“Cú hích” mới cho ngành hàng không Singapore

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ hàng không thương mại, Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) quyết định thành lập quỹ trị giá 200 triệu SGD (156 triệu USD) hỗ trợ các sáng kiến thu hút, phát triển và giữ chân lực lượng lao động trong ngành hàng không.

Theo CAAS, quỹ này có tên gọi OneAviation Manpower Fund, được thiết kế phù hợp với yêu cầu từ các công đoàn, doanh nghiệp hàng không và đối tác giáo dục, nhằm đáp ứng những nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cụ thể của ngành.

X10B.jpg
Triển lãm mô hình hướng dẫn lái máy bay tại Hội chợ nghề nghiệp và giáo dục OneAviation 2025 tại Singapore. Ảnh: CNA

Tổng Giám đốc CAAS Han Kok Juan cho biết: “Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự đoán nhu cầu hành khách hàng không toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Là một trung tâm hàng không hàng đầu, Singapore có vị thế thuận lợi để nắm bắt sự tăng trưởng này. Phát triển ngành hàng không sẽ tạo thêm những cơ hội nghề nghiệp mới, cũng như mang lại thêm nhiều trải nghiệm dịch vụ cho người dân cả hiện tại và trong tương lai”. Trong đó, OneAviation Manpower Fund sẽ mang lại “cú hích lớn” cho những nỗ lực của Singapore nhằm phát triển lực lượng lao động hàng không của nước này.

Để chuẩn bị cho kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành hàng không, CAAS và Cơ quan Phát triển lực lượng lao động Singapore (WSG) đã hợp tác nghiên cứu đánh giá thực trạng lực lượng lao động hiện tại, nhận diện các xu hướng trong tương lai và xây dựng các chương trình giúp người dân nắm bắt cơ hội. Đây là nghiên cứu toàn diện đầu tiên về nguồn nhân lực trong ngành hàng không Singapore, với các dữ liệu thu thập từ hơn 200 công ty và các hội thảo chuyên sâu với các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành. Theo nghiên cứu, các “xu hướng lớn” (megatrends) sẽ tác động đến việc làm và kỹ năng trong ngành hàng không trong vòng 5 năm tới, bao gồm số hóa, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như tự động hóa và robot. Nghiên cứu cho biết thêm, những xu hướng này sẽ làm thay đổi các công việc hiện tại và tạo ra những công việc mới trong ngành, ảnh hưởng tới khoảng 30% lực lượng lao động.

Hiện có 31 chức năng công việc vận hành thiết yếu đối với hoạt động hàng ngày của trung tâm hàng không, bao gồm phi công và tiếp viên, nhân viên xử lý hành lý và hàng hóa, kỹ sư máy bay, nhân viên an ninh hàng không và đầu bếp phục vụ. Ngành hàng không Singapore hiện đang sử dụng trực tiếp hơn 60.000 lao động. Theo dự báo của CAAS, lực lượng này sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng cao.

CAAS đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với 9 học viện giáo dục đại học, từ đó xác định nhu cầu đào tạo đang thay đổi, phát triển chương trình giảng dạy và cung cấp các chương trình thực tập cũng như đào tạo nội bộ. WSG sẽ xây dựng một cẩm nang hướng dẫn vào cuối năm nay để giúp các nhà tuyển dụng trong ngành hàng không xác định các kỹ năng thiết yếu cho các vị trí công việc mới nổi và triển khai các cơ hội thiết kế lại công việc. Ngoài ra, CAAS và Chính phủ Singapore đã triển khai kế hoạch làm mới đội máy bay và cải thiện hoạt động của các hãng hàng không Singapore, trong đó có các giải pháp như: lên thông tin chi tiết về quản lý các chuyến bay, đưa ra lộ trình các tuyến đường hiệu quả hơn, tăng cường sử dụng phân tích dữ liệu và giải pháp kỹ thuật số để tiết kiệm nhiên liệu bay và cải thiện tắc nghẽn không phận.

Tin cùng chuyên mục