
Hiện các ngân hàng luôn giữ của khách hàng số dư tối thiểu trong thẻ ATM từ 50.000đ đến 100.000đ/ thẻ. Việc giữ tiền này rất bất hợp lý, nhiều người đã cho rằng đây là hình thức chiếm dụng vốn… hợp pháp của các ngân hàng!
Giữ tiền bất kể giàu nghèo
Phạm Lê Minh quê ở Bến Tre, là sinh viên năm 4 của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Minh trọ học ở đường Lý Thường Kiệt, quận 10. Để tiện cho việc thanh toán học phí và tiền sinh hoạt phí mỗi tháng do gia đình gửi lên, Minh đã đi lập thẻ ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh trên đường Lý Thường Kiệt. Cứ tưởng ngoài việc đóng phí mở thẻ, Minh sẽ nhận đủ số tiền do gia đình gửi hàng tháng.Thế nhưng, mỗi khi nhận tiền, ngân hàng lại giữ số dư tối thiểu trong tài khoản là 100.000đ.

Nhiều người sử dụng ATM đang bực mình vì tiền bị chiếm giữ mà không biết tại saoẢnh: ĐỨC TRÍ
Minh than: Sinh viên tụi em giàu có gì cho cam, không có tiền phải nhờ sự viện trợ của gia đình và sợ… lỡ tiêu hết tiền nên mới nhờ ngân hàng giữ giùm. Thế mà họ đi giữ lại của tụi em giống như… chiếm dụng vốn! Những lúc bí không còn tiền mà tài khoản còn hơn 100.000đ lại không thể rút ra được!
Chị Bùi Thị Đương quê ở Hà Tĩnh, làm công nhân ở KCN Tân Bình cho biết, từ khi có quy định trả lương qua thẻ ATM, công ty đã đăng ký trả lương qua thẻ cho toàn bộ công nhân thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV. Tuy nhiên thay vì hàng tháng nhận đầy đủ tiền lương thì bây giờ khi đi nhận tiền đã bị giữ lại 100.000đ trong thẻ. Đã thế không biết có lúc “vui vui” làm sao, số dư trong ATM còn hơn 100.000đ cũng hổng cho rút!
Chị Đương cùng các công nhân đi hỏi thì ngân hàng bảo: Do quy định và chỉ cho nhận lại khi không dùng thẻ nữa? Chị Đương tâm sự: ‘Thật ra số tiền giữ lại trong thẻ đối với những người có thu nhập cao thì không là gì cả nhưng đối với người lao động tay chân như chúng em là một khoản không nhỏ, nó có thể giúp công nhân chúng em giải quyết được rất nhiều việc hàng ngày!”.
Thống kê nhanh các điểm giao dịch ATM tại TPHCM, chúng tôi đã ghi nhận được gần như hiện nay ngân hàng nào trên địa bàn thành phố cũng giữ số dư tối thiểu trong thẻ ATM của khách hàng, từ 50.000đ – 100.000đ. Số tiền này khách hàng không được lấy và chỉ lấy khi trả thẻ. Chưa nói đến các thẻ G. card của các ngân hàng như Ngân hàng Công thương Việt Nam - Viettinbank… thì số lưu giữ trong thẻ càng “khủng” hơn, lên tới 1 triệu đồng.
Bất hợp lý
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (trích thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì hiện nay số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước được thực hiện trả lương qua tài khoản là 925.081 tài khoản (tăng 107 % so với cuối năm 2007).
Nếu lấy số tiền nhỏ nhất mà các ngân hàng đang giữ lại của khách hàng là 50.000đ trong một tài khoản nhân với số 925.081 tài khoản đang hưởng lương ngân sách thì số tiền mỗi tháng của khách bị các ngân hàng giữ là 46.254.050.000đ, một số tiền khổng lồ.
Bên cạnh đó, một số liệu khác của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng tưởng của thẻ ATM những năm gần đây tăng rất nhanh, từ 150%-300%/năm. Hiện nay số lượng thẻ ATM do các ngân hàng phát hành trong nước có thể lên đến 11 triệu thẻ.
Nếu lấy con số này nhân với số tài khoản tối thiểu mà các ngân hàng đang lưu giữ thấp nhất là 50.000đ thì số tiền được lưu giữ qua tài khoản ATM của khách hàng hiện nay mà không cần khai báo đã lên tới 550 tỷ đồng. Đây là một con số “bị chiếm dụng” kinh khủng!
Trong khi đó, theo cách lý giải của đại diện Ngân hàng VIBank thì việc ngân hàng này lưu lại số dư tối thiểu trong thẻ ATM của khách hàng nhằm quản lý và xác định đó là tài khoản đang hoạt động, nhằm hạn chế “tài khoản ảo”. Việc này hoàn toàn nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng có thể phục vụ tốt khách hàng (?) và khách hàng được thu hồi số dư này sau khi đóng tài khoản!
Còn đại diện của Trung tâm thẻ của Ngân hàng BIDV thì xác nhận: Hiện tại ngân hàng có lưu giữ tiền của khách hàng ở hai loại trong thẻ ATM là 50.000đ và 100.000đ. Số tiền này khách được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Điều này đã được ngân hàng phổ biến khi khách hàng mở thẻ, mở tài khoản nên việc khách hàng không hiểu nói ngân hàng đang… chiếm dụng vốn là không đúng!
Tuy nhiên, theo lời một chuyên gia kinh tế của thành phố thì đây là việc làm không sòng phẳng của các ngân hàng với khách hàng. Bởi hầu hết phần lớn thẻ ATM hiện nay do nhà nước bắt buộc các đơn vị phải trả lương qua thẻ, nên họ phải đi mở (từ các trường hợp mở riêng do tiệc ích, công việc…) nhưng khi mở thẻ xong các ngân hàng lại đi lưu giữ tiền của chủ thẻ cá nhân là không hợp lý.
Nếu nói để quản lý thì danh sách, số liệu khi kê khai đã có đầy đủ, cần gì phải quản lý bằng lưu giữ tiền. Còn nếu nói thu lệ phí thẻ thì phải công khai cho người ta biết là bao nhiêu để khi đi mở thẻ người sử dụng còn lựa chọn dịch vụ.
Còn khi người ta đã dùng thẻ thì đi giữ tiền như thế này là bất hợp lý, ngân hàng cần phải trả lãi thật sòng phẳng, việc này cần phải công khai, minh bạch. Nếu không thì mọi người sẽ hoài nghi việc giữ tiền này các ngân hàng sẽ làm gì? Có phải là hình thức huy động vốn hay không?.
Thúy Anh