Thi công cầu Đất Sét, 25 hộ dân bị nứt nhà

Thi công cầu Đất Sét, 25 hộ dân bị nứt nhà

Trong quá trình thi công cầu Đất Sét (Km 2083+976) trên quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, đơn vị thi công đã làm nhiều nhà dân bị nứt tường, lún…
gây bức xúc.

Theo ghi nhận có 25 trường hợp nhà dân ở gần dốc cầu Đất Sét (không thuộc diện di dời) bị nứt tường, sụt lún, bong gạch nền. Đây là hậu quả của việc đóng cừ thi công công trình cầu Đất Sét. Khi bắt đầu thực hiện công trình, đại diện đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng và hứa sẽ bồi thường nếu nhà bị hư hại. Điều này làm người dân yên tâm. Thế nhưng mọi việc lại quên lãng theo thời gian.

Bà Huỳnh Thị Mai (ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A), cho biết: “Năm 2011, đơn vị thi công đến nhà tôi xác minh, chụp hình hiện trạng nhà nứt vách tường phía sau, khi công trình thi công xong nhà tôi đã nứt thêm nhiều chỗ mới, nền gạch bị bong tróc. Tôi yêu cầu đơn vị thi công đem biên bản ban đầu để so với thực tế hiện nay để có cách bồi thường, hỗ trợ sửa lại nhà”.

Trường hợp của bà Lê Thị Mỹ Ngọc cũng tương tự. Ban đầu có vài vết nứt vách nhỏ, sau đó xuất hiện rất nhiều điểm nứt; bờ kè phía sau dạt ra làm ảnh hưởng đến toàn bộ căn nhà. Theo bà Ngọc, nếu cất lại căn nhà như hiện trạng cũ với giá vật tư hiện nay khoảng 600 triệu đồng, nhưng bà chỉ yêu cầu đơn vị thi công hỗ trợ phần nào để xây dựng lại nhà, chứ không yêu cầu bồi thường căn nhà mới, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chồng bà Ngọc chỉ vết nứt tường mà trước đây không có. Ảnh: T.NHI

Chồng bà Ngọc chỉ vết nứt tường mà trước đây không có. Ảnh: T.NHI

Trước vấn đề này, ông Vũ Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư Trường Sơn, cho biết: “Căn nhà của các hộ dân đã cũ và có vết nứt sẵn. Quá trình thi công cầu có tiếp tục nứt hay không, công ty sẽ đến từng nhà xem hiện trạng, đồng thời, nhờ chính quyền địa phương vận động người dân để tránh trường hợp nhà đã nứt sẵn nay yêu cầu đơn vị thi công bồi thường. Trước mắt công ty sẽ hỗ trợ phần nào cho bà con trong điều kiện có thể”.

Ông Khoa trao đổi như thế, nhưng thực tế đơn vị này chưa hợp tác với chính quyền địa phương. Theo UBND huyện Châu Thành A, sau khi UBND xã Tân Phú Thạnh nhận đơn của 18 hộ dân, xã cử cán bộ phối hợp với ông Trịnh Ngọc Dư, Chỉ huy công trình xây dựng cầu Đất Sét xác minh, mời các bên đến hòa giải, nhưng Ban quản lý dự án không đến dự! Xã tiếp tục mời lần 2, lần này ông Dư đến dự. Các hộ dân yêu cầu bồi thường, ông Dư chỉ ghi nhận các ý kiến của hộ dân và báo cáo lại với lãnh đạo. Trong cuộc giải quyết này, UBND xã và các hộ dân yêu cầu ông Dư báo cáo lại với ban lãnh đạo trong thời hạn 7 ngày có văn bản trả lời cho UBND xã, để làm cơ sở trả lời các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Sau đó, địa phương tiếp tục mời hòa giải lần 3, nhưng phía lãnh đạo dự án không đến. Ngoài 18 hộ dân ở xã Tân Phú Thạnh, còn 7 hộ ở thị trấn Cái Tắc cũng ảnh hưởng bởi công trình cầu Đất Sét gửi đơn khiếu nại, thế nhưng UBND thị trấn Cái Tắc tiến hành mời các bên đến hòa giải, nhưng cả 3 lần phía lãnh đạo Ban quản lý dự án không đến dự.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo: Giao Sở Xây dựng phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Ban Quản lý dự án 6 tiến hành thẩm định thiệt hại mức độ nào và đánh giá diễn biến xảy ra thiệt hại, nếu thật sự do xây dựng cầu Đất Sét làm thiệt hại nhà của dân, các cơ quan liên quan đề xuất mức hỗ trợ. Đồng thời, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân bình tĩnh, căn cứ vào pháp lý để giải quyết. 

T.NHI - C.PHONG

Tin cùng chuyên mục