Thế giới: Hơn 100 triệu người buộc phải di tản

Ngày 23-5, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo, số người di tản trên thế giới lần đầu tiên vượt mức 100 triệu người, chủ yếu do chạy trốn bạo lực ở Ukraine và nhiều nơi khác.
Hơn 6 triệu người Ukraine phải di tản ra nước ngoài để tránh xung đột. Ảnh: The Guardian
Hơn 6 triệu người Ukraine phải di tản ra nước ngoài để tránh xung đột. Ảnh: The Guardian

Do thời tiết, xung đột

Thống kê từ Tổ chức Di cư quốc tế, số lượng người di cư quốc tế liên tục tăng mạnh trong khoảng 5 thập niên qua. Châu Âu và châu Á là 2 khu vực được cộng đồng người di cư quan tâm nhiều nhất, mỗi khu vực tiếp nhận lần lượt khoảng 87 và 86 triệu người di cư quốc tế, chiếm khoảng 61% tổng lượng người di cư toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cũng như số lượng người di cư quốc tế, bao gồm các vấn đề về thiên tai, kinh tế, xã hội. 

Trước đó, theo báo cáo thường niên của Trung tâm Giám sát hoạt động di tản nội địa (IDMC, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ), các thảm họa, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, lũ lụt tại châu Á cũng góp phần khiến con người phải di tản. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tổ chức Di cư quốc tế, chiến tranh, xung đột đang nổi lên là những nguyên nhân chính buộc con người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cụ thể, các cuộc xung đột dai dẳng tại nhiều nơi như Syria, Afghanistan và Ethiopia là những yếu tố khiến số lượng người di tản mới trong năm 2021 tăng mạnh.    

Theo báo cáo, tới cuối năm 2021, có 59,1 triệu người phải rời khỏi nơi ở của họ, tăng cao so với mức 55 triệu người trong năm 2020. Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Colombia, Afghanistan và Yemen là các quốc gia ghi nhận số lượng người tha hương cao nhất thế giới. 

Tính đến cuối năm 2021 đã có khoảng 90 triệu người phải di tản do bạo lực diễn ra ở Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2, hơn 8 triệu người dân Ukraine đã phải sơ tán ở trong nước và hơn 6 triệu người phải di tản ra nước ngoài.

Hành động để tránh thảm kịch

Các báo cáo trên đã phản ánh năng lực hạn chế của thế giới trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột. Theo ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, để đảo ngược xu hướng này, câu trả lời duy nhất là hòa bình và ổn định để những người vô tội không bị buộc phải đánh cược giữa nguy hiểm cấp bách ở quê nhà và cuộc sống lưu vong bấp bênh. Bên cạnh đó, để giải quyết các nguyên nhân của việc di dời, chỉ có viện trợ nhân đạo mới giải quyết hậu quả. 

Trả lời phỏng vấn truyền thông, ông Jan Egeland, Tổng Thư ký Hội đồng người tị nạn Na Uy - đơn vị thành lập IDMC, bày tỏ quan ngại rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang làm chuyển hướng các nguồn viện trợ từ nhiều nơi, do một số quốc gia đang sử dụng ngân sách viện trợ của họ để giúp đỡ người tị nạn Ukraine. Điều này đồng nghĩa số tiền viện trợ dành cho phần còn lại của thế giới sẽ hụt đi. Ngoài ra, cuộc xung đột tại Ukraine cũng đang làm gia tăng chi phí viện trợ cho những người phải rời bỏ nhà cửa do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. 

Những tác động phức tạp của bối cảnh thế giới đối với di cư quốc tế là không thể đo lường được và còn được coi là nguyên nhân gây chia rẽ các quốc gia một cách sâu sắc và dai dẳng. Giới quan sát cho rằng, đã đến lúc các nhà lãnh đạo và những người có ảnh hưởng gạt đi các bất đồng, tập trung vào ngăn chặn và giải quyết xung đột, đảm bảo tôn trọng nhân quyền để tránh những thảm kịch đang xảy ra với cộng đồng người di cư quốc tế.

Tin cùng chuyên mục