Thêm “hàng rào” bảo vệ người mua nhà

Những băn khoăn giá nhà có tăng hay không; trách nhiệm, quyền lợi của các bên ra sao trong trường hợp dự án không hoàn thành đúng cam kết... đã được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng giải đáp tại cuộc tọa đàm tổ chức ở Hà Nội ngày 24-6 xung quanh quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai (sẽ có hiệu lực từ 1-7).

Trước băn khoăn về việc mức phí bảo lãnh bao nhiêu là hợp lý, mức phí đó ảnh hưởng như thế nào đến giá nhà cũng như gây áp lực gì đối với doanh nghiệp, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho rằng, mức phí sẽ do chủ đầu tư và ngân hàng nhận bảo lãnh tự thỏa thuận và phụ thuộc vào mức độ tin cậy của chủ đầu tư. Theo quy luật thị trường, nếu chủ đầu tư lớn, đã từng có mức độ tín nhiệm với ngân hàng cao, có nghĩa là mức độ rủi ro của dự án thấp thì mức phí bảo lãnh sẽ thấp. Ngược lại, những chủ đầu tư đã từng có tín nhiệm xấu với các tổ chức tín dụng, thì đương nhiên mức phí bảo lãnh sẽ cao hơn. Cũng theo ông Sơn, nhìn vào mức phí bảo lãnh, bản thân người mua nhà cũng có thể đánh giá được độ tin cậy của dự án để có sự lựa chọn tốt nhất.

Về băn khoăn người mua nhà sẽ được hưởng lợi cụ thể như thế nào từ quy định mới này, ông Vũ Văn Phấn (Bộ Xây dựng) cho rằng, trước đây giữa người mua nhà và chủ đầu tư đã có hợp đồng mua bán, trong đó quy định tương đối rõ quyền lợi, nghĩa vụ các bên. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà vẫn bị thiệt thòi nhất là trong các trường hợp dự án bị đổ bể. Việc đòi hỏi chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai chính là dựng lên một hàng rào thứ hai để bảo vệ quyền lợi người mua. Trong trường hợp dự án chậm tiến độ, không bàn giao đúng hẹn thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm thay chủ đầu tư hoàn tiền. Như vậy, từ 1-7 trở đi, người mua nhà có quyền hỏi chủ đầu tư xem dự án mình quan tâm đã được ngân hàng nào nhận bảo lãnh chưa, mức phí bảo lãnh ra sao. Ông Phấn cũng khẳng định, với quy định mới này, giá nhà sẽ không tăng, thị trường cũng sẽ không nóng lên hay nguội đi bởi bản chất thị trường phụ thuộc vào cung - cầu.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp (Chủ tịch GP Invest) cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc bảo lãnh dự án vì các doanh nghiệp cũng được lợi, hàng bán được thì dòng tiền thu về sẽ tốt hơn, tuy nhiên NHNN phải có văn bản hướng dẫn cụ thể cách áp dụng như thế nào. Ông Hiệp băn khoăn, với những dự án hàng ngàn tỷ đồng, việc thế chấp là không đơn giản, vậy cần tính toán ra sao, liệu có được dùng tài sản khác không phải là tài sản hình thành trong tương lai thế chấp hay không. Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị, việc tính phí bảo lãnh chỉ nên được tính 70% giá trị căn nhà vì theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép thu tối đa 70% giá trị trước khi giao nhà. Về băn khoăn với những dự án khó thẩm định, mức độ rủi ro cao, liệu các chủ đầu tư có gặp khó khi tìm nhà bảo lãnh và bị ép mức phí quá cao khi thỏa thuận, ông Đoàn Thái Sơn cho rằng, sẽ có nhiều ngân hàng tham gia dịch vụ này, chủ đầu tư có quyền lựa chọn ngân hàng nào đưa ra mức phí hợp lý hơn, đồng thời cũng phải nỗ lực để chứng minh năng lực của mình hơn. Ông Sơn cũng khẳng định, việc bảo lãnh dự án là hoạt động có tính rủi ro cao, phụ thuộc vào tiến độ dự án mà tiến độ lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác, vì vậy ngân hàng sẽ phải kiểm soát nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát dòng tiền để đảm bảo tiền thu được từ khách hàng được sử dụng đúng mục đích. Ông Sơn cho biết, NHNN sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, các ngân hàng có cơ sở thực hiện nhằm phát huy hiệu ứng tích cực của quy định này.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục