Bạn sẽ thế nào đây nếu đội bóng của bạn, tham gia một giải đấu nào đó, và thua với tỷ số 1-10? Có người sẽ nói: “Vui mà, chơi là chính” khi họ ý thức rằng đội bóng của mình quá yếu, và đối thủ quá mạnh. Nhưng cũng có người sẽ rất buồn, bực bội, thậm chí có kẻ còn thất vọng bỏ luôn nghiệp bóng đá mới chớm bởi họ vội vàng nhận ra rằng thế giới ấy không thuộc về mình. Nói chung, một thất bại như thế rất có thể là một thảm họa, để lại dấu ấn nhớ đời.
Wenger đã thất bại 1-10, khi ông còn khoác áo Duttleinhem, năm ông 19 tuổi. Đội bóng “làng” ấy thi đấu với Mutzig, một đội bóng đứng trên họ 5 hạng đấu (chứ không phải là... 5 ở bậc trên bảng xếp hạng), ở một giải cúp, và thất bại thảm hại. Nhưng Paul Fluck, đội trưởng của Mutzig, bên chiến thắng, lại ấn tượng với một cầu thủ bên phía thua cuộc. “Hôm nay tôi được chứng kiến một cầu thủ rất giỏi”, Fluck nói trong phòng thay đồ, “anh ta không phải bên đội mình. Đó là gã cao cao tóc vàng bên phía bên kia”. Gã ấy là Wenger.
Wenger vốn thấp bé nhưng đến năm 17 tuổi thì ông lại nhổ giò, vọt lên đến 1m87. Ông chơi bóng không tệ. Trận thua 1-10 nhưng vẫn được ngợi khen ở tư cách cá nhân đủ chứng minh chất lượng chơi bóng của ông ra sao. Nhưng ông nhận ra từ sau trận thua đó triết lý của mình. Ông không thể làm cầu thủ chuyên nghiệp. Ông phải làm HLV chuyên nghiệp.
Khát vọng đúng đắn, đó là tiêu chí đầu tiên trong 4 tiêu chí của Wenger trong bóng đá. Và việc khát vọng thể hiện mình trên băng ghế huấn luyện đã chứng minh rằng Wenger vạch ra một triết lý chuẩn xác thế nào. Ông giữ sự kiên định để khẳng định khả năng cầm quân của mình, bất chấp sóng gió cỡ nào. Và chính nhờ vào sự kiên định đó, ông đã vượt qua mọi giễu nhại của truyền thông Anh quốc ở những năm đầu dẫn dắt Arsenal để vươn lên tầm một HLV vĩ đại bậc nhất lịch sử giải đấu.
Hành vi và thái độ phải đúng đắn, đó chính là tiêu chí thứ 2 và thứ 3 trong triết lý 4 điểm của Wenger. Nhắc đến hành vi, thái độ, chắc chúng ta nhớ ngay đến những xô đẩy của ông với Mourinho. Cái đó là ngoại lệ. HLV không phải là thánh, đủ sức thoát ra khỏi sân si đến mức vô vi. Ông cũng phải có những phản ứng tâm lý của người bình thường, nhất là khi cơn nóng giận của ông đã bị dồn đến chân tường. Nếu chúng ta nhìn vào cách ông đùa giỡn trong phòng họp báo, khi một phóng viên trêu chọc ông về chiếc điện thoại để ghi âm bên cạnh đổ chuông rằng: “Mourinho gọi đấy”, ông vẫn tươi cười cầm máy lên và nói “A lô”. Điều đó cho thấy Wenger không ngại ngần gì việc đối diện Mourinho. Chỉ có điều, ông không thích đối diện mà thôi. Còn khi cần, ông vẫn có thể làm với một thái độ cởi mở và lịch thiệp.
Niềm tin là tiêu chí cuối cùng, và quan trọng nhất, đối với Wenger. Quan điểm của ông là chúng ta sống luôn cần có ai đó tin mình. Chỉ có niềm tin mới là nền tảng tinh thần lớn nhất trong việc xây dựng một đội bóng. Cầu thủ phải tin HLV, và tin lẫn nhau. HLV cũng phải biết tin vào cầu thủ. Và vượt trên hết, đội bóng rất cần niềm tin từ người hâm mộ. Chỉ có niềm tin đó mới cho thấy họ đang đi đúng hướng, họ không bị xem thường và họ vẫn luôn được trân trọng qua những nỗ lực mỗi ngày.
Đội bóng của Wenger đã trải qua hơn chục năm không danh hiệu cao quý nào. Và đã có những người mất lòng tin vào họ, quay lưng lại với chính Wenger. Điều đó, nhiều khi khiến chúng ta nghĩ về ông một cách tiêu cực, với câu hỏi kiểu như: “Đến giờ này mà ông còn chưa chịu nghỉ?”. Nhưng suy cho cùng, từ sau câu chuyện của một Wenger thảm bại 1-10 mà vẫn vươn tới để trở thành 1 HLV hàng đầu, chúng ta mới nhận ra rằng thất bại không phải là sụp đổ.
Thất bại chính là điểm tựa để chúng ta nhận ra chân xác hơn mình đã làm những gì, còn chưa làm được gì và cần phải làm gì. Không phải ai cũng có được ý thức đó, như Wenger. Và chính vì ông đã vượt qua thất bại nặng nề kia một cách ngoạn mục, chúng ta mới hiểu tại sao ông vẫn kiên định trước mọi thử thách lớn của hơn 10 năm qua, và bắt đầu vận hành lại một Arsenal khởi sắc như chuỗi trận vừa qua.
Nhiều người nói, đây sẽ là mùa bóng bước ngoặt của Arsenal, khi họ có được những bổ sung đúng đắn và các cầu thủ trẻ bắt đầu vượt qua giới hạn cản trở họ suốt một thời gian dài (mà Walcott là điển hình). Và điều đó làm chúng ta cảm nhận rằng, Wenger đã đúng khi kiên định tin vào họ, bất chấp đã có những người không tin vào ông, mà Fabregas, Nasri, Sagna, Clichy, Debuchy... là những tấm gương điển hình nhất.
Nếu họ cùng ông đi qua thất bại, với một thái độ tích cực, có lẽ Arsenal đã không sụp đổ suốt 10 năm vừa qua...
HÀ QUANG MINH