Thêm sân chơi pháp luật cho giới trẻ

Tại nhiều tỉnh, thành phố nước ta, các phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật được thực hiện khá đều đặn. Đây là một trong những nỗ lực để thông tin, giải đáp thắc mắc tới người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Luật sư Châu Việt Bắc tặng hoa chúc mừng thí sinh xuất sắc Cuộc thi Vmoot 2017 tại Trường Đại học Luật TPHCM
Luật sư Châu Việt Bắc tặng hoa chúc mừng thí sinh xuất sắc Cuộc thi Vmoot 2017 tại Trường Đại học Luật TPHCM
Đáng chú ý, gần đây một số trung tâm trọng tài thương mại đã tổ chức thêm các sân chơi chuyên biệt để sinh viên, các bạn trẻ có cơ hội cọ xát, trưởng thành hơn thông qua các phiên tòa giả định có nội dung giải quyết tranh chấp thương mại.

Sôi động cuộc thi Vmoot 2017

Cuộc thi Vmoot 2017 (Phiên tòa giả định - Vmoot cấp quốc gia 2017) vừa diễn ra vòng chung kết; giải vô địch thuộc về Đội 1 - Trường Đại học Luật TPHCM. 

Trên thực tế, cuộc thi phiên tòa giả định từ lâu đã là một hoạt động được tổ chức rộng khắp trên thế giới, trở thành sân chơi của sinh viên luật nói riêng, các bạn trẻ nói chung quan tâm đến pháp luật. Qua đó, giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước đó, từ năm 2009, Trường Đại học Luật TPHCM đã bắt đầu đăng cai tổ chức các phiên tòa giả định cấp quốc tế, cấp quốc gia bằng tiếng Anh (riêng Vmoot 2017 phiên bản tiếng Việt). Sự kiện lần này do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức đã thu hút hàng chục ngàn lượt sinh viên trên khắp cả nước tham dự, tranh tài. 

Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, trường sẽ tiếp tục duy trì cuộc thi hằng năm, liên kết với các trường đào tạo luật khắp cả nước để giúp cho cuộc thi hoàn thiện, hấp dẫn hơn; tạo thêm một sân chơi đặc sắc, chuyên biệt, thú vị cho sinh viên. Thêm nữa, trường cũng hướng đến việc nâng tầm, mở rộng quy mô cuộc thi ra khu vực, giúp sinh viên ngành luật dễ dàng hội nhập, trở thành những luật sư quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. 

Về phần mình, Trần Thị Thúy Vy, sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, thí sinh tham dự cuộc thi cho rằng: “Cuộc thi chính là cơ hội giúp sinh viên đào sâu các mảng kiến thức pháp lý chuyên ngành, thực sự bổ ích đối với tôi. Hầu hết mọi người đều nhận thấy rằng, những lợi ích của Vmoot đối với cộng đồng sinh viên luật là không thể bàn cãi khi các bạn được tiếp xúc với những vấn đề thực tiễn, giúp tăng cường thêm kỹ năng thực tế, tạo hành trang tốt hơn cho công việc tương lai”. Cùng chung nhận định này, sinh viên Hoàng Uyên, Trường Đại học Luật TPHCM, chia sẻ, cuộc thi thực sự đã khiến những “cậu ấm, cô chiêu” trưởng thành lên trông thấy. Các bạn có tinh thần đội nhóm, trách nhiệm đối với công việc, lĩnh vực mình phụ trách. “Thí sinh truy cập tài liệu trên mạng, trao đổi thông tin, thử tài phản biện với đồng đội của mình để rèn luyện sự tự tin. Ngoài ra, các bạn còn tìm gặp thầy cô, luật sư để được tư vấn… Tôi rất quý mến, khâm phục tinh thần làm việc chuyên nghiệp từ các bạn sinh viên” - Hoàng Uyên nhận xét trong buổi làm cổ động viên đội nhà tham gia Vmoot 2017 tại TPHCM. 

Ưu tiên, quan tâm đến thế hệ trẻ

Trao đổi về cuộc thi nói trên cũng như những định hướng sắp tới về việc nâng cao kiến thức chuyên ngành cho sinh viên, Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, sẽ phối hợp cùng các trường đào tạo về luật để mở thêm các sân chơi mới cho sinh viên. Đây luôn là ưu tiên của VIAC vì những trưởng phòng pháp chế, luật sư tương lai này cần được trau dồi kiến thức và kỹ năng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

“VIAC nhận thấy, Vmoot là nơi phù hợp nhất để có thể truyền bá, nâng cao kiến thức về trọng tài thương mại và các kỹ năng cần thiết về nghề luật sư cho các bạn sinh viên. Cuộc thi là cầu nối giữa các nhà tuyển dụng và các bạn sinh viên. Những kỹ năng học được từ cuộc thi sẽ góp phần giúp các bạn sinh viên tự tin hơn khi bước vào công việc của mình sau này. Thêm nữa, các nhà tuyển dụng sẽ nhân cơ hội này để tìm ra được những ứng viên tiềm năng, hỗ trợ phát triển công ty mình trong tương lai. Theo đó, mô hình này cần được nhân rộng ở nhiều trường đại học”, Luật sư Châu Việt Bắc đánh giá.

Tại lễ phát động Ngày hội Pháp luật TPHCM năm 2017, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật TP, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cũng nhấn mạnh đến yếu tố tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân, doanh nghiệp, nhất là các bạn trẻ thanh niên, sinh viên. Bởi theo ông Nguyễn Văn Vũ, chính những trí thức trẻ đã và đang là những nhân tố tích cực để góp phần truyền tải thông điệp về một xã hội văn minh, người dân am hiểu pháp luật, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.  

Khép lại cuộc thi Vmoot 2017, nhiều sinh viên ngành luật hy vọng thời gian tới các trung tâm trọng tài, các trường đại học sẽ mở thêm nhiều sân chơi khác nữa để các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm, cọ xát. Muốn kiến thức pháp luật nói chung, luật trọng tài thương mại nói riêng được phổ biến thì chắc hẳn cần phải có “những bàn tay nối dài” truyền tải thông điệp về pháp luật. Mà những bàn tay ấy là ai, câu trả lời chính là các sinh viên ngành luật và những bạn trẻ đam mê tìm hiểu kiến thức pháp luật.
Cuộc thi Vmoot 2017 được khởi động từ cuối tháng 7 và kết thúc vào giữa tháng 11-2017, với sự tham gia của hơn 50 đội đến từ 28 đơn vị đào tạo ngành luật trên cả nước. Sau phần thi viết bài tranh tụng, 12 đội tuyển xuất sắc đã vào vòng tứ kết. Tại đây, các đội được chia thành các bảng để thi đấu vòng tròn, với hai vai trò: Bên nguyên đơn và bên bị đơn. Trong mỗi lượt thi, các thành viên của mỗi đội lần lượt thể hiện phần tranh tụng trước Hội đồng giả định, đồng thời trả lời những câu hỏi do hội đồng đặt ra. Kết quả, hai đội xuất sắc nhất vào chung kết xếp hạng là: Đội 1 Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Nội dung đề thi năm nay xoay quanh quan hệ về hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đây là quan hệ phổ biến trong thời đại kinh tế thị trường, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý giữa các bên tham gia. Đánh giá về cuộc thi năm nay, các trọng tài viên của VIAC, đồng thời là giám khảo của cuộc thi cho rằng, các đội thi đã nỗ lực để đem đến các phần thi có chất lượng chuyên môn cao. Đặc biệt, trong trận chung kết, phần tranh tụng diễn ra khá hấp dẫn và kịch tính giữa hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM, đã nhận được nhiều tràng pháo tay từ hơn 300 người tham dự.
PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục