Tính đến nay đã có 80% tuyến hẻm trên địa bàn quận 3 (TPHCM) được phủ kín mạng lưới đèn dân lập, với tổng số tiền do người dân tự nguyện đóng góp lên đến 2,3 tỷ đồng.
Dò dẫm bước đầu
Từ trước năm 2013, toàn bộ mạng lưới đèn dân lập trong các ngỏ hẻm trên địa bàn quận 3 đều do người dân tự câu móc và gắn bóng đèn để thắp sáng. Năm 2010, tại địa bàn phường 5, mạng lưới đèn dân lập được thay mới đường dây và bóng đèn tiết kiệm điện bằng nguồn vốn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Từ cách làm này, Công ty Điện lực Sài Gòn đã phối hợp với phường 9 để triển khai thí điểm hệ thống đèn dân lập tại hẻm số 62 đường Nguyễn Thông.
Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn thi công kéo lưới điện cho mạng lưới đèn dân lập
Từ dự án tài trợ đến cách làm thí điểm cho thấy việc triển khai, mở rộng là khả thi, nên từ năm 2013, quận 3 đã kết hợp với ngành điện chọn phường 12 làm nơi đầu tiên để thực hiện xã hội hóa mạng lưới đèn dân lập trước khi triển khai đồng loạt cho 13 phường còn lại. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND phường 12, cho biết: “Phường cùng ngành điện lực khảo sát, lập dự toán. Riêng kinh phí khảo sát, thiết kế, lắp đặt do ngành điện lực hỗ trợ. Cái khó là huy động sức dân”. Dự toán ban đầu hơn 296 triệu đồng, gồm chi phí mua 8.354m cáp, 372 bộ đèn compact, 15 bộ hẹn giờ tắt mở. Để nhận được sự đồng thuận của dân, phường đã in và phát hơn 2.000 thông báo về chủ trương cải tạo hệ thống đèn, tổ chức 13 buổi họp để giải đáp thắc mắc của dân, ngành điện lực cũng cử cán bộ tham gia để trình bày các giải pháp kỹ thuật. Kết quả ngoài dự kiến: 1.500 hộ dân đã đóng góp 292 triệu đồng để triển khai công trình và công trình đã hoàn thành vào dịp cuối năm 2013.
Chuẩn bị cán đích
Sau phường 12, đến phường 2 và kết quả cũng thật khả quan: 39/39 tuyến hẻm đều có mạng lưới đèn dân lập. Cứ thế lần lượt đến các phường còn lại như phường 1, 3, 4, 5, 6, 9, 13… Riêng hai phường 11 và 14 đang trong quá trình triển khai khảo sát, lắp đặt để hoàn tất trong tháng 10-2016. Mới đây, việc cải tạo hệ thống đèn dâp lập ở hẻm 430 (khu phố 3, phường 11) cũng đã được làm rất nhanh gọn, vừa hoàn thành ngày 24-8-2016. Hẻm sáng tưng bừng, ai cũng vui.
Để phủ kín mạng lưới đèn dân lập tại quận 3, mức huy động tùy vào sức dân, từ 20.000 - 270.000 đồng/hộ để mua sắm vật tư, thiết bị. Còn công lao động đều do lực lượng đoàn viên thanh niên quận và công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn tự nguyện đóng góp. Hiệu quả của cách làm xã hội hóa đang mang đến những con số bất ngờ: Số tiền ngân sách mà các phường hàng tháng chi trả tiền điện cho đèn chiếu sáng giảm 50% so với trước đây. Như phường 2 chỉ còn 2 triệu đồng/tháng. Riêng tại phường 12, số điện năng tiêu thụ giảm 22% nhờ sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.
Hiệu quả của mạng lưới đèn dân lập còn thể hiện ở việc tình hình an ninh trật tự tại địa bàn được chuyển biến tích cực. Số vụ trộm cắp giảm dần, từ 108 vụ trong năm 2013 chỉ còn 87 vụ trong năm 2015 và 41 vụ trong 7 tháng đầu năm 2016. Tương tự, số vụ cướp giật giảm từ 57 vụ năm 2013 còn 35 vụ năm 2015 và 18 vụ trong 7 tháng đầu năm 2016. Hiệu quả xã hội còn được ghi nhận ở nét mỹ quan đô thị, các tuyến hẻm không còn cảnh dây điện đèn câu móc mất an toàn, nhận thức của người dân về an toàn cháy nổ được nâng cao, ngăn ngừa và hạn chế các thiệt hại do cháy nổ gây ra như trước đây.
Đồng hành với người dân và ngành điện lực, thầy Nguyễn Ngọc Chân, công tác ở Trường Dạy nghề Nhân Đạo (quận 3), cho biết: “Trường đã hỗ trợ vật tư và đưa học sinh tham gia công trình lắp đèn dân lập tại một số phường để các em có điều kiện thực tập, nâng cao tay nghề”. Nói về công trình này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, chia sẻ: “Đóng góp của công nhân điện lực cho công trình thể hiện sự cam kết của ngành về trách nhiệm đối với cộng đồng. Công trình chuẩn bị cán đích và quận 3 là địa phương đầu tiên của TPHCM hoàn thành mạng lưới đèn dân lập đúng chuẩn, an toàn, do dân thực hiện. Phần còn lại, về công tác bảo trì, sửa chữa những hỏng hóc về kỹ thuật, công ty sẽ tiếp tục thực hiện như cam kết với dân”.
THƯ LÊ