hiện rúng trên 25 vị trí, do đó số công nhân giảm được 75 người và 25 ca cẩu, giảm được 5 giờ làm việc liên tục cho mỗi công nhân thực hiện (giảm 375 giờ/75 công nhân). Tổng chi phí tiết kiệm cho tổng công ty trên 3,2 tỷ đồng/năm.
Tính từ 2015 đến 2017, với 8 sáng kiến thiết thực của mình, kỹ sư Đỗ Tiến Trung đã giúp cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM tiết kiệm 6,3 tỷ đồng và nhiều nhân công, lợi ích hữu hình khác.
Lưu tâm việc nhỏ để có sáng kiến lớn
Để đưa ra được những giải pháp mang lại những giá trị lớn, theo kỹ sư Đỗ Tiến Trung, ngay từ những việc nhỏ cũng phải hết sức lưu tâm, để từ đó mới có những sáng kiến trên thực tiễn công việc. Có những sáng kiến, giải pháp không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ từ lãnh đạo đến đồng nghiệp. Tất cả cùng đầu tư thời gian, công sức, ý tưởng để đưa ra giải pháp tối ưu. Đặc biệt, cần phải phát huy sức sáng tạo của những kỹ sư, công nhân trẻ trong công ty. Trong đó, ngoài truyền lửa nhiệt huyết qua những công việc hàng ngày thì cần tạo động lực cho lớp trẻ phát triển về nghề nghiệp, thu nhập, công việc làm ổn định, qua đó mọi người sẽ cảm thấy yêu nghề và sẵn sàng cống hiến cho công việc.
Từ những sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả công việc, kỹ sư Đỗ Tiến Trung vinh dự được nhận hàng chục bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo như bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công thương, bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn Điện lực Việt Nam... |
Nhận xét về anh, công nhân Nguyễn Thanh Hùng (17 năm tuổi nghề) bày tỏ: “Tận tâm với công việc và biết cách truyền lửa nghề cho anh em công nhân, kỹ sư Đỗ Tiến Trung thực sự là tấm gương của chúng tôi”. Ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn, không giấu được tự hào khi nói về cấp dưới của mình: “Trong công việc, Đỗ Tiến Trung là người có kỷ luật, nhiệt tình, tâm huyết, cẩn thận, không ngại gian khó, luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Bất cứ khi nào thiết bị điện trong đơn vị gặp sự cố, cần cải tiến, Trung luôn trăn trở, tỉ mẫn nghiên cứu, sáng tạo ra những thiết bị giúp cho công tác an toàn điện của đơn vị ngày càng hoàn thiện hơn. Trong cuộc sống, Trung là người sống khiêm tốn, luôn quan tâm đến đồng nghiệp”.