Thế giới thời “hậu Osama Bin Laden”

Sau khi Mỹ công bố thông tin trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt, cả thế giới hân hoan vì trút bỏ được phần nào nỗi lo sợ về mối đe dọa an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Bin Laden chết không đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống khủng bố đã chấm dứt, thậm chí việc Al-Qaeda tuyên bố trả thù sẽ đặt thế giới trước nhiều mối lo mới.
Thế giới thời “hậu Osama Bin Laden”

Sau khi Mỹ công bố thông tin trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt, cả thế giới hân hoan vì trút bỏ được phần nào nỗi lo sợ về mối đe dọa an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Bin Laden chết không đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống khủng bố đã chấm dứt, thậm chí việc Al-Qaeda tuyên bố trả thù sẽ đặt thế giới trước nhiều mối lo mới.

Tờ Observer dẫn lời một số chuyên gia của cơ quan an ninh nội địa và cơ quan chống khủng bố Mỹ cho rằng, cái chết của Bin Laden thực sự khiến Al-Qaeda như “rắn mất đầu”. Tiến sĩ Hassan Abbas, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu châu Á có trụ sở tại New York, khẳng định thế giới sẽ trở nên an toàn hơn khi không còn Bin Laden.

Trong khi đó, Richard Barrett, điều phối viên nhóm theo dõi Al-Qaeda/Taliban của LHQ cho biết cái chết của trùm khủng bố là một đòn chí tử giáng xuống mạng lưới Al-Qaeda vốn đã suy yếu trong 2 năm trở lại đây do một số thành phần đầu sỏ bị tiêu diệt và những thay đổi đang xáo trộn tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi.

Còn nhà nghiên cứu độc lập về các phong trào Hồi giáo, Hossam Tammam, cho rằng sự sụp đổ của Al-Qaeda diễn ra trên 3 cấp độ. Thứ nhất ở cấp độ tổ chức, do hầu hết giới thủ lĩnh hàng đầu của Al-Qaeda đã bị Mỹ tiêu diệt hoặc bắt giữ.

Cấp độ thứ hai là Al-Qaeda đã hoàn toàn rút khỏi những khu vực ảnh hưởng ở trung tâm của thế giới Hồi giáo như Iraq, Saudi Arabia và Ai Cập, và chuyển sang những nước Hồi giáo thứ yếu như Somalia, Chad và Mali. Cuối cùng, tổ chức này đã mất đi sức hấp dẫn do các cuộc nổi dậy của thanh niên trong thế giới Arab.

Tiến sĩ Vanda Felbab-Brown thuộc Viện Nghiên cứu Brookings tin rằng, Mỹ đã thực hiện được mục tiêu chia tách mối quan hệ của Al-Qaeda và Taliban bởi Bin Laden chính là chiếc cầu nối của 2 nhóm này.

Người dân tụ tập trước khu biệt thự sau khi Bin Laden bị tiêu diệt. Ảnh: AFP

Người dân tụ tập trước khu biệt thự sau khi Bin Laden bị tiêu diệt. Ảnh: AFP

  • Chết không phải là hết

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Felbab-Brown cũng lưu ý việc chia tách này không có nghĩa Al-Qaeda không còn khả năng thực hiện các vụ tấn công trong thời gian tới. Phó Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, Yu Wanli, cũng đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Felbab-Brown.

Theo đó, Bin Laden chết không phải “liều thuốc chữa bách bệnh” đối với cuộc chiến chống khủng bố. Về cơ bản, nó không làm thay đổi toàn bộ bức tranh chống khủng bố của Mỹ trên thế giới, đặc biệt là tại Afghanistan. Việc tiêu diệt Bin Laden có thể khiến những người ủng hộ tên trùm khủng bố này trả thù và Mỹ vẫn tiếp tục phải tăng cường các hoạt động chống lại các cuộc tấn công khủng bố mới.

Cái chết của Bin Laden có thể khiến trung tâm chỉ huy của tổ chức khủng bố Al-Qaeda được chuyển tới Yemen, quê hương của trùm khủng bố. Các chuyên gia dự báo nhánh Al-Qaeda ở Yemen dưới sự chỉ huy của giáo sĩ người Mỹ gốc Yemen Anwar al-Awlaki sẽ đẩy mạnh các hoạt động. Nhân vật này muốn sử dụng Yemen làm thành trì của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Nabil Bukairi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Abaad ở Yemen, nhận định nhánh Al-Qaeda tại khu vực này tỏ ra là một đối thủ rất linh hoạt, có khả năng đi trước một bước so với các cơ quan tình báo Mỹ. Trong vụ tấn công suýt đánh đắm chiến hạm USS Cole của Mỹ năm 2000 tại cảng Aden của Yemen, nhóm này đã chứng tỏ được khả năng và mức độ táo bạo.

Nhóm này còn là tác giả của nhiều âm mưu tấn công khác vào lợi ích của Mỹ như vụ tấn công một máy bay của hãng hàng không Mỹ hồi Giáng sinh năm 2009 và suýt chút nữa cho nổ 2 máy bay vận tải của Mỹ năm 2010. Điều đáng nói, những vụ tấn công gần đây được thực hiện độc lập, không có sự chỉ đạo trực tiếp của trùm khủng bố Bin Laden, cho thấy sự trưởng thành của nhánh Al-Qaeda Yemen.

Mới gần đây nhất, một vụ tấn công mang hơi hướng của Al-Qaeda đã xảy ra tại Marocco khi một quán cà phê ở Marrakesh, TP tập trung đông du khách nước ngoài bị đánh bom khiến 15 người thiệt mạng, trong đó có 10 người mang nhiều quốc tịch khác nhau.

Sau khi Bin Laden chết, các thượng nghị sĩ và công luận Mỹ yêu cầu chính phủ nước này công bố các bức ảnh về cái chết của Bin Laden để chứng minh. Tuy nhiên, theo ông Paul Pillar, cựu nhân viên CIA, việc Bin Laden có chết hay không chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến các hoạt động khủng bố của nhóm Al-Qaeda. Al-Qaeda có quan hệ khăng khít với lực lượng phiến quân ở nhiều quốc gia như Somalia và thậm chí cả ở Pakistan hay Afghanistan, những nơi mà Mỹ có đồng minh cũng như lực lượng chống khủng bố hùng hậu. Mối quan hệ này có thể giúp Al-Qaeda dễ dàng thực hiện các vụ tấn công có chủ đích vào lợi ích của Mỹ tại các khu vực.

Ngoại trưởng Mali, Soumeylou Boubeye Maiga, cảnh báo cái chết của Bin Laden sẽ làm các nhóm phiến quân Hồi giáo Maghreb (AQMI) trung thành với trùm khủng bố tăng cường các hoạt động tấn công và bắt cóc tại khu vực Bắc Phi như Mali, Niger và Mauritana. Mới đây, 5 người quốc tịch Pháp, 1 người Madagasca và 1 người Tongo, đã bị AQMI bắt cóc và giết hại.

Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu thông báo Bin Laden bị tiêu diệt cũng phải thừa nhận “Không có gì phải nghi ngờ khi Al-Qaeda tiếp tục theo đuổi các cuộc tấn công nhằm vào chúng ta”.

  • Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh

Trong một bình luận trên tạp chí trực tuyến “Chính trị thế giới” (WPR) về tác động của cái chết Bin Laden đối với nước Mỹ, nhà nghiên cứu cao cấp của Dự án An ninh Mỹ, Michael Cohen, cho rằng cái chết này sẽ định hình lại toàn bộ chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ.

Ông Cohen nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố luôn giữ vị trí hàng đầu trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, với cái chết của Bin Laden, sự thổi phồng quá mức mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sẽ chấm dứt. Mối đe dọa Al-Qaeda đã được tuyên truyền với nhân dân Mỹ như là mối đe dọa sống còn đối với nước Mỹ và nền tự do của nước Mỹ. Nó đã được sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh ở Iraq, sự gia tăng bất thường ngân sách tình báo, quân sự và an ninh nội địa của Mỹ cũng như thúc đẩy các hành động bất hợp pháp nhằm vào các kẻ thù thực sự cũng như kẻ thù tưởng tượng của Mỹ.

Theo ông Cohen, mối đe dọa từ Al-Qaeda không tương xứng với phản ứng của Mỹ, nhưng do phản ứng bị chính trị hóa đối với cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001, và chủ nghĩa khủng bố được các nhà lãnh đạo Mỹ mô tả như mối đe dọa sống còn nên không thể có các cuộc đối thoại chín chắn hơn về khủng bố và mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ông Cohen nhấn mạnh cái chết của Bin Laden mở ra cơ hội định hình lại tư duy này để từ đó điều chỉnh lại phản ứng của Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, theo ông Cohen, vấn đề là liệu Tổng thống Obama có tận dụng cơ hội chính trị này để hành động hay không. Về ngắn hạn, người ta có thể hình dung cái chết của Bin Laden có thể tác động trực tiếp đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào mùa hè này. Tuy không thể nói rằng chủ nghĩa khủng bố đột nhiên biến mất, nhưng cái chết của Bin Laden có thể dẫn đến một nền chính trị mới, trong đó chủ nghĩa khủng bố không còn buộc Mỹ quá sâu trong vòng kiềm tỏa của nó.

Với cái chết của Bin Laden, cơ hội vàng đã mở ra để loại trừ nỗi ám ảnh về chủ nghĩa khủng bố. Tuy không thể coi nhẹ khủng bố, nhưng nó chỉ là một trong nhiều vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần quan tâm để bảo vệ an ninh nước Mỹ. 

ĐỖ VĂN 

Mỹ giấu Pakistan vì sợ lộ

Theo tờ Al Jazeera, cảnh sát Pakistan đã phong tỏa khu vực xung quanh căn biệt thự đã xảy ra vụ tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ở ngoại ô thị trấn Abbottabad. Hơn 300 cảnh sát có vũ trang được triển khai tại các điểm chủ chốt, ngăn dân chúng và báo đài tiếp cận với lý do đảm bảo an ninh.

Theo AFP, người dân sống ở khu vực lân cận khu biệt thự trên được lực lượng an ninh khám người và kiểm tra thẻ căn cước mỗi khi trở về nhà. Chính quyền Mỹ ngày 4-5 tiết lộ, Osama Bin Laden không có bất cứ vũ khí nào khi bị tấn công bất ngờ và cũng không có chuyện dùng một người phụ nữ làm lá chắn sống như truyền thông đưa tin trước đó.

CIA giải thích lý do không thông báo với quân đội Pakistan về chiến dịch trên, vì e ngại khả năng Pakistan sẽ có người thông báo cho trùm khủng bố. Lãnh đạo Anh, Pháp cũng đưa ra những nghi ngại tương tự.

Cũng theo Al Jazeera, các chuyên gia phân tích dữ liệu của Mỹ đang tiến hành phân tích thông tin từ những tài liệu trong máy tính thu được từ căn biệt thự của Bin Laden. Họ hy vọng sẽ tìm được những thông tin hữu ích về hoạt động của mạng lưới Al-Qaeda.

Nhà Trắng cho biết vẫn đang cân nhắc về việc công bố chính thức ảnh xác chết của Bin Laden. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, tấm ảnh này vô cùng kinh khủng và có thể sẽ gây kích động đối với lực lượng Al-Qaeda và cả thế giới Hồi giáo.

N.QUỲNH


Ăn theo Osama

Chưa đầy 48 giờ sau khi chính quyền Mỹ thông báo về cái chết của Osama Bin Laden, người dân nước này đã chớp ngay cơ hội làm ăn với quy mô nhỏ nhưng lợi nhuận không hề nhỏ.

Nhà sản xuất áo thun CustomInk ở Bắc Virginia cho biết đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng sản xuất áo thun có in hình Osama Bin Laden. Các trang bán hàng trực tuyến như Zazzle và CafePress (chuyên cung cấp những sản phẩm do chính khách hàng tự chọn hình để thiết kế) tràn ngập những đơn đặt hàng áo thun, hình dán, ly nước, nón có hình Bin Laden, Tổng thống Obama và lực lượng biệt kích hải quân SEAL.

Một chiếc áo kèm theo câu: “Cần Obama mới hạ được Osama” được trang Zazzle bán với giá 32 USD hay một chiếc cài áo tương tự có giá 2,45 USD. Ở trang CafePress, chiếc ly có in câu: “Ngày hạnh phúc không có Osama” giá 15 USD. 

H.NHI

Thông tin liên quan

- 40 phút đưa cuộc chiến chống khủng bố sang trang

- Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn

- B. Obama: Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt

Tin cùng chuyên mục