Theo “then” đến tận Mường Trời

“Tình tang tình, tang tình tang, tang tang tang…”. Âm thanh trầm hùng của cây đàn tính hòa quyện với giai điệu buồn man mác của những làn điệu then, ngân vang trong các bản nhà sàn nằm lưng chừng núi vùng Việt Bắc.
Theo “then” đến tận Mường Trời

“Tình tang tình, tang tình tang, tang tang tang…”. Âm thanh trầm hùng của cây đàn tính hòa quyện với giai điệu buồn man mác của những làn điệu then, ngân vang trong các bản nhà sàn nằm lưng chừng núi vùng Việt Bắc.

Theo “then” đến tận Mường Trời ảnh 1

Then Thái Nguyên hành lễ.

Then, đàn tính, lượn, sli là đặc sản văn hóa ở Việt Bắc. Lượn và sli là tiếng lòng, là giai điệu của tuổi trẻ. Then là tâm linh, quyến rũ mọi lứa tuổi. Vào mỗi dịp đầu xuân, các gia đình người Tày, Nùng ở các bản, làng thường tổ chức các cuộc hát then.

“Bắc cầu, nối số” dành cho người già, cho trẻ ốm. “Cắt rạng” cho người kém duyên, “giải hạn” cho năm cũ, “kỳ yên” cho năm mới. Những người làm nghề cúng, hát then được gọi là then. “Giỏi làm thầy, dốt làm then”, nghệ nhân Nguyễn Tùng Dương ở xã Yên Trạch (huyện Phú Lương, Thái Nguyên), đã 11 đời làm then chuyên nghiệp nói về nghề then như vậy.

Then ở các vùng hành nghề theo các nghi thức khác nhau, giai điệu cũng không giống nhau. Then Thái Nguyên trầm buồn. Then Cao Bằng réo rắt. Thái Nguyên, Bắc Cạn không có phụ nữ làm then, trong khi Lạng Sơn và Cao Bằng lại nhiều bà then. Nhưng dù là ông then hay bà then thì then luôn là linh hồn của buổi cúng then.

Người nghệ nhân dân gian ấy phải hát hay, đàn giỏi, phải thuộc rất nhiều các chương đoạn của từng loại then, phải biết múa chầu, đi ngựa theo tiếng nhạc xóc. Và quan trọng hơn, họ phải có sức khỏe đặc biệt để trình diễn hàng đêm. Không phải vô cớ mà các ông then, bà then được nhiều người tin rằng có thể điều khiển đội quân then gồm hàng vạn “âm binh âm tướng”, đến tận Mường Trời để gặp gỡ các vị thần linh, nhờ các vị thần linh cứu giúp.

Các ông then Thái Nguyên cho biết người nào giỏi cũng chỉ thuộc đến 6, 7 bộ then, thường là 4, 5 bộ. Mỗi bộ gồm nhiều bài, mỗi bài có thể dài đến vài nghìn câu. Các bộ then, bài then là những tích truyện về sự tích các loài, dạy con người cách đối nhân xử thế, giải thích các hiện tượng thiên nhiên…

Bộ then “Tứ Bách” thường được hát trong các lễ cầu mùa được yêu thích đặc biệt. Nhất là bài “Bách cốc” (một trăm loại ngũ cốc), kể từ thuở hồng hoang của loài người “Ăn ở chốn núi non vô đạo/ Chẳng nhà cửa giàn giáo trú chân/ Hỗn độn cùng sống chung một chỗ/ Lấy lá cây làm áo che thân…” đến kinh nghiệm sản xuất “Tháng hai ba gieo mạ ngoài đồng/ Tháng tư mạ mọc xanh bằng nắm/ Tháng năm mượt xanh thắm mạ non/ Gái trai rủ từng đoàn đi nhổ/ Ra đồng cấy khắp chốn đó đây/ Tháng bảy đẹp hây hây thành bụi/ Tháng tám lúa che tối ngoài đồng/ Tháng chín lúa chín vàng ngoài ruộng/ Tháng mười gặt khắp chốn vào kho…”.

Mọi người không chỉ thích xem hát then, nghe hát then trong những dịp vui. Lúc gia đình có chuyện buồn, có người ốm đau, đồng bào càng cần đến then, như là liều thuốc tinh thần. Trong đêm thanh vắng, tiếng đàn tính trầm trầm, tiếng nhạc xóc rộn ràng quyện với mùi hương trầm ngào ngạt càng làm cho giọng hát của then có uy quyền đặc biệt. Cả người hát, người nghe, đều bị lời bài hát dẫn đi.

Nói đến then nhất thiết phải nhắc đến cây đàn tính (còn gọi là đàn then). Nghệ nhân then cũng đồng thời là nghệ nhân chế tác đàn tính. Âm điệu của then buồn do âm hưởng bài hát và do tiếng đàn. Thái Nguyên hiện có 2 nghệ nhân chế tác đàn tính được nhiều người biết đến là nghệ nhân Ma Ngọc Chỏi (hiện ở phường Quán Triều, TP Thái Nguyên, đã làm và bán hơn 150 cây đàn) và nghệ nhân Lưu Xuân Lai (ở xã Phúc Chu, Định Hóa, cũng đã làm và bán hơn 100 đàn). Có duyên với then khó mà bỏ.

Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt 84 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn làm then đã hơn 60 năm, cây đàn tính gần trăm tuổi được cụ coi là “gia bảo”. Then vốn chỉ có ở miền núi phía Bắc, nhưng do mưu sinh, một bộ phận đồng bào Tày, Nùng chuyển cư vào miền Nam sinh sống đã mang theo những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, coi đó là món ăn tinh thần tại quê hương mới. Tại thôn 7B xã Ea Phê huyện Krông Pách tỉnh Đắc Lắc có 80 hộ sống quây quần bên nhau và nhiều người biết hát then. Ông Chu Đức Kính có 5 người con đều hát được then và đánh đàn tính thành thạo. Thỉnh thoảng, ông vẫn phải về tận quê Cao Bằng để tìm vật liệu làm đàn.

Mùa nối mùa, đông qua, xuân tới. Thần tài như đang mải miết leo từng bậc cầu thang, đến gõ cửa từng nhà theo sự dẫn lối của lời hát “Chúc mừng năm mới cả nhà ta/ Tai nạn tống đi phúc đến nhà/ Ơn tổ làm ăn được mạnh khỏe/ Ơn trời tài lộc mở mang đa…”.

BẠCH LIỄU
 

Tin cùng chuyên mục