Trong gian phòng yên tĩnh ngào ngạt mùi thơm thuốc Nam, vị bác sĩ già dáng người quắc thước, gương mặt hồng hào, ngồi nơi chiếc bàn từ tốn chẩn bệnh, động tác khoan thai. Ông nhẹ nhàng hỏi han bệnh tình, đo huyết áp, bắt mạch, sau một hồi trầm ngâm, ông ra một toa Đông dược cho bệnh nhân. Ông là Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Đỗ Hữu Định, hiện đang là chủ nhiệm Phòng khám Y học Dân tộc, 181 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM.
Sớm kết duyên Đông y
Sinh năm 1932 tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bác sĩ Đỗ Hữu Định năm nay tròn 83 tuổi. Ông vừa được đồng nghiệp, học trò trong giới hoan nghênh và chúc mừng với cuốn sách thật kỳ công quý giá: Đông y Đông dược - Chữa bệnh phòng bệnh Tâm - Tỳ - Phế - Thận - Can. Cuốn sách là công trình 50 năm hành nghề Đông y Đông dược, được bác sĩ Định biên soạn công phu, dày 571 trang, bao gồm 6 chương với 50 bài viết chuyên sâu, đúc kết kinh nghiệm quý giá về điều trị có kết quả nhiều bệnh khó, bệnh mạn tính thuộc các tạng phủ.
Bác sĩ Đỗ Hữu Định bắt mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Tuấn
Bác sĩ Định có sở học uyên thâm, kinh nghiệm dày dạn trong chữa trị bằng Đông y nhưng ít ai biết ông vốn xuất thân Tây y. Mười lăm tuổi, chàng trai trẻ Đỗ Hữu Định rời quê hương Bến Tre tham gia kháng chiến chống Pháp. Mười tám tuổi, Đỗ Hữu Định đã là y sĩ công tác trong ngành y tế. Năm 1950, bác sĩ Định về phụ trách y tế tại Trường Đảng Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Hà Huy Giáp làm hiệu trưởng, đồng chí Lê Duẩn làm hiệu trưởng danh dự. Năm 1952, trong khi chiến khu Việt Bắc lúc bấy giờ vẫn chưa có thuốc Nam thì ở Nam bộ, lớp thuốc Nam đầu tiên được mở, do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cùng 2 lương y khác trực tiếp giảng dạy. Năm ấy tròn 20 tuổi, Đỗ Hữu Định học say mê vì “ham” Đông y lắm.
Năm năm sau ngày giải phóng miền Bắc, bác sĩ Định tập kết ra Bắc, được Bộ Y tế điều động làm Trưởng phòng Nghiệp vụ Ty Y tế tỉnh Nam Hà. Thời gian này, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Quốc hội, đọc diễn văn trước Quốc hội kêu gọi thừa hưởng và phát triển Đông y, được cả hội trường vỗ tay hoan nghênh. Ngày 15-1-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Chỉ thị 101/TTg nội dung Phục hồi, Khai thác, Thừa kế và Phát triển Đông y Việt Nam. Khi có chỉ thị này, Bộ Y tế ra thông tư đề nghị các tỉnh cử những y bác sĩ yêu thích Đông y tựu về học. Năm đó được xem là bước ngoặt lớn trên đường nghề của chàng y sĩ Đỗ Hữu Định. “Tôi bỏ Phòng Nghiệp vụ để đi học và trở thành một thầy thuốc Đông y từ đó. Tôi tốt nghiệp lớp Đông y năm 1965, từ bấy tới nay đã tròn 50 năm…”
“Tôi thích lo cho con người”
|
Khi Việt Nam bắt đầu thành lập Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương, bác sĩ Đỗ Hữu Định là người đặt nền móng đầu tiên cho bệnh viện Đông y cấp tỉnh. Đó là tháng 10-1965, ở huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà, một bệnh viện sơ tán với 30 giường được dựng bên một hồ sen. Đến năm 1969, Mỹ bớt đánh bom miền Bắc, bệnh viện chuyển về ngoại ô thành phố Nam Định (nay là xã Lộc Hạ), bác sĩ Định xin được 1ha đất, cất bệnh viện. Bệnh viện hình thành từ một ụ pháo, làm bằng tranh tre nứa lá nhưng đẹp lắm có đường xe cấp cứu, có tiện nghi, bệnh nhân tìm đến khám chữa bệnh ngày một đông…
50 năm trong nghề, vừa làm quản lý với các chức vụ Bệnh viện trưởng Bệnh viện Đông y tỉnh Nam Hà (1965-1976), Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc TPHCM (1976-1982), rồi Viện phó Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM (1986-1998), nhưng bác sĩ Đỗ Hữu Định vẫn yêu thích được làm công việc chuyên môn của một thầy thuốc, được lăn lộn với cây thuốc, bài thuốc, chữa bệnh cho bệnh nhân… “Ông y tá Định” thời đó đã sớm mát tay lắm. Ai gặp bệnh cũng nhờ đến ông. Mắt vị bác sĩ già lấp lánh niềm vui khi kể những kỷ niệm trong cuộc đời thầy thuốc của mình, sâu sắc thường là những câu chuyện gắn với thời thuốc men còn khó khăn: “Năm 1952, Trường Đảng Trung ương Cục miền Nam đi tới đâu máy bay đầm già theo tới đó bởi trong các học viên có một gián điệp, mãi sau này mới phát hiện. Trường cứ di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng đi xuống Đầm Bà Tường ở tận Cà Mau để đóng quân. Hôm đó, con trai đồng chí Nguyễn Kim Cương là Nguyễn Kim Phong sau khi tắm ở hồ lên thì phát sốt, bụng trướng, da vàng. Lúc đó, tôi đang bắt cá ngoài bãi biển, người nhà đồng chí Cương cho người ra đón về. Chẩn đoán viêm gan cấp ác tính, tôi nghĩ ngay lập tức phải khiến bệnh nhân đi tiêu được. Vậy là một mặt tôi cho nước vào người bệnh nhân để thục tháo, một mặt nhờ người tìm thêm 40g muồng trâu cho vào toa căn bản, đích thân tôi sắc cho bệnh nhân uống. Vừa uống xong, phân xổ ra hết, bụng xẹp, sau 3 thang, vàng da khắc bớt. Rồi thì toa căn bản thay vì cho muồng trâu, tôi cho 10 con giun đất tự tay đi đào về, moi bỏ ruột, rửa sạch cho vào ấm sắc thuốc. Uống thêm 3 thang nữa thì bệnh nhân khỏe hẳn. Thời mới đến với thuốc Nam, tôi đã sớm bạo dạn và có lòng tin, điều quan trọng là tôi thích lo cho con người”…
Khi được hỏi về bí quyết giữ được thần thái tinh anh dù tuổi đã cao, bác sĩ Định tươi cười: “Tôi luôn suy nghĩ tích cực, giữ cân bằng tình chí, ăn uống thanh đạm và sống giản dị. Tôi vui khi chữa bệnh cứu người, chuyên tâm nghiên cứu, viết sách”. Niềm hạnh phúc lấp lánh trên gương mặt khi nói tới sách, ông cho biết thêm sắp tới, ông sẽ bổ sung 4 chương: Ngoại cảm, Cơ xương khớp, Đông y hỗ trợ điều trị khối u và ung thư, Dưỡng sinh vào cuốn sách ông vừa ra mắt. Tuy ông khiêm tốn nói đó chỉ là một đóng góp nhỏ của mình cho nền y học cổ truyền, nhưng những đóng góp của ông đang giúp biết bao trong việc bảo tồn và phát huy nền y học cổ truyền của dân tộc.
LÂM AN
|