Thép nhập khẩu gian lận thương mại giá rẻ tràn ngập thị trường đang tạo ra nguy cơ đè bẹp ngành thép sản xuất trong nước.
Thép nhập khẩu áp đảo
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), với tình hình bị ảnh hưởng của lượng thép nhập khẩu tăng cao như các sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép thanh, thép cuộn…, trong tương lai Việt Nam rất có thể trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép nhập khẩu. Tính chung trong năm 2015, sản xuất các sản phẩm thép đạt gần 15 triệu tấn, tăng 21,5% so với 2014. Tiêu thụ thép đạt gần 17, 9 triệu tấn gồm cả thép nhập khẩu, tăng 26% so với 2014. Đáng chú ý, trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm thép thành phẩm khoảng 13,7 triệu tấn, gần bằng sản lượng sản xuất trong nước, tăng 22,56% so với năm 2014.
Ngoài ra, có hơn 1,78 triệu tấn phôi thép đã vào Việt Nam, tăng 198% so với năm 2014. Trong đó, cũng có hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép được nhập khẩu trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Đồng thời, năm 2015 có gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được nhập khẩu, tăng 87,5% so với năm 2014. Việt Nam nhập khẩu hơn 8,4 triệu tấn thép Trung Quốc, giá trị hơn 3,7 tỷ USD và chiếm tỷ trọng hơn 60%. So với năm 2014, lượng thép này đã tăng hơn 57% về lượng và 13,6% về trị giá. Khoảng 35% lượng hàng nhập khẩu còn lại là đến từ các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ở chiều ngược lại, thép trong nước xuất khẩu chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Theo đó, năm 2015 Việt Nam đang chỉ xuất khẩu tổng cộng hơn 2,8 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ gần 3%. Thị trường truyền thống chủ yếu vẫn là các nước trong khối ASEAN mà chưa tìm được hướng xuất khẩu sang các thị trường mới. Tuy nhiên, ngay tại thị trường truyền thống này, chúng ta cũng đang bị giảm về lượng khoảng 4% và giá trị xuất khẩu khoảng 16,7%.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhiều mặt hàng thép liên tục diễn ra phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp. Theo tính toán của VSA, trong năm 2015, chỉ riêng khối lượng tôn nhập khẩu đạt hơn 1 triệu tấn, chiếm hơn 30% sản lượng tiêu thụ trong nước, trong đó chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc có giá rẻ, chất lượng kém. Loại tôn này được đội lốt bằng cách in nhãn mác giả dưới các thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen Vũ Văn Thanh cho biết, tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng tràn lan trên thị trường sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành thép trong nước còn phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu. Tính riêng trong năm 2015, với 12 vụ kiện phòng vệ, chống bán phá giá, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD/9 tỷ USD so với chiều nhập khẩu. Thời gian gần đây, một số nước khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... đã nhiều lần kiện phòng vệ thương mại Việt Nam.
Thép sản xuất trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt bởi thép nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Tăng cường giải pháp phòng vệ
Theo Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn với ngành thép. Do đó, các doanh nghiệp thép trong nước cần liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự xâm lấn của hàng nhập khẩu. Về phía quản lý nhà nước, sớm có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xây dựng phương án phản ứng nhanh, mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ở phương diện phòng vệ thương mại, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương Nguyễn Phương Nam cho rằng, khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, các nước thị trường sẽ áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại, khiến ngành hàng có nguy cơ bị mất thị trường, kim ngạch xuất khẩu giảm. Do đó, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường trong nước, năm 2016, lượng thép từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào càng khiến thị trường gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước nguy cơ này, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm để nâng cao khả năng đấu tranh. “Điều quan trọng là các doanh nghiệp khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, phải có tinh thần hợp tác cao, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách phòng vệ nước ngoài sẽ được quyền áp dụng ngay vì chúng ta bất hợp tác”, ông Nam phân tích. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng trong quá trình điều tra, chuẩn hóa các số liệu, không chỉ phục vụ cho các cơ quan điều tra nước ngoài mà còn để phục vụ tốt cho chính doanh nghiệp, khi đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất của ngành mình.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, với tình trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các mặt hàng thép ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp trong nước phải tích cực áp dụng các biện pháp chống hàng giả và biện pháp kỹ thuật để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm của mình. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhanh chóng cung cấp các thông tin đến những dấu hiệu để phân biệt hàng giả với hàng thật do mình sản xuất, cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian dối, kiếm lời bất chính. Tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép khi nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời có giải pháp kiểm soát lượng thép Trung Quốc nhập khẩu.
LẠC PHONG