Thế giới lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh lây lan

Ngày
Thế giới lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh lây lan

Ngày 23-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về sự xuất hiện các loại dịch bệnh lây lan cũng như hàng loạt thảm họa do con người gây ra. WHO nhấn mạnh đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành y tế các nước và đòi hỏi phải có sự phản ứng kịp thời trên toàn cầu.

Cần cải tổ hệ thống y tế

Phát biểu tại Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 69 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Magaret Chan, ngày 23-5, đã lên tiếng thúc giục các nước cần thiết lập một hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng việc phản ứng chậm trễ và thiếu hiệu quả như khi đối phó với dịch Ebola trong thời gian qua là một thất bại không thể để lặp lại trong tương lai. Theo bà Chan, xây dựng các hệ thống y tế mạnh là giải pháp phòng chống dịch bệnh đầu tiên mà chúng ta cần hướng tới. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tuần này tại Nhật Bản.

Phát động chiến dịch tuyên truyền cách phòng chống virus Zika ở Brazil

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21-5 đã công bố Chương trình Tài chính khẩn cấp cho đại dịch (PEF), trị giá ban đầu 500 triệu USD, nhằm đối phó nhanh chóng với sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm. Đây là quỹ bảo hiểm đầu tiên được lập ra trên thế giới nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh sau khi thế giới hứng chịu dịch bệnh Ebola ở Tây Phi năm 2014. Theo chương trình này, 77 nước kém phát triển sẽ nhận được hỗ trợ khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, cơ chế bảo hiểm sẽ chỉ được áp dụng với một số bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch lớn, trong đó có một số chủng cúm, các bệnh về hô hấp như SARS và MERS cũng như các virus gây chết người như Ebola và Marburg. Trong danh sách chi trả bảo hiểm không bao gồm virus Zika đang lây lan nhanh ở Mỹ Latinh.

Các dịch bệnh chưa kiểm soát được

Ngày 24-5, Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết đã phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm virus Zika ở thành phố này, sau khi ca nhiễm đầu tiên được thông báo vào ngày 15-5. Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh nhận định có thể có thêm các ca nhiễm virus Zika xuất hiện ở Bắc Kinh do việc đi lại thường xuyên giữa thành phố này và các nước đang có dịch. Trong khi đó, bi kịch hơn là tại nhiều nước châu Phi, không ít phụ nữ lỡ mang thai nhiễm virus Zika nhưng không được phá thai vì luật pháp nước sở tại không cho. Ở El Salvador, theo Reuters, Bộ Y tế nước này đã khuyến cáo phụ nữ nên trì hoãn việc mang thai cho đến năm 2017.

Trước đó, ngày 11-5, trên website của mình, WHO cảnh báo dịch bệnh sốt vàng da có nguy cơ bùng phát, lây lan rất nhanh và cần phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về dịch bệnh này. Hiện tại 11,6 triệu liều vaccine đã được gửi đến Angola và 2,2 triệu liều gửi đến Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Sốt vàng hay sốt vàng da là bệnh virus cấp tính, do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra. Các trường hợp nhiễm virus thường có triệu chứng bị sốt, đau lưng, run, nôn mửa trong khoảng 3 đến 4 ngày. WHO khuyến cáo, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh 10 ngày trước khi di chuyển đến vùng dịch. Bên cạnh đó, tổ chức này còn kêu gọi các quốc gia tích cực tiêu diệt muỗi Aedes aegypti đề phòng dịch lây lan mạnh.

Liên quan đến muỗi Aedes aegypti, ngày 24-5, các nhà khoa học Brazil cho biết đã tìm thấy bằng chứng xác thực khẳng định muỗi Aedes aegypti là tác nhân lây truyền virus Zika tại nhiều vùng quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và cũng là tác nhân lây truyền virus Zika phổ biến nhất tại Brazil.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục