
(SGGP-12G).- Ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay, các nước trên thế giới đồng loạt tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễu hành, các cuộc gặp mặt đặc biệt với sự tham gia của mọi tầng lớp lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Argentina tổ chức mít tinh lớn ở thủ đô Buenos Aires. Ảnh: REUTERS
Năm nay Bộ Lao động Dubai tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động với dự kiến các hoạt động diễn ra trong suốt 5 ngày, bám sát chủ đề “Người lao động là đối tác phát triển của chúng ta”. Nhân dịp này, các hội thảo về quyền của người lao động sẽ được tổ chức.
Theo đó, người lao động cần được hưởng các quyền lợi đầy đủ về y tế, trợ giúp từ phía giới chủ. Học sinh nhân ngày này được đi thăm các nhà máy, công trường để hòa mình vào không khí làm việc của công nhân. Cuộc thi marathon vì người lao động cũng được chờ đón.
Trong khi ở nhiều quốc gia, 1-5 là ngày nghỉ lễ thì tại Dubai lại không vì bộ lao động cho rằng làm việc trong ngày này là một sự khen thưởng, cho thấy người lao động là đối tác không thể thiếu trong tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đã công bố nghỉ lễ 3 ngày, từ 1 đến 3-5 để mừng Ngày Quốc tế lao động. Các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Đại Liên, Hồng Công và Quảng Châu đóng cửa đến ngày 4-5.
Tại thủ đô Manila (Philippines), hơn 5.000 cảnh sát đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho ngày 1-5. Số cảnh sát này có mặt tại những nơi công cộng như nhà ga, bến xe điện ngầm, bưu điện... và luôn trong tình trạng báo động cao trong suốt ngày 1-5.

Người dân Palestine ở Dải Gaza tuần hành mừng Ngày Quốc tế lao động. Ảnh: AP
Ở Pakistan, Liên đoàn Lao động Pakistan đã lên kế hoạch tổ nhiều chương trình lớn tại các thành phố quan trọng trong cả nước. Bên cạnh các cuộc mít tinh sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, trình diễn nghệ thuật.
Từ hôm nay, LHP Lao động quốc tế lần thứ 4 diễn ra đồng thời ở Istanbul, Ankara và Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). Tổng cộng có 50 phim (12 phim truyện và 38 phim tài liệu) đến từ các nước tham gia tranh giải trong vòng 1 tuần.
Các phim đều là những tư liệu sinh động và chân thực về cuộc sống khốn khổ của các tầng lớp lao động, về những người lao động nghèo bị nhiễm độc trong quá trình làm việc, những đứa trẻ phải đi làm để kiếm sống qua ngày, những lao động nhập cư bị đối xử tệ bạc, những phụ nữ phải giả trai để được vào làm trong nhà máy chỉ nhận đàn ông...
Chiếu mở màn là bộ phim tài liệu 100 Bin Kisiydiler (Họ gồm 100.000 người), kể chi tiết về sự kiện công nhân đình công tuyệt thực trong năm 1990-1991 với đầy đủ các nhân chứng liên quan.
Báo cáo mới công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, gần 1 triệu lao động bị tai nạn lao động và hơn 5.500 lao động thiệt mạng và bị thương mỗi ngày do tai nạn lao động. Tiến sĩ Sameera Al-Tuwajri, Giám đốc chương trình Safework nhận định, tai nạn lao động hoặc thương tật trong lúc làm việc sẽ còn tăng. |
VIỆT KHUÊ (tổng hợp)
Các nghiệp đoàn Pháp tổng biểu tình (SGGP-12G).- Ngày Quốc tế lao động năm nay ở Pháp mang một ý nghĩa lịch sử bởi là lần đầu tiên 8 nghiệp đoàn chính ở Pháp, gồm CGT, CFDT, FR, CFTC, CGC, FSU, UNSA và Solidaires Unions, thể hiện một mặt trận đoàn kết thống nhất bằng cuộc tổng biểu tình để phản đối các chính sách xã hội và cách đối phó suy thoái kinh tế của Chính phủ Pháp. Đây là lần thứ 3 các nghiệp đoàn tổ chức biểu tình chung, sau 2 đợt biểu tình ngày 29-1 và 19-3. Ngày Quốc tế lao động ở Pháp theo truyền thống là ngày xã hội phản kháng. Năm nay, các nghiệp đoàn hy vọng mức huy động biểu tình đạt quy mô chưa từng có. Gần 300 cuộc diễu hành dự kiến diễn ra khắp Pháp. Ở Paris, các nghiệp đoàn kêu gọi thành viên tập hợp vào giữa trưa tại Quảng trường Denfert-Rochereau và hướng đến Quảng trường Bastille. Không khí xã hội Pháp trở nên căng thẳng trong 6 tháng qua cùng những làn sóng sa thải nhân công khắp nước. Theo nhóm “G-8 nghiệp đoàn”, chính phủ phải có các biện pháp phục hồi tiền tệ dựa trên sức mua cao hơn cho người dân và hành động quyết liệt để chống tình trạng thất nghiệp. Dự kiến vào ngày 4-5, các lãnh đạo nghiệp đoàn sẽ bàn cãi bước tiếp theo. Hiện chưa có thỏa thuận về việc tổ chức đình công ngay sau cuộc tổng biểu tình nhưng các nghiệp đoàn đã đồng ý về sự cần thiết phải chuyển hướng căng thẳng xã hội để tránh những hành động quá khích. HÀ KIM (theo France 24) |