Thế hệ mới của chính trường nước Pháp

Ngày 9-1, ông Gabriel Attal, 34 tuổi, đã trở thành thủ tướng trẻ nhất của Pháp từ trước đến nay.

Tổng thống Emmanuel Macron chọn một đồng minh rất trẻ để vượt qua thử thách. Ảnh: MSN
Tổng thống Emmanuel Macron chọn một đồng minh rất trẻ để vượt qua thử thách. Ảnh: MSN

Theo giới quan sát, một cuộc cải tổ rộng hơn dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ 2 của mình trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và Olympic Paris vào mùa hè tới.

Ông Attal sinh ngày 16-3-1989 tại khu vực Ile-de-France. Hoạt động chính trị của ông Attal bắt đầu khi ông tham gia các cuộc biểu tình của giới trẻ ở Pháp năm 2006. Năm 2012, ông tốt nghiệp Trường Đại học Sciences Po với bằng thạc sĩ quan hệ công chúng, từng học luật tại Đại học Panthéon-Assas từ năm 2008-2011.

Trải qua nhiều hoạt động, tháng 6-2017, ông Attal được bầu vào Quốc hội Pháp và sớm trở thành nhân vật nổi bật. Ông Attal là người phát ngôn của chính phủ dưới thời Thủ tướng Jean Castex từ năm 2020-2022. Tháng 7-2023, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên trong cuộc cải tổ Chính phủ Pháp năm 2023 và ngay sau đó đã gây chú ý khi cấm trang phục abaya của người Hồi giáo trong trường học.

Tân Thủ tướng Gabriel Attal là đồng minh thân cận của Tổng thống Macron, được đánh giá là một nhà hùng biện xuất chúng và được xem như “thần đồng chính trị” trên chính trường Pháp với đường lối rất mềm dẻo. Ông Attal thường xuyên phát biểu trước các sự kiện của Quốc hội Pháp cũng như trên các chương trình phát thanh, truyền hình. Ông Attal cũng công khai mình là người đồng tính. Theo giới quan sát, ông Attal hứa hẹn mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm Elisabeth Borne, người phụ nữ thứ 2 nắm giữ chức vụ Thủ tướng Pháp, vừa từ chức.

Nếu bà Borne, 62 tuổi, được đánh giá cao về sự nghiêm khắc và thẳng thắn, ông Attal lại là gương mặt tươi tắn với danh tiếng trong sạch; đồng thời là một nhân vật được yêu thích nhất trong chính phủ sau thời gian đảm nhiệm Bộ trưởng Giáo dục, một trong những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Tờ Bloomberg nhận định, tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất đằng sau sự lựa chọn của Tổng thống Macron cho vị trí thủ tướng trong một hệ thống tổng thống tập trung cao độ. Lòng trung thành và sự nổi tiếng của ông Attal được coi là lợi thế trước sự dẫn đầu ngày càng tăng của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) trước cuộc bầu cử châu Âu vào mùa hè này.

Theo giới quan sát, không hẳn chỉ vì tranh thủ cảm tình của giới trẻ, sự chọn lựa này của Tổng thống Marcon là một cách phòng thủ khác chống lại cặp cực hữu Le Pen và Jordan Bardella - nhân vật số 2 đầy quyền lực của RN, 28 tuổi, người đang dẫn đầu cuộc bầu cử châu Âu chống lại Tổng thống Macron với những khẩu hiệu như “Người Pháp muốn ở lại Pháp”.

Trong bối cảnh nước Pháp chịu ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng chính trị sau các cải cách hưu trí và luật nhập cư gây tranh cãi trong năm 2023, việc bổ nhiệm thủ tướng mới báo hiệu rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang cố gắng cùng người đồng minh trẻ vượt qua các cải cách về lương hưu và nhập cư, đồng thời cải thiện cơ hội cho đảng của ông trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 6 tới tại Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Mujtaba Rahman, một nhà phân tích chính trị tại Eurasia: “Với những cải cách chính được thông qua, ông Macron sẽ thúc đẩy các chính sách mang tính xã hội, thiết thực hơn và có thể ít gây chia rẽ hơn. Họ sẽ cố gắng giải quyết những lo lắng phổ biến về nền dân chủ, tội phạm và hành vi chống đối xã hội của Pháp”.

Tin cùng chuyên mục