Thế nào là chuyển đổi giới tính?

Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính (CĐGT) theo quy định của pháp luật. Báo SGGP nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về việc hiểu thế nào là CĐGT?

Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính (CĐGT) theo quy định của pháp luật. Báo SGGP nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về việc hiểu thế nào là CĐGT?

Thuật ngữ CĐGT được đề cập tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 với quy định: “Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, để hiểu được hàm nghĩa của thuật ngữ CĐGT trong bối cảnh quy định pháp luật hiện hành, lại không hề đơn giản.

Hiện tại, chưa có văn bản nào quy định thế nào là CĐGT. Trước Bộ luật Dân sự năm 2015, thuật ngữ này được đề cập trong Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 5-8-2008 quy định về việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, tại Khoản 1 Điều 4 “nghiêm cấm thực hiện việc CĐGT đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng tương tự, thuật ngữ CĐGT chỉ được đề cập đến trong quy định tại Điều 37 chứ chưa có giải thích thế nào là CĐGT.

Tuy nhiên, dựa trên cách thể hiện về mặt câu chữ trong các quy định trên, cùng với việc tham khảo một số định nghĩa khác, có thể hiểu CĐGT là việc sử dụng những biện pháp y khoa tác động vào cơ thể để thay đổi giới tính của một cá nhân (về mặt sinh học). Đồng thời, phải lưu ý rằng CĐGT không giống với xác định giới tính. Mặc dù kết quả của hai hoạt động này đều là làm thay đổi giới tính của một cá nhân nhưng xác định lại giới tính chỉ áp dụng đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác và hiện nay được cho phép thực hiện, còn CĐGT chỉ áp dụng với người đã có giới tính hoàn thiện và hiện chưa được phép thực hiện cho đến khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực.

Với cách hiểu về CĐGT như trên, sẽ phát sinh một số vấn đề trong quy định về việc thừa nhận CĐGT rất cần được xem xét.

Thứ nhất, sự can thiệp y khoa đến mức độ nào thì được xem là đã CĐGT. Phải can thiệp để thay đổi hoàn toàn các bộ phận cơ thể nhằm thể hiện một giới tính mới hay chỉ cần can thiệp một phần? Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng sẽ được thay đổi thông tin hộ tịch. Thực tế, có rất nhiều trường hợp dù rất mong muốn được CĐGT nhưng điều kiện sức khỏe, điều kiện kinh tế không cho phép để thực hiện toàn bộ quá trình phẫu thuật. Như vậy, nếu CĐGT được hiểu là phải can thiệp hoàn toàn thì quyền lợi của những người chỉ phẫu thuật một phần làm thế nào để được đảm bảo trong khi họ cũng rất muốn được pháp luật và xã hội thừa nhận với giới tính mới?

Thứ hai, trường hợp một người chưa CĐGT nhưng lại có nhận thức và mong muốn mình có giới tính khác với giới tính sinh học thì có thuộc đối tượng được đăng ký lại thông tin hộ tịch không? Về vấn đề này, tại một số nước đã có quy định cho phép thay đổi thông tin giới tính mà không bắt buộc họ phải trải qua phẫu thuật CĐGT. Nghĩa là, việc xem xét một người có CĐGT hay không, được phân tích trên cơ sở về mặt tâm lý chứ không phải về mặt cấu tạo sinh học.

Thứ ba, những trường hợp đã phẫu thuật CĐGT trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực có được thừa nhận hay không?

Thứ tư, các cơ sở y tế và điều kiện để cơ sở y tế được phép thực hiện CĐGT là như thế nào? Đặc biệt, vấn đề sử dụng hormone hỗ trợ CĐGT sẽ được thực hiện như thế nào? Vấn đề này chưa được quy định trong pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi cho việc thừa nhận CĐGT trong tương lai, vấn đề này cần phải xem xét và được quy định rõ ràng cụ thể trong các văn bản pháp luật. 

Như vậy, việc thừa nhận CĐGT trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là một bước ngoặt lớn về mặt lập pháp của nước ta. Tuy nhiên, để quy định này từ một luật gốc có thể được thực thi hiệu quả trên thực tế, còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc để đưa vào quy định trong các văn bản luật chuyên ngành một cách hợp lý. Và việc xem xét, cân nhắc này cần phải được thực hiện ngay để đến khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thì có thể áp dụng được ngay, chứ không rơi vào tình trạng phải chờ luật chuyên ngành hướng dẫn.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM)

Tin cùng chuyên mục