Tờ La Croix của Pháp nhấn mạnh đến 3 “đòn bẩy” thiết yếu để bảo vệ khí hậu. Thứ nhất, giảm tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu năng lượng của thế giới ngày càng cao và tốc độ sử dụng cũng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế. Ngành năng lượng là lĩnh vực phát thải hơn 1/3 tổng lượng khí CO2, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. “Thủ phạm chính” thì ai cũng biết là than đá, với 2 nước tiêu thụ nhiều nhất toàn cầu là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, than đá là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện (40% tổng sản lượng toàn thế giới) và 2/3 số nhà máy nhiệt điện than nằm ở châu Á.
Thứ hai là điều chỉnh thói quen ăn uống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng đất đai tốt hơn sẽ đóng vai trò quyết định để chống biến đổi khí hậu. Ủy ban EAT-Lancet, quy tụ 37 nhà khoa học thuộc 16 quốc gia, chuyên nghiên cứu về chế độ ăn uống và phát triển bền vững, thậm chí còn khẳng định là để bảo đảm môi trường khí hậu được gìn giữ lâu bền thì không có đòn bẩy nào tốt hơn là thay đổi thói quen ăn uống. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác rừng và các hoạt động khác sử dụng đất đai thải ra chiếm tới 28% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người gây ra.
Trước tiên, đó là vì phương thức sản xuất nông nghiệp thông thường thải ra rất nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí N2O do việc sử dụng phân đạm tổng hợp gây ra. Hoạt động chăn nuôi bò thì lại xả thải nhiều khí methane. Ngoài ra, việc đất đai bị khai thác quá nhiều, bị suy thoái đã làm giảm khả năng lưu giữ khí CO2. Và việc rừng, vốn được coi là “giếng hút CO2” bị phá để lấy đất trồng đậu tương phục vụ chăn nuôi hoặc trồng cọ để chế biến dầu cọ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn, cũng góp phần thu hẹp, “xóa sổ” các “giếng hút CO2”.
Cuối cùng là thay đổi phương thức giao thông vận chuyển. Máy bay thải khí CO2 nhiều hơn 1.500 lần so với tàu hỏa. Chính vì thế mà từ vài tháng nay, tại Thụy Điển có phong trào Flygskam. Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi di chuyển bằng máy bay, người dân đất nước Bắc Âu kêu gọi mỗi người chủ động giảm đi máy bay. Giao thông hàng không mới chỉ thải ra 2% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng theo dự báo, đến năm 2037, số lượng các chuyến bay tăng gấp đôi, và lượng CO2 phát thải ra môi trường cũng tăng nhiều gấp 2 lần. Giao thông là một trong những lĩnh vực mà lượng khí phát thải không ngừng tăng. Theo một thống kê, hiện 15% lượng khí CO2 thải ra là từ lĩnh vực giao thông vận chuyển.
Nhưng thay đổi phương thức chuyên chở không phải là điều đơn giản. Ví dụ từ năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đến năm 2050 sẽ giảm 60% lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, tổ chức Greenpeace nhận định, để đạt được mục tiêu trên, EU phải từ bỏ các xe chạy bằng xăng, diesel và hybrid trước năm 2028...