Thắp lửa trái tim

Đầu tháng 2-2014, các hộ nông dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội chợt thấy xuất hiện một chàng trai trẻ cao to có cái tên Châu Lê Minh, một mình một ngựa là chiếc xe bán tải cũ kỹ, mò mẫm về các vùng quê tìm những hộ nông dân nghèo trồng rau sạch nhưng không biết bán cho ai.

Đầu tháng 2-2014, các hộ nông dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội chợt thấy xuất hiện một chàng trai trẻ cao to có cái tên Châu Lê Minh, một mình một ngựa là chiếc xe bán tải cũ kỹ, mò mẫm về các vùng quê tìm những hộ nông dân nghèo trồng rau sạch nhưng không biết bán cho ai.

Bằng kinh nghiệm thực tế và kiến thức được tích lũy từ những năm tháng du học bên nước Mỹ xa xôi, sau khi kiểm tra, đảm bảo đúng là rau sạch hữu cơ, anh bắt đầu đặt vấn đề hợp tác lâu dài theo phương thức: người nông dân được hỗ trợ quy trình trồng và cung cấp nguồn hàng đảm bảo chất lượng, anh sẽ xây dựng chiến lược đầu ra, áp dụng quy trình quản lý, vận hành chuyên nghiệp để giúp người tiêu dùng có rau sạch để ăn, còn người nông dân trồng rau sạch có đầu ra và cuộc sống ổn định…

Cuối tháng 2-2014, người ta thấy trên mạng xã hội xuất hiện cái tên gây tò mò “Rau Yêu thương”, với phương châm: “Kết nối trực tiếp những tấm lòng của người tiêu dùng với những người nông dân khó khăn và những mảnh đời bất hạnh thông qua việc chuyển tiếp rau sạch và tổ chức các hoạt động từ thiện” để gây quỹ giúp chính những người nông dân nghèo vượt qua nghịch cảnh và vươn lên.

Chủ nhân của trang mạng đó không ai khác chính là Châu Lê Minh. Và rồi, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi “một mình một ngựa” tìm kiếm, kiểm tra, kết nối cung cầu, trực tiếp giao hàng cho khách, đầu tháng 4 vừa qua, anh đã kết nối và tập hợp được một đội ngũ gần 20 bạn trẻ, mỗi người một khả năng chuyên môn khác nhau nhưng có cùng tâm nguyện, cùng hình thành nên một bộ máy hoạt động chuyên nghiệp vì mục tiêu cao đẹp. Hiện tại, ngoài địa bàn Hà Nội, “Rau Yêu thương” đã và đang vươn ra các tỉnh Hải Dương, Nam Định…

Tương tự, cách đây ít lâu, nhiều người lấy làm lạ về 4 chàng trai Như Phúc, Quang Hưng, Văn Sơn và Đức Thọ, cùng 30 tuổi, đều là dân công nghệ thông tin, đang có việc làm ổn định tại Hà Nội, nhưng lại cùng nhau quyết định bỏ nghề công nghệ thông tin để xây dựng dự án trồng rau sạch. Không biết gì về nông nghiệp, chỉ vì nhận thấy người dân Việt Nam hiện nay đang khốn khổ vì bị đầu độc bởi những nguồn thức ăn nhiễm bẩn, các anh đã lặn lội đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật trồng rau, sau đó về Mộc Châu - Sơn La mua đất lập trang trại trồng rau sạch. Tất cả đều với “một niềm tin không hối tiếc là có thể giúp xã hội có rau sạch để ăn, đồng thời bản thân có thể làm giàu từ đó”. Cũng với cách quản lý tương tự “Rau Yêu thương”, sau một thời gian thử nghiệm và áp dụng mô hình tin học hóa trong quản lý, đến nay họ đã trồng rau sạch thành công và có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường…

Giữa lúc xã hội ngày nào cũng rộ lên những thông tin tiêu cực, không cướp giựt, đâm chém thì cũng tham ô lãng phí, tranh giành kèn cựa, kéo nhau ra tòa vì lợi ích cá nhân ích kỷ… người ta chợt thấy những chàng trai cô gái ở những câu chuyện kể trên như những mầm xanh hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Quả thật, nếu “vén qua bức màn tiêu cực”, chúng ta sẽ nhận ra cũng ngày càng nhiều những tấm gương đang nỗ lực không ngừng để đem khả năng, trí tuệ của mình đóng góp, cống hiến cho xã hội bằng trái tim yêu thương, chia sẻ. Mỗi người tuy một hoàn cảnh, vị trí khác nhau; nhưng trước những hoàn cảnh thương tâm, nghèo khó, bệnh tật không nơi nương tựa, không tiền thuốc thang; nơi công khai, chốn âm thầm, hàng loạt phong trào tình nguyện với những “nồi cháo nghĩa tình”, “quỹ tấm lòng vàng”, “áo ấm biên cương”… lại dấy lên, lan tỏa rộng khắp mọi miền đất nước. Chỉ cần gõ Google, trong chưa đầy 1/3 giây, bạn đã thấy xuất hiện hơn 3 triệu cụm từ “quỹ từ thiện”, “quỹ thiện tâm”, “quỹ tấm lòng vàng”… Họ có khi là doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ…; có khi là công nhân, người lao động tự do; có người có điều kiện kinh tế khá giả, có người cũng nghèo khó như ai, nhưng họ đều có một trái tim nhân hậu, biết thổn thức trước cuộc sống, sẵn sàng san sẻ những gì mình có với đồng bào, đồng chí, đồng loại…

Chỉ có tình yêu thương, con người mới có thể mang lại cho nhau sự sẻ chia, đùm bọc. Chỉ có tình yêu thương, con người mới có thể chữa lành những vết thương theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chỉ có tình yêu thương, con người mới có thể đẩy lùi tiêu cực và xây dựng được một xã hội mới của hòa bình và thịnh vượng thật sự.

Xã hội đang cần đổi mới. Đất nước đang cần đổi mới. Thế giới đang cần đổi mới. Thế nhưng để sự đổi mới ấy có thể diễn ra theo chiều hướng tích cực, trước hết mỗi chúng ta cần phải đổi mới chính mình. Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, mỗi người hãy thắp lên ngọn lửa trong trái tim mình để cùng nhau góp phần xây dựng nên một xã hội mới tốt đẹp hơn, theo một cách thiết thực như tâm niệm của các thành viên “Rau Yêu thương”: “Hãy làm việc từ tâm để mang lại lợi ích cho tôi, cho chúng ta và cho toàn xã hội”.

PHẠM TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục