40 năm Sài Gòn - Gia Định mang tên Thành phố Hồ Chí Minh
Với đại thắng mùa Xuân 1975, sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sài Gòn giải phóng. Đã 40 năm, với độ lùi của thời gian, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, với những cách tiếp cận và lý giải khác nhau về sự kiện 30-4. Trong khi đó, TPHCM đã vững vàng tiến lên phía trước, trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực và của cả nước. Điều gì là cốt lõi, chi phối và làm nên thắng lợi trong lịch sử và quyết định sự phát triển ngoạn mục của TP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? Theo tôi, đó là sức mạnh và thế trận lòng dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cùng đoàn đại biểu TP thăm hỏi các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa (Ảnh: VIỆT DŨNG)
Nơi hội tụ sức mạnh lòng dân của cả nước
Nguyễn Trãi, khi tổng kết về chiến thắng quân xâm lược, cũng là sự chiêm nghiệm cuộc sống, đã cho rằng: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Thế mới biết sức dân như nước! Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trên cơ sở khảo nghiệm và nghiên cứu lịch sử của dân tộc và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, cũng kết luận: Dân khí mạnh thì không quân địch nào, súng ống nào có thể thắng nổi!
Vẫn là dân tộc ấy, vẫn là nhân dân ấy, nhưng nhiều khi thành công, có khi thất bại. Sức mạnh nhân dân phải được tổ chức, lãnh đạo, phải được quy tụ về một hướng, sức mạnh đó mới nhân lên, tạo ra thế. Mà có thế thì lực nhỏ biến thành lớn, lực lớn trở thành vô địch. Như vậy, thế trận lòng dân sẽ là quyết định. Đó là nguyên lý đối với mọi dân tộc. Điều này chi phối tất cả các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, trong cái chung ấy, mỗi địa phương, mỗi nơi với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, có cách làm cụ thể, dẫn đến thực tế là thế trận lòng dân ở mỗi nơi có những nét khác biệt nhất định, làm nên những sắc thái riêng có của mỗi địa phương, mỗi khu vực.
Đoàn đại biểu TPHCM thăm hỏi các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa (Ảnh: VIỆT DŨNG)
Sài Gòn, trong lịch sử của mình đã gắn với Nam bộ, không chỉ về địa lý, mà còn cả những truyền thống lịch sử và văn hóa. Cũng là người Việt Nam, nhưng người dân nơi đây vẫn mang đậm chất phóng khoáng và tự tin; cần cù nhưng năng động; chất phác mà dũng cảm. Cái đáng nói là, bản sắc ấy không ồn ào nhưng mạnh mẽ, có sức thu hút và cảm hóa cả cư dân các nơi khác, khi đã hội nhập về đây. Với những phẩm chất truyền thống ấy, khi thực dân Pháp xâm lược, Nam bộ và Sài Gòn - Gia Định đã kiên cường đứng lên chống Pháp, là nơi đi trước, về sau trong hai cuộc kháng chiến. Lịch sử đã ghi danh Sài Gòn là nơi hội tụ sức mạnh lòng dân của cả nước, đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đem lại toàn thắng của quân và dân ta, kết thúc cuộc chống Mỹ, cứu nước, kết thúc sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình và sự thống nhất Tổ quốc.
Mỗi người dân thành phố và cả nước mãi không quên những địa danh lịch sử, ghi dấu của Khởi nghĩa Nam Kỳ, không thể quên những Hóc Môn, Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu, địa đạo Củ Chi, chiến khu Rừng Sác, cầu Công Lý, Tân Sơn Nhất… Đằng sau những địa danh ấy là những con người đã làm nên lịch sử. Đó là những công nhân - tự vệ, những nông dân - du kích; đó là những trí thức, học sinh sinh viên, các mẹ, các chị tiểu thương, nội trợ… Họ sẵn sàng xuống đường phản đối chiến tranh, phản đối xâm lược và khi cần thiết, chính họ là chiến sĩ biệt động hoặc cơ sở nuôi giấu biệt động thành. Tất cả đã làm nên một Sài Gòn sôi động thời kháng chiến.
Có những sự ngẫu nhiên của lịch sử, gắn chặt với những cái mang tính tất nhiên. Sài Gòn là nơi Bác Hồ đã từ đó đi ra thế giới để đem về con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Sài Gòn - Nam bộ luôn là nỗi niềm mong ước được thăm lại của Người, bởi nỗi niềm ấy cũng chính là mong ước của cả dân tộc: Độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc! Và người dân Sài Gòn cũng luôn hướng về Người với niềm tin yêu vô bờ: Niềm tin về một ngày toàn thắng, Bắc - Nam sum họp, được đón Bác vô thăm. Cũng chính từ nắm bắt được nguyện vọng thiết tha đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý: Để chiến dịch được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cái tên TPHCM chính thức được đặt cho TP không đơn giản chỉ là sự ghi nhận, niềm tự hào, mà còn vì một lẽ đương nhiên: Người dân TP này xứng đáng được nhận vinh dự đó!
Tiếp tục là ngọn cờ đầu
Bước vào thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, sau những trăn trở, kể cả những cái giá phải trả cho những vấp váp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, mà cái giá lớn nhất là sự suy giảm lòng tin của dân, cả nước đã đổi mới. Đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là một cuộc cách mạng, cách mạng thật sự, mà bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Trong cuộc cách mạng này, TPHCM là ngọn cờ đầu. Nhân dân năng động, sáng tạo, sự năng động, sáng tạo của toàn TP được khởi đầu, quy tụ lại ở những người lãnh đạo TP. Chính nơi đây, tư duy kinh tế mới của Đảng được nhân dân và Đảng bộ TP thể hiện hết sức cụ thể, hiệu quả. Và nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM đã được đúc kết trở thành kinh nghiệm quý, thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo cả nước.
Trong kháng chiến, đây là nơi đã hun đúc nên những con người tiêu biểu, có tâm và có tầm lãnh đạo cho Đảng. Vốn sống và kinh nghiệm chiến đấu của nhân dân đã được họ đúc rút, chỉ đạo cách mạng, chỉ đạo kháng chiến trong cả nước. Thời kỳ đổi mới, TP cũng đã tôi luyện nên những gương mặt lãnh đạo điển hình, góp phần mở đầu và đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên phạm vi cả nước.
Trong toàn bộ lịch sử hiện đại của TP, ý Đảng và lòng dân đã hòa làm một. Dân cần cù, dũng cảm, năng động, sáng tạo, tin vào lãnh đạo; lãnh đạo thì sáng suốt, dám nghĩ, dám làm thật quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, luôn nhìn thẳng vào hiện thực và đặc biệt là sâu sát dân, lắng nghe dân và chắt lọc sáng kiến của dân, cùng dân tháo gỡ khó khăn, biến thành hành động, thành kết quả cụ thể. Thực tiễn cho thấy, có những việc nơi khác, địa phương khác chưa làm được, thậm chí không làm được, nhưng TPHCM làm được và làm tốt. Nếu nói TP là đầu tàu của khu vực và cả nước, có lẽ không chỉ về kinh tế, mà đây cũng là nơi xuất phát của nhiều phong trào cách mạng trong sự nghiệp đổi mới. TPHCM thật sự đã vì cả nước, của cả nước!
Để củng cố thế trận lòng dân ở TP, phải từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Với tất cả truyền thống và kinh nghiệm của mình, TP, mà trước hết là lãnh đạo, phải đóng góp trí tuệ của mình cùng toàn Đảng hoạch định chiến lược và chủ trương chính sách đúng trong tình hình mới. Về phần mình, Đảng bộ TP chắc chắn sẽ có những quyết sách cụ thể, tiếp tục xứng đáng là ngọn cờ đầu trong đổi mới.
“Dân dĩ thực vi tiên”, đối với nhân dân, niềm tin bao giờ cũng cụ thể, củng cố thế trận lòng dân hãy bắt đầu từ kinh tế. Trong cách mạng xã hội nói chung, trong giải quyết vấn đề kinh tế nói riêng, khó có thể đồng loạt. Chúng ta chủ trương khuyến khích làm giàu, thông qua thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư, ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhưng đồng thời phải giải quyết với cố gắng cao nhất đời sống vật chất và văn hóa của bộ phận đông đảo những người dân thường, những nông dân, công nhân, trí thức và người lao động khác. Sẽ là không thừa, nếu nhắc lại rằng, đó chính là những người đã quyết định vận mệnh và sự phát triển của TP trong kháng chiến. Và đời sống kinh tế, văn hóa của họ sẽ là tiêu chí quyết định nhất, sống còn nhất đến thế trận lòng dân trong tình hình mới. Do đó, việc làm, thu nhập của người lao động cùng với những chính sách an sinh xã hội mà TP đã, đang và sẽ thực hiện là hết sức cần thiết.
Sự phát triển của TP không thể tách rời sự ổn định về chính trị, xã hội, sự vững chắc về quốc phòng, an ninh. Công tác quân sự quốc phòng của TP đã thực hiện tốt, thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh là khá vững chắc. Tuy nhiên, trật tự an toàn xã hội vẫn là một điều gây tâm lý bất an đối với nhân dân. Cần kiên quyết trấn áp những hành vi vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vi phạm trật tự và an toàn xã hội, tạo môi trường TP yên bình cho mỗi người dân.
|
Thiếu tướng, PGS-TS VŨ QUANG ĐẠO
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam