Thầu xây nhà, thực tập có phải nộp thuế?

Thời gian qua, mục Tư vấn kinh tế - pháp luật của Báo SGGP nhận được nhiều thắc mắc liên quan đến lĩnh vực thuế; đặc biệt là việc cá nhân nhận thầu xây dựng nhà và người thử việc có phải nộp thuế? 

 

Cá nhân xây dựng công trình trên 100 triệu đồng phải nộp thuế. Ảnh: THÀNH TRÍ
Cá nhân xây dựng công trình trên 100 triệu đồng phải nộp thuế. Ảnh: THÀNH TRÍ
Doanh thu trên 100 triệu đồng phải nộp thuế

Nhiều người thắc mắc, gia đình ký hợp đồng thuê cá nhân thầu xây dựng công trình thì có phải nộp thuế, ai sẽ là người nộp thuế? Đây là hoạt động rất thường gặp trong xã hội nhưng rất ít người nắm luật. Một số chi cục thuế cũng đã thu thuế xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với hộ gia đình, cá nhân. Thậm chí, nếu hộ gia đình không nộp thuế sẽ không được cấp phép xây dựng. Và người dân không hiểu quy định nào buộc họ phải nộp thuế nên dẫn đến tranh chấp.

Về vấn đề này, Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, chủ thầu xây dựng (người ký hợp đồng nhận thầu hoặc nhận thi công công trình cho người khác) có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải có trách nhiệm nộp thuế. Như vậy, người phải nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân nhận thầu công trình chứ không phải người thuê xây dựng công trình (chủ nhà). 

Thế nhưng, do chủ thầu xây dựng thường là những cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định hoặc người ở nơi khác đến nhận thi công khiến việc quản lý thu thuế của cơ quan thuế rất khó khăn. Đó là lý do vừa qua có cơ quan thuế đã phối hợp với nơi cấp phép xây dựng để thu thuế. Nhưng do người xin phép xây dựng là chủ nhà, nên thu đối với họ khi xin phép xây dựng là không đúng đối tượng. Hơn nữa, không ít gia đình xin phép xây dựng nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu nên không biết nhà thầu là ai để yêu cầu họ nộp thuế trong quá trình xin giấy phép xây dựng. Do vậy, việc thu thuế trong quá trình cấp phép xây dựng sẽ không khả thi và không đúng đối tượng. 

Tuy nhiên, để tránh thất thu thuế, cơ quan thuế có thể phối hợp với cơ quan cấp phép xây dựng; trong quá trình xin phép xây dựng, cơ quan cấp phép yêu cầu người xin phép kê khai cả đơn vị thầu để cơ quan thuế theo dõi, thu thuế. Thậm chí, nếu người dân hợp tác có thể kê khai, nộp thay cho chủ thầu xây dựng - rồi sau đó cấn trừ lại với thầu xây dựng sau. Nếu không, lúc người dân đến nhận giấy phép xây dựng, cơ quan thuế đề nghị cung cấp thông tin chủ thầu xây dựng, thông báo cho người dân dự kiến mức thuế phải nộp và đề nghị người dân cam kết khấu trừ tiền thuế khi thanh toán tiền công cho chủ thầu xây dựng. 

Thực tập cũng phải nộp thuế

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nhân viên thực tập, tập sự chưa phải là người của công ty nên không kê khai, nộp thuế và khấu trừ thuế đối với họ. Hầu hết công ty không thu thuế thu nhập cá nhân đối với người tập sự, thử việc. Thế nhưng, theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC (của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân) và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì khi doanh nghiệp ký hợp đồng học việc với nhân viên thực tập thì khi chi trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho nhân viên thực tập. Thông tư này quy định rõ: “Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập”. Do vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khấu trừ thuế khi chi trả. 

Theo đó, người lao động và doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ, đối với những cá nhân có ký kết hợp đồng lao động chính thức, đến lúc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động thì những khoản trợ cấp thôi việc, người lao động nghỉ việc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Còn đối với khoản tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công chi trả cho người lao động thì khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần. 

Ngay cả các khoản hỗ trợ tài chính mà doanh nghiệp trả thêm cho người lao động sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động, nếu khoản chi này từ 2 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với mức 10% trên tổng thu nhập chi trả, không phân biệt người nhận chi trả có mã số thuế hay chưa.

Còn đối với người lao động, người thử việc mà chỉ làm việc tại một nơi duy nhất, bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân ngay lúc chi trả thì theo hướng dẫn tại Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân làm Bản cam kết 23/CK-TNCN chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty mà tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của cá nhân đó. Tuy nhiên, việc cam kết này chỉ áo dụng đối với người đã có mã số thuế thu nhập cá nhân - để cơ quan thuế có thể kiểm tra sau.

Tin cùng chuyên mục