
Phải công nhận bộ phim quay khá đẹp. Những triền dốc, căn nhà nhỏ... đã vẻ nên vẻ lãng mạn của một Đà Lạt mộng mơ. Nhân vật nữ chính trong phim cũng đẹp, nét đẹp kiêu sa, sang trọng khác hẳn với với hoàn cảnh mà cô đang sống. Hoàn cảnh của một người phụ nữ làm nghề vẽ tranh chợ sống cô đơn cùng với một cô con gái nhỏ. Một hoàn cảnh được xem là khá chật vật mới đủ sống, thậm chí đôi lúc còn phải nhờ vào sự trợ giúp của người hàng xóm tốt bụng… Có lẽ sự phi lý ngay từ đầu này đã khiến người xem cảm thấy khó thuyết phục.Nhưng phải thừa nhận chất lãng mạn, bay bổng trong câu chuyện phim đã phần nào che chắn bớt những hạt sạn khá to trong phim.

Nguyễn Phi Hùng vai Thắng và Ngân Hà vai vợ Thắng.
18 tuổi, cô gái trẻ Bích Hằng (Thủy Hương) sống ở một miền biển đã phải bỏ nhà ra đi vì bào thai trong bụng và vì người đàn ông mà cô yêu đã “quất ngựa truy phong”. Một thân một mình lên Đà Lạt, Hằng đã được một người đàn ông tốt bụng là Tư cô đơn (Công Ninh) cưu mang giúp đỡ. Gần 10 năm chọn cuộc sống ẩn dật cho đến một ngày Hằng quyết định mời thầy về dạy đàn cho con gái.
Thầy giáo trẻ mặc dù đã có vợ nhưng sau những lần đến nhà dạy nhạc cho cô học trò nhỏ bỗng cảm thấy rung động với người mẹ. Anh rung động trước tâm hồn cô đơn của một người phụ nữ, trước bức tranh người mẹ vẽ về mình qua hình ảnh một con mèo ôm trong lòng cả vũ trụ, trước những cái tên mà mẹ con cô bé đặt cho những món đồ vật trong nhà như cây đàn là “suối”, tấm nệm là “êm êm”, cửa sổ là “mắt bão” và trước cả bài nhạc “Lãng du” mà người phụ nữ rất say mê…
Hai tâm hồn vừa hút vào nhau lại vừa trốn chạy nhau bởi mặc cảm tội lỗi… Để lý giải cho tâm lý ngoại tình của Thắng, đạo diễn đã để cho anh và người vợ trẻ tối ngày gây lộn. Chỉ tiếc rằng những cuộc cãi vã của cặp vợ chồng này dường như chẳng có nguyên nhân, khiến cho người xem có cảm giác rất phi lý. Ngoài câu chuyện éo le của Hằng và Thắng, một tuyến nhân vật nữa là Tư cô đơn và Tư hàng bông cũng được phát triển.
Tư cô đơn âm thầm đau khổ với mối tình thầm kín mà anh dành cho người phụ nữ mà anh cưu mang, còn Tư hàng bông (Phương Thanh) cũng đơn phương ôm trong lòng mối tình dành cho anh chàng cộc cằn, thô lỗ là Tư cô đơn… Có thể nói, tuyến nhân vật phụ này đem lại sự hài lòng cho khán giả nhiều hơn là tuyến nhân vật chính. Công Ninh một lần nữa thể hiện sự già dặn từng trải của một diễn viên gạo cội, còn Phương Thanh ngược lại tỏ ra là một diễn viên tay ngang khá có duyên với điện ảnh bởi nét diễn hóm hỉnh, mộc mạc của mình…
Điều khó hiểu nhất trong phim là chi tiết một anh chàng khùng ngày ngày ôm hoa đứng ở ngã tư đường chờ đêm xuống đến gõ cửa nhà cô Hằng để tặng hoa. Một anh chàng có gương mặt giống hệt với kẻ đã bỏ rơi Hằng ở quê nhà. Anh chàng mà thậm chí đến phút cuối nhân vật nữ chính cũng không xác định nổi có phải người yêu cũ của mình hay không? Còn khán giả thì không hiểu nổi ý đồ của đạo diễn về sự xuất hiện của nhân vật “từ trên trời rơi xuống này” là gì?
* Đạo diễn Lý Khắc Linh, Vương Quang Hùng, Hãng phim tư nhân Á Châu sản xuất; Phim đang chiếu tại các rạp trong thành phố.
Hà Giang